30/09/2021 18:16 GMT+7

Bỏ trốn trước khi hầu tòa vì tiếp tay cho Đức Quốc xã trong Thế chiến 2

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Một người phụ nữ Đức 96 tuổi đã bỏ trốn trước khi ra tòa vào ngày 30-9 với tội danh tiếp tay cho hành vi giết người hàng loạt trong trại tập trung của Đức quốc xã trong Thế chiến thứ hai.

Bỏ trốn trước khi hầu tòa vì tiếp tay cho Đức Quốc xã trong Thế chiến 2 - Ảnh 1.

Phòng xử án ở Itzehoe, Đức, ngày 30-9 - Ảnh: AP

Theo Hãng tin Reuters, người phụ nữ tên Irmgard Furchner bị cáo buộc tiếp tay cho hành vi sát hại 11.412 người khi bà còn là nhân viên đánh máy tại trại tập trung Stutthof của Đức quốc xã ở Ba Lan từ năm 1943 đến 1945.

Các công tố viên Đức cho biết bà Furchner bị cáo buộc đã hỗ trợ binh lính Đức sát hại một cách có hệ thống các tù nhân Do Thái, quân du kích Ba Lan cũng như các tù nhân Nga.

"Bị cáo đang bỏ trốn", Frederike Milhoffer, người phát ngôn của Tòa án Itzehoe cho biết. "Bà ta rời nhà vào sáng sớm trên một chiếc taxi, hướng về phía ga tàu điện ngầm".

Itzehoe nằm ở phía bắc nước Đức, cách biên giới với Đan Mạch khoảng 100km. Lệnh bắt giữ Furchner đã được ban hành.

Hiện vẫn chưa rõ Furchner đi đâu. Tòa án dành cho trẻ vị thành niên thụ lý vụ án của Furchner do bà còn trẻ khi phạm tội.

Theo báo Der Spiegel của Đức, bà Furchner từng là một thư ký chép lại các lệnh hành quyết của chỉ huy trại Stutthof là Paul-Werner Hoppe. Người này bị kết tội giết người vào năm 1955.

Der Spiegel đưa tin rằng Furchner đã viết thư cho thẩm phán yêu cầu xét xử vắng mặt, trong khi luật pháp Đức không cho phép xét xử vắng mặt bị cáo.

Người phát ngôn Milhoffer cho biết Furchner đã bị bắt khoảng vài giờ sau khi bỏ trốn. Bác sĩ đang kiểm tra sức khỏe của Furchner để đánh giá có thể giam giữ bà ta hay không.

Phiên tòa sắp tới sẽ diễn ra vào ngày 19-10.

Đức cũng đã buộc tội một số người liên quan đến Đức quốc xã giống như Furchner.

Oskar Groening, người được biết đến với biệt danh "kế toán của trại Auschwitz", bị kết án 4 năm tù vào năm 2015 vì tội giết người. Groening thu giữ tiền bạc và vật dụng của những người Do Thái bị đưa đến trại diệt chủng Auschwitz ở Ba Lan.

Cựu cai ngục Bruno Dey bị kết án vào năm 2020 ở tuổi 93, vì tiếp tay cho vụ sát hại 5.230 người ở trại Stutthof.

Đức quốc xã lập trại tập trung Stutthof vào năm 1939. Đây là nơi giam giữ 110.000 người và khoảng 65.000 trong số này đã chết tại đây.

Biểu tượng Đức quốc xã xuất hiện trong thang máy Bộ Ngoại giao Mỹ Biểu tượng Đức quốc xã xuất hiện trong thang máy Bộ Ngoại giao Mỹ

TTO - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 27-7 bày tỏ sự phẫn nộ và cam kết nỗ lực mới trong việc chống chủ nghĩa bài Do Thái sau khi biểu tượng Swatiska của Đức quốc xã được phát hiện khắc bên trong một thang máy của Bộ Ngoại giao Mỹ.

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên