28/04/2025 12:14 GMT+7

Bộ Nội vụ nêu lý do bỏ thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh

Theo ông Phan Trung Tuấn, Bộ Chính trị 3 lần xem xét, cho ý kiến về đề án này, cân nhắc rất kỹ vì sao không giữ lại tên thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Bộ Nội vụ nêu lý do bỏ thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh - Ảnh 1.

Một góc thành phố Hưng Yên hiện nay - Ảnh: NAM TRẦN

Tại cuộc họp báo sáng 28-4, phóng viên nêu việc tới đây cả nước thực hiện chủ trương không tổ chức cấp huyện, trong 696 đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay có 87 thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương sẽ không còn.

Rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học và nhiều người dân rất ủng hộ chủ trương này. Tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng nên giữ lại các thành phố này bằng cách xem các thành phố là một loại hình trong cấp chính quyền địa phương cơ sở.

Vậy ý kiến của Bộ Nội vụ về việc này như thế nào?

Vì sao không còn các thành phố, thị xã?

Trả lời sau đó, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho hay đề xuất ban đầu của Bộ Nội vụ vẫn có mô hình thành phố, thị xã và xác định đây là một đơn vị cấp cơ sở.

"Theo đề xuất ban đầu của chúng tôi, khi đó sẽ không còn xã, phường ở dưới nữa, như vậy vẫn bảo đảm việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở. Cấp cơ sở bao gồm xã, phường, đặc khu, thành phố, thị xã", ông Tuấn cho biết.

Ông Tuấn cho biết thêm khi trình, cấp có thẩm quyền cân nhắc rất kỹ việc này. Bộ Chính trị 3 lần xem xét, cho ý kiến về đề án này, cân nhắc rất kỹ vì sao không giữ lại tên thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Lý do bởi chúng ta đã thống nhất chủ trương bỏ hoàn toàn cấp huyện, cấp cơ sở chỉ còn cấp xã. Mặt khác có yếu tố tâm lý sợ tác động, ảnh hưởng đến nhiều người dân.

"Họ sẽ băn khoăn vì sao chủ trương bỏ cấp huyện mà vẫn giữ lại thành phố, thị xã hiện đang là cấp huyện", ông Tuấn nói thêm.

Ông nhấn mạnh sau khi cân nhắc rất kỹ, Bộ Chính trị, Trung ương thống nhất tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bỏ hoàn toàn cấp huyện, không có vương vấn gì đối với đơn vị cấp huyện nữa.

Đồng thời, Bộ Chính trị, Trung ương thống nhất tổ chức mô hình tương đối gọn nhẹ, để bảo đảm hướng tới phục vụ người dân tốt nhất, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, chính quyền cấp cơ sở gần dân, sát dân…

Theo đó, giữ nguyên cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cấp xã chỉ còn xã, phường, đặc khu (tổ chức ở các địa bàn hải đảo), tới đây sẽ có khoảng 12-13 đặc khu theo phương án trình của các địa phương.

Hiện nay cả nước có 85 thành phố thuộc tỉnh và 2 thành phố thuộc thành phố là Thủ Đức (thuộc TP.HCM), thành phố Thủy Nguyên (thuộc Hải Phòng).

thành phố - Ảnh 3.

Quang cảnh buổi họp báo - Ảnh: GIA HÂN

Bố trí nhà công vụ, xe đưa đón cho cán bộ, công chức sau sáp nhập

Liên quan vấn đề lấy ý kiến người dân, Bộ Nội vụ cho biết trên cơ sở đề xuất của Đảng ủy Chính phủ tại đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết số 76 về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025.

Trong đó, nghị quyết quy định khuyến khích đặt tên của đơn vị hành chính cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.

Căn cứ quy định tại nghị quyết số 76, địa phương chủ động việc đặt tên, đổi tên của đơn vị hành chính cấp xã cho phù hợp với thực tiễn của địa phương, đảm bảo tên gọi dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.

Thông tin về việc bố trí nhà công vụ, xe đưa đón cán bộ, công chức sau sáp nhập, Bộ Nội vụ cho biết nghị quyết 76 đã quy định.

Cụ thể, chính quyền địa phương cấp tỉnh nơi dự kiến bố trí trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến hình thành sau sắp xếp có trách nhiệm chủ động cân đối, bố trí ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến việc quan tâm bố trí nhà ở công vụ, phương tiện phục vụ công tác và nhu cầu đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp để ổn định điều kiện làm việc tại đơn vị hành chính sau sắp xếp…

Bộ Nội vụ lý giải việc bỏ thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thành phố - Ảnh 4.Người được bổ nhiệm ở cơ quan nhà nước chỉ một quốc tịch Việt Nam, có trường hợp đặc biệt

Luật Quốc tịch sửa đổi đề xuất người được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, giữ chức vụ, chức danh vào các cơ quan nhà nước phải là người chỉ có quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên