17/04/2018 15:39 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Y tế mong công an lập chốt ở bệnh viện

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chiều 17-4 đã lên tiếng với báo giới sau các vụ bác sỹ liên tục bị đánh thời gian qua.

Trao đổi với báo giới sau liên tiếp 3 vụ bác sỹ bị người nhà bệnh nhân đánh trong vòng nửa tháng vừa qua, làm giới y khoa đang lan truyền thông điệp bày tỏ sự giận dữ, Bộ trưởng Tiến kêu gọi ngành công an và các cấp đồng hành với ngành y tế, không để các bác sỹ đơn độc.

"Giải pháp quan trọng theo tôi là các cơ sở y tế và các đơn vị công an trên địa bàn ký cam kết, lập đường dây nóng để trong tình huống có bạo lực, cảnh sát cơ động có thể đến ngay hỗ trợ cán bộ y tế. Bảo vệ bệnh viện không thể giải quyết trong những trường hợp này"- bà Tiến nhìn nhận.

Bộ trưởng Tiến cũng cho biết thời gian qua đã có rất nhiều văn bản ký kết giữa ngành y tế và các cơ quan chức năng, nhưng việc ngăn chặn bạo lực với thầy thuốc vẫn chưa hiệu quả, trong khi nếu cơ quan chức năng vào cuộc thật sự thì hiệu quả rõ. Bà Tiến lấy ví dụ ở Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) và bệnh viện ở Ninh Bình, khi công an lập chốt ở bệnh viện, chia ca đi tuần thì bạo lực trong bệnh viện đã giảm hẳn.

Bà Tiến cũng chia sẻ việc xử lý người gây ra bạo hành đối với nhân viên y tế chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. "Năm 2017 có vụ người nhà bệnh nhân đập chiếc cốc to vào đầu bác sỹ ở Bệnh viện đa khoa Thạch Thất làm bác sỹ chảy nhiều máu, bị chấn thương thì vừa rồi Tòa án huyện Thạch Thất, Hà Nội đã xử người hành hung bác sỹ 9 tháng tù giam. Nhưng nhiều vụ bạo hành khác không được xử lý nghiêm như vậy"- bà Tiến nói với báo chí.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc đại biểu Quốc hội, Phó giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng cần có một cuộc "xuống đường" của những người ngoài ngành y để hỗ trợ tinh thần cho nhân viên y tế, bà Tiến cho biết chưa nhận được đề nghị này. Nhưng bộ trưởng cho rằng nếu cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc thật sự thì bạo lực với nhân viên y tế sẽ giảm. 

"Có người nói là "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", tức là nhân viên y tế có thái độ phục vụ chưa tốt mới bị đánh. Luật đã quy định rõ đánh người là phạm tội hình sự, người đó lại đang làm nhiệm vụ chăm sóc người bệnh, trong đó có cả người nhà của những người đánh mình, nếu vì phục vụ chưa tốt nên bị đánh là quan điểm không bình thường, là "chia sẻ" với người vi phạm pháp luật. Nếu nhân viên y tế có thái độ phục vụ chưa tốt, hãy báo ngay đến đường dây nóng ngành y tế, đến lãnh đạo bệnh viện, báo ngay cho chúng tôi" - bà Tiến khẳng định. 

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên