Sau khi tiếp xúc gần 10 đối tác đến từ nhiều quốc gia tại triển lãm, ông Võ Thành Tuân, giám đốc Công ty Nhất Nông Gia Lai (Gia Lai), cho biết nhu cầu hàng nông sản đã qua chế biến tại Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu vẫn còn cao. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt thâm nhập các thị trường này.
Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng ngày càng khắt khe hơn. "Đối với hàng thực phẩm và đồ uống, khách nước ngoài rất chuộng sản phẩm tự nhiên, càng ít ngọt và ít mặn càng tốt. Đây là xu hướng mà các doanh nghiệp Việt cần phải ưu tiên sản xuất", ông Tuân nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Bích Vân, chủ một doanh nghiệp tại TP.HCM, cho biết nhu cầu tại thị trường Trung Quốc vẫn còn khá lớn, đặc biệt là nhóm hàng nông sản và thực phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, hàng rào kỹ thuật và chất lượng họ đưa ra ngày càng không dễ.
"Những sản phẩm xuất chính ngạch, sản phẩm có giá thành cạnh tranh sẽ giành được ưu thế hơn, đặc biệt những dòng sản phẩm Việt Nam như sầu riêng, gạo, hạt điều... đang chịu cạnh tranh lớn từ Thái Lan, Ấn Độ...", bà Vân nhận định.
Tham gia triển lãm với mục tiêu hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, đại diện Công ty Minrong Guangxi (Trung Quốc) cho biết các dòng sản phẩm chất lượng cao, hữu cơ, thiên nhiên đang được ưa chuộng hơn tại thị trường Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh nhập khẩu nhóm hàng này.
Theo bà Tôn Nữ Ngân Hà, đại diện Công ty Tinh Nguyên (Tây Ninh), trong số hơn 15 đối tác nước ngoài mà đơn vị này làm việc, có nhiều đối tác đã đặt vấn đề nhập sản phẩm tương ớt và gia vị của đơn vị này. Tuy nhiên, mức giá đưa ra gần như không tăng, thậm chí giảm so với năm ngoái, nên phải duy trì giá bán tốt mới rộng đường xuất khẩu.
Vietnam Foodexpo năm nay có trên 500 gian hàng của gần 400 doanh nghiệp đến từ trên 30 tỉnh thành trong nước và trên 20 quốc gia như Mỹ, Nga, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ngành hàng trưng bày trải rộng từ nông sản, thủy sản nguyên liệu và chế biến...
Tại triển lãm, nhiều doanh nghiệp sản xuất trái cây, bánh kẹo... cho biết nhận được nhiều yêu cầu hỏi đặt mua hàng từ đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, do chưa có các chứng nhận chất lượng quốc tế, nguồn cung chưa ổn định... nên doanh nghiệp chưa dám hứa hẹn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận