01/08/2012 03:45 GMT+7

Bỏ quên nạn nhân da cam?

NGUYỄN VĂN HÙNG (TP.HCM)
NGUYỄN VĂN HÙNG (TP.HCM)

TT - Cũng như hàng triệu thanh niên miền Bắc, trước năm 1975 tôi đi bộ đội và tham gia chiến đấu tại chiến trường Đông Nam bộ (đơn vị C2, D9, E271).

Đây là một trong những trọng điểm bị người Mỹ rải chất độc hóa học nên năm 1980, vợ chồng tôi sinh con gái đầu lòng thì cháu đã mắc di chứng não bẩm sinh (kết luận của Bệnh viện nhi Thụy Điển, Hà Nội năm 1984). Dù trong hoàn cảnh kinh tế thời bao cấp rất khó khăn, chúng tôi vẫn dốc sức chạy chữa cho con từ Thái Bình (quê tôi) tới Hà Nội (Bệnh viện nhi Thụy Điển, Hà Nội), đến Gia Lai (nơi tôi công tác 13 năm) nhưng cháu vẫn ngày càng suy kiệt và đã chết vào tháng 11-1993 tại thị xã Pleiku, tỉnh Gia Lai khi vừa 13 tuổi.

Mặc dù bản thân tôi mắc nhiều căn bệnh mãn tính (đã khám, điều trị tại hầu hết bệnh viện lớn trong nước và cả tại Singapore nhưng không kết quả) song căn cứ theo quyết định số 09/2008 của bộ trưởng Bộ Y tế và thông tư 08/2009 của Bộ Lao động - thương binh & xã hội (LĐ-TB&XH) hướng dẫn thực hiện chính sách trợ cấp đối với nạn nhân nhiễm chất độc da cam, tôi làm hồ sơ theo diện đối tượng có con bị di chứng chất độc da cam. Tuy nhiên, tại thời điểm làm hồ sơ (năm 2011), con gái tôi đã chết trước đó 18 năm nên đương nhiên không thể đưa con đến cơ sở y tế nơi thường trú là tại TP.HCM để khám, xác nhận di chứng như hướng dẫn của hai bộ được.

Sau khi được một cán bộ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM hướng dẫn, tôi đã về Bệnh viện đa khoa Gia Lai, nơi đã theo dõi, điều trị cho con tôi trước khi mất từ năm 1984-1993, lấy giấy xác nhận bệnh trạng đồng thời gửi kèm hồ sơ ảnh của cháu khi còn sống tới các cấp xét duyệt của TP.HCM đề nghị xét cho hưởng trợ cấp như chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi hồ sơ của tôi được gửi đến UBND phường khoảng vài tháng thì Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thông báo trường hợp của tôi không được chấp nhận cho hưởng chính sách.

Khi tôi cho rằng đây là sự bất công đối với người tham gia kháng chiến có con bị di chứng chất độc da cam, ngày 23-12-2011 Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã gửi văn bản xin ý kiến của Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) về trường hợp của tôi. Tuy nhiên, từ đó đến nay tôi không hề nhận được hồi âm của cục này.

Thực tế trường hợp người tham gia kháng chiến trước năm 1975 có con bị di chứng chất độc da cam nhưng đã chết trước khi có chính sách trợ cấp của Nhà nước như tôi là khá đông. Chúng tôi đã chịu nỗi đau lớn là mất con, nay lại bị đối xử thờ ơ, bất bình đẳng như thế là không phù hợp với chính sách đối với người có công của Đảng và Nhà nước ta.

NGUYỄN VĂN HÙNG (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên