07/03/2014 05:50 GMT+7

"Bó tay" với sai phạm?

B.HOÀN - Đ.DÂN - D.THANH
B.HOÀN - Đ.DÂN - D.THANH

TT - Trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng trong khâu hậu kiểm hoạt động góp vốn khủng tại Công ty cổ phần phát triển rừng Toàn Cầu (RTC), các công ty trong liên doanh của RTC vẫn tiếp tục tuyển thêm thành viên, quảng bá về các dự án siêu khủng của mình.

Vốn ngàn tỉ và những siêu dự án trên giấyLỗ hổng thuế chuyển nhượng vốn

GE9GQTyz.jpg
Trụ sở Công ty Hiển Vinh và một số công ty trong khối liên doanh tại đường Phan Đình Phùng (P.Xương Huân, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) - Ảnh: Duy Thanh

Dù thừa nhận có sự bất thường về số vốn đăng ký của RTC và các doanh nghiệp thành viên, nhưng các cơ quan quản lý cấp phép và kiểm tra hoạt động những doanh nghiệp này khẳng định đã làm đúng quy trình, đồng thời đổ lỗi rằng thiếu các quy định về việc kiểm tra hoạt động góp vốn tại các doanh nghiệp.

Mượn đầu heo nấu cháo

Ngày 5-3, trao đổi với chúng tôi, một người tự xưng là phụ trách tuyển nhân lực của Công ty cổ phần phát triển bền vững Bình Minh (thành viên của RTC) cho biết đang cần tuyển người cho dự án “Tăng cường năng lực hỗ trợ ngân sách cho doanh nghiệp VN”(?). Các vị trí tuyển có thu nhập từ 1,2-2,2 tỉ đồng/88 tháng, nhưng được trả bằng... giấy chứng nhận sở hữu cổ phần, và chia cổ tức trong 50 năm!

Một trong những nhiệm vụ của các thành viên khi được tuyển dụng là đem được các dự án về công ty và được hưởng 1-3% tổng vốn dự án đã đầu tư. Tương tự, khi tham gia vườn ươm, các thành viên nộp phí cấp vốn 27,25 triệu đồng/vườn ươm. Và khi giới thiệu được người mới tham gia thì thành viên giới thiệu cũng được trích hoa hồng giống như hoạt động kinh doanh đa cấp.

Trong một báo cáo gửi Sở KH-ĐT Khánh Hòa, Công ty Hiển Vinh cho biết đã đầu tư vốn vào 158 dự án quy mô lớn nhỏ, với số vốn lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, hàng loạt dự án nằm trong danh sách này lại không liên quan gì đến Công ty Hiển Vinh.

Đơn cử, dự án Khu công nghiệp Ngọc Oanh (Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh) được Công ty Hiển Vinh giới thiệu là hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng thương mại dịch vụ Ngọc Oanh và đã rót vào 160 tỉ đồng. Ngoài ra Hiển Vinh cũng đã đầu tư 140 tỉ đồng vào dự án khu đô thị Ngọc Oanh...

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuận, phó tổng giám đốc Công ty Ngọc Oanh, khẳng định hai dự án trên do Ngọc Oanh làm chủ đầu tư nhưng hiện đang ngưng vì thị trường bất động sản gặp khó khăn. “Hoàn toàn không có chuyện chúng tôi hùn hạp, góp vốn với bất kỳ công ty nào để làm hai dự án này. Tôi cũng chưa từng biết đến RTC hay Công ty Hiển Vinh ngoài thông tin đọc trên báo” - bà Thuận nói.

Tương tự, một công ty ở Hà Nội cũng được Công ty Hiển Vinh báo cáo là đối tác và đã đầu tư vào hai dự án của công ty này 984,12 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhân viên công ty cho biết dự án của họ đã khai thác từ năm năm trước và không hề biết đến RTC hay Công ty Hiển Vinh.

Biết sai nhưng khó xử?

Trao đổi với chúng tôi, Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết điều tra ban đầu thấy Công ty Hiển Vinh và các công ty khác trong khối liên doanh với RTC được thành lập với vốn điều lệ hàng ngàn tỉ đồng nhưng không góp một đồng vốn nào. Dù vậy, các công ty này vẫn ký hợp đồng hợp tác đầu tư, tài trợ vốn bằng cổ phiếu khống cho các doanh nghiệp khác để thu khoản tiền chi phí cấp vốn.

Ông Võ Tấn Thái, giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Khánh Hòa, cho biết vừa xử phạt 15 triệu đồng đối với Công ty Hiển Vinh vì chậm khắc phục hậu quả sau thanh tra về vốn điều lệ của doanh nghiệp. Trước đó, tại cuộc kiểm tra ngày 23-1-2014, công ty không đưa ra được chứng từ góp vốn của các cổ đông. Thanh tra sở yêu cầu khắc phục nhưng đến khi tái kiểm tra ngày 14-2, công ty này vẫn chưa thực hiện.

Tuy nhiên theo ông Thái, hiện chưa đủ căn cứ để thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh của công ty này. “Theo quy định, doanh nghiệp tự khai số vốn điều lệ do cổ đông đóng góp và tự chịu trách nhiệm về lời khai đó. Tuy nhiên, khâu hậu kiểm lại không quy định rõ ràng cơ quan nào phối hợp với cơ quan nào... Khi họ vi phạm thì chỉ xử lý hành chính, phạt tiền không đáng bao nhiêu và phạt bổ sung chỉ là khắc phục những sai sót” - ông Thái nói.

Trả lời câu hỏi vì sao đến tháng 1-2014 mới tổ chức kiểm tra, trong khi từ lúc thành lập vào năm 2007 đến năm 2012, Công ty Hiển Vinh đã sáu lần điều chỉnh tăng vốn với vốn điều lệ đăng ký lên tới 3.427 tỉ đồng, ông Thái cho rằng: “Những lần trước họ đăng ký vốn không lớn lắm nên mình cũng tưởng là họ hoạt động bình thường”.

Cũng theo ông Thái, Sở KH-ĐT Khánh Hòa đã giao cho Công ty Hiển Vinh đến hết quý 1-2014 phải chứng minh việc góp vốn của cổ đông và khắc phục các sai phạm. Trong trường hợp công ty không khắc phục được, cơ quan này sẽ xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Thiếu cơ chế kiểm tra hay buông lỏng?

Trong khi đó, bà Trần Thị Bình Minh, phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, cho biết quá trình cấp phép đăng ký kinh doanh cho RTC, với vốn điều lệ 45.000 tỉ đồng, diễn ra bình thường (!). “Doanh nghiệp nộp đăng ký kinh doanh với đầy đủ hồ sơ, chữ ký theo quy định nên cơ quan đăng ký kinh doanh cấp phép. Đến nay chưa có quy định nào kiểm soát việc doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ, nên doanh nghiệp muốn khai bao nhiêu thì khai” - bà Minh nói.

Bà Minh cho biết cơ quan này cũng đã từng “loay hoay” khi có doanh nghiệp đăng ký vốn 17.000 tỉ đồng hay một trường hợp khác trong lĩnh vực thương mại chỉ đăng ký vốn là... 1.000 đồng, nhưng cuối cùng phải cấp phép vì hồ sơ đầy đủ, không sai luật. Theo bà Minh, hiện luật đăng ký kinh doanh không quy định vốn đăng ký của doanh nghiệp, trừ một số ngành nghề yêu cầu phải đăng ký số vốn pháp định. Trong 39 ngành nghề RTC đăng ký không có ngành nghề nào yêu cầu phải đăng ký vốn pháp định. Về việc thực tế góp vốn điều lệ của các cổ đông sáng lập RTC, bà Minh cho rằng ngay cả Cục Thuế TP.HCM cũng không được quy định kiểm tra số vốn này nên đến nay vẫn chưa nắm tình hình!?

“Cả cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế không được quy định kiểm tra số vốn này doanh nghiệp đóng như thế nào. Sau khi đăng ký, người đại diện pháp luật phải tự chịu trách nhiệm pháp luật về việc góp vốn của các thành viên” - bà Minh nói. Việc quy định góp vốn điều lệ có thời hạn là quy định trong Luật doanh nghiệp, doanh nghiệp phải tự tuân thủ các điều khoản đó và chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn cơ quan đăng ký kinh doanh không thuộc thẩm quyền can thiệp.

Theo bà Minh, trong quá trình doanh nghiệp hoạt động, nếu các cơ quan thẩm quyền phát hiện các sai phạm phải xem xét rút giấy phép, lúc đó sở mới báo cho phòng đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp lập báo cáo, nếu thấy không hợp lệ thì xem xét tiếp cho đến khi thu hồi. “Đến giờ này chúng tôi vẫn chưa nhận được những yêu cầu kiểm tra RTC và các liên doanh liên quan của họ trên địa bàn TP.HCM. Nhưng qua phản ánh của báo chí, chúng tôi sẽ xem lại phần ngành nào thuộc chức năng của sở sẽ tiến hành kiểm tra” - bà Minh nói.

Yêu cầu RTC giải trình về vốn điều lệ khủng

Ông Trần Văn Đức, chi cục trưởng Chi cục Thuế Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết sau khi sự việc của RTC lùm xùm trên báo chí, Chi cục Thuế Q.Bình Thạnh - nơi RTC đặt trụ sở chính - đã rà soát lại thông tin trên hệ thống về doanh nghiệp này. Theo đó, từ khi thành lập vào năm 2012 đến nay, hằng tháng RTC vẫn nộp tờ khai thuế qua mạng đầy đủ nhưng chưa phát sinh doanh số. Đặc biệt, đến nay công ty này chưa gửi thông báo phát hành hóa đơn cho cơ quan thuế. “Thực chất doanh nghiệp này chưa kinh doanh nên mới chỉ nộp thuế môn bài, còn các loại thuế khác chưa phát sinh” - ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, trong ngày 7-3 Chi cục Thuế Q.Bình Thạnh gửi giấy mời chủ doanh nghiệp này đến làm việc để làm rõ về số vốn 45.000 tỉ đồng, xem các bên đã góp đủ hay chưa cũng như một số thông tin khác.

B.HOÀN - Đ.DÂN - D.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên