Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (phải) và Bộ trưởng thứ nhất, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tại cuộc hội đàm ngày 22-6 - Ảnh: Bộ Ngoại giao
Nhận lời mời của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng thứ nhất, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21-6 đến 22-6.
Tại hội đàm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Anh, trên tinh thần Đối tác chiến lược, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn cung cũng như xem xét chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19 cho Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhiệt liệt chào mừng Ngoại trưởng Anh một lần nữa thăm chính thức Việt Nam và tham dự trực tiếp Đối thoại cấp cao Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM).
Ông Bùi Thanh Sơn bày tỏ tin tưởng chuyến thăm lần này sẽ tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Anh.
Đáp lại, Bộ trưởng Dominic Raab khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong bối cảnh Anh đang điều chỉnh chính sách hướng đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Hai bộ trưởng cũng nhất trí sớm nối lại trao đổi đoàn và các cơ chế hợp tác chủ chốt như Đối thoại chiến lược - an ninh - quốc phòng, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư (JETCO), Đối thoại quốc phòng.
Hai bên đánh giá cao những khởi sắc trong hợp tác kinh tế bất chấp tác động của đại dịch COVID-19.
Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 5,6 tỉ USD và đầu tư trực tiếp của Anh vào Việt Nam cho đến nay đạt 3,92 tỉ USD.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Dominic Raab nhấn mạnh cần tận dụng các cơ hội to lớn từ UKVFTA để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư đóng góp vào phục hồi kinh tế giai đoạn hậu đại dịch, nhất là trong các lĩnh vực tiềm năng như kinh tế số, dịch vụ tài chính, phát triển năng lượng tái tạo...
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ để bảo đảm thành công của Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu do Anh đăng cai tổ chức vào tháng 11-2021.
Bộ trưởng Dominic Raab cảm ơn Việt Nam hỗ trợ Anh trong nỗ lực hướng tới Đối tác đối thoại của ASEAN, cũng như trong đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, an ninh và hòa bình tại Biển Đông, đề cao luật pháp quốc tế, trong đó coi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), “Hiến chương về biển và đại dương” là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận