"Bêtông có khuyết tật, nhưng công trình vẫn… an toàn"Khẩn trương khắc phục thấm nước ở thủy điện Sông Tranh 2Phải đặt an toàn của dân trên hết
Phóng to |
Nước thấm, rò rỉ chỉ còn 7-8 lít/giây
"Chúng tôi hi vọng tháng 3 sẽ triệt tiêu dòng thấm này, nước sẽ chỉ chảy vào hành lang thoát nước. Giai đoạn 2 sẽ phải tiếp tục triển khai chống thấm để giảm tối đa nước thấm qua thân đập vào hành lang thoát nước. Cái này mất nhiều thời gian hơn nhưng quyết tâm xong trước mùa lũ. Sau khi triển khai chống thấm hai giai đoạn, sẽ đánh giá toàn diện đập Sông Tranh, từ đó có giải pháp toàn diện để đảm bảo công trình vận hành đúng thiết kế" |
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết đến thời điểm chiều 28-3, lượng nước thấm, chảy về hạ lưu qua thân đập chỉ còn 7-8 lít/giây, giảm rất đáng kể so với lượng nước chảy được chiếu trên truyền hình. Từ kết quả này, ông Vượng đánh giá các giải pháp chống thấm đã hữu hiệu. Do chưa phát hiện vết nứt trên thân đập cùng quá trình quan trắc, ông Vượng khẳng định: “Tới thời điểm này đập vẫn an toàn, ổn định. Chắc chắn sẽ không xảy ra sự cố nào có thể nguy hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân ở hạ du”!
Không thể khẳng định an toàn tuyệt đối
Trả lời các câu hỏi tại buổi họp báo, nhiều vấn đề đã được hé lộ.
* Bộ Công thương khẳng định an toàn, nếu sau này có sự cố thì ai chịu trách nhiệm? Có phương án để tránh sự cố đột xuất?
- Ông Hoàng Quốc Vượng (thứ trưởng Bộ Công thương): Khi nói công trình đảm bảo an toàn không có nghĩa là chủ quan. Hiện các giải pháp khắc phục đang được triển khai. Nếu cứ để nước thấm, chảy về hạ lưu lâu dài sẽ nới rộng khe nhiệt, ảnh hưởng độ bền bêtông. Chúng tôi sẽ tổ chức đánh giá toàn diện chất lượng, thực trạng của đập Sông Tranh 2. Với một công trình, chúng ta có thể nói phải đảm bảo an toàn cao nhất. Giờ hỏi có bảo đảm tuyệt đối không thì tôi xin nói ngay khi xây nhà máy điện hạt nhân - công trình đòi hỏi an toàn cao nhất, cũng không ai dám đảm bảo sẽ an toàn tuyệt đối. Các thủy điện của VN đều có phương án phòng chống lụt bão, qua đó đảm bảo an toàn.
* Có chuyên gia nghi chất lượng bêtông có vấn đề, khả năng đập Sông Tranh 2 bị thi công ẩu, ăn bớt. Có cần khoan bêtông lấy mẫu kiểm định chất lượng?
- Ông Lê Quang Hùng (cục trưởng Cục Giám định nhà nước về công trình xây dựng): Ta chưa đặt vấn đề khoan kiểm định vì toàn bộ quá trình thi công bêtông đã được kiểm tra, lấy mẫu kiểm định rồi. Nay xuất hiện tình trạng thấm cũng nên bình tĩnh xem xét, nếu chỉ thấm qua khe nhiệt thì không đặt ra khoan mẫu. Tất nhiên, nói thế không có nghĩa sẽ không khoan...
* VN chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về bêtông đầm lăn, căn cứ vào đâu để nghiệm thu thủy điện Sông Tranh 2?
- Ông Lê Quang Hùng: Theo quy định, bắt buộc phải có quy chuẩn xây dựng, cái này Nhà nước đã ban hành. Còn tiêu chuẩn thì có thể áp dụng nhiều tiêu chuẩn, của VN hoặc nước ngoài. Ta đang áp dụng tiêu chuẩn Mỹ về bêtông đầm lăn nên Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã nghiệm thu theo tiêu chuẩn Mỹ.
* Đã có đơn vị nào nhận trách nhiệm về sự cố thủy điện Sông Tranh 2 chưa? Liệu có ai phải từ chức?
- Ông Hoàng Quốc Vượng: Nếu chất lượng không tốt, đầu tiên trách nhiệm là chủ đầu tư, là EVN. Nhưng khi có bất thường xảy ra, đầu tiên phải xem kỹ nguyên nhân, từ đó có giải pháp. Tùy mức độ bất thường sẽ làm rõ trách nhiệm các bên, cá nhân liên quan. Với sự cố thủy điện Sông Tranh, dù chưa ảnh hưởng ổn định của đập nhưng đây là hiện tượng không được phép. Nguyên nhân là xử lý tại nhà máy không đúng quy trình, không đúng cách nên nước mới thấm, chảy về hạ lưu. Rồi chúng tôi cũng sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan.
Phóng to |
Ông Đinh Văn Thu, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: “Nhân dân, chính quyền Quảng Nam vẫn còn nhiều lo lắng. Dân lo là chính đáng” - Ảnh: Nguyễn Khánh |
* Liệu có cần kiểm tra toàn bộ các công trình thủy điện và cho thẩm định độc lập thủy điện Sông Tranh 2?
- Ông Lê Quang Hùng: Có cần thẩm định độc lập không, hiện có nhiều ý kiến khác nhau. Theo quy định của pháp luật, chất lượng công trình thì chủ đầu tư, tư vấn... phải chịu trách nhiệm chứng minh an toàn. Đầu tiên hãy để các cơ quan này đưa ra giải pháp, không thể nói dừng lại để đưa người khác vào làm. Với công trình như đập thủy điện, Nhà nước cũng đã có giám sát. Trong trường hợp này, Hội đồng nghiệm thu nhà nước và Bộ Công thương là hai cơ quan độc lập rồi. Tôi cũng xin nói không phải đập bị nêu thấm nước Hội đồng nghiệm thu nhà nước mới vào mà chúng tôi đã vào định kỳ đánh giá, kiểm tra.
* Thẩm định, kiểm tra nhiều lần mà vẫn xảy ra thấm nước thì Hội đồng nghiệm thu nhà nước có trách nhiệm gì không?
- Ông Lê Quang Hùng: Không ai dự báo được có thấm nước hay không. Hội đồng nghiệm thu nhà nước nghiệm thu là xem bêtông đó đạt yêu cầu không, di dân xong chưa, quan trắc đủ điều kiện tích nước chưa... Nếu không có vấn đề gì thì tất cả bình thường. Còn có khuyết tật, việc đó sẽ được khắc phục...
* Với những giải thích của đại diện các cơ quan nói trên, Quảng Nam có thấy an tâm không?
- Ông Đinh Văn Thu (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam): Được trực tiếp nghe giải thích, chúng tôi có niềm tin về sự an toàn. Tuy nhiên, nhân dân, chính quyền Quảng Nam vẫn còn nhiều lo lắng, nhất là việc động đất, sau đó là thấm nước. Hai sự kiện có logic với nhau không? Dân lo là chính đáng. Khẳng định của các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học cũng cần thống nhất, chứ hiện nay qua báo chí thấy các nhà khoa học không thống nhất. Đề nghị cần có kết luận chính thức bằng văn bản của Nhà nước để tỉnh giải thích cho dân một cách chính thống. Thứ hai là phải đánh giá tổng thể công trình để có giải pháp căn cơ hơn trong xử lý.
- Ông Hoàng Quốc Vượng: Những ý kiến từ Bộ Công thương, tư vấn... trong buổi họp báo này đều là chính thức. Văn bản thì Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã ra ngày 23-3. Như thế đã là có văn bản chính thức rồi...
* Có thông tin đã từng xảy ra thấm nước tương tự ở các thủy điện khác và đã được khắc phục, có đúng không?
- Ông Hoàng Quốc Vượng: VN đã xây 74 đập bêtông đầm lăn. Đúng là đã xảy ra hiện tượng thấm nước tương tự ở thủy điện PleiKrong, lưu lượng thấm nước khoảng 25 lít/giây, cũng tương đối lớn so với thiết kế. Chủ đầu tư, nhà thầu đã khoan và xử lý. Sau một mùa lũ, mức thấm đã giảm còn 3 lít/giây, hoàn toàn đáp ứng thiết kế và hiện nay đập đang vận hành an toàn, ổn định...
Nước vẫn chảy trong lòng đập
Chiều qua, thường vụ Huyện ủy Bắc Trà My (Quảng Nam) đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp sau chuyến thị sát tình hình thực tế trong các đường hầm tại bờ đập chắn đang rò rỉ nước của thủy điện Sông Tranh 2. Tuy nhiên, thông tin chính thức của cuộc thị sát không được tiết lộ. Có thông tin cho biết Ban thường vụ Huyện ủy Bắc Trà My đã thống nhất giao UBND huyện làm báo cáo kết quả kiểm tra. Các kiến nghị sẽ được cán bộ trong đoàn công tác đồng ký tên và gửi chính quyền tỉnh Quảng Nam. Theo một cán bộ, đoàn công tác chín người của huyện Bắc Trà My đã thị sát hơn một giờ trong các đường hầm. Hiện trường đường hầm rất tối, ngột ngạt, nước vẫn chảy xối xả ở nhiều nơi. Nhiều công nhân đang khẩn trương xử lý đặt hai ống lớn thu nước về hệ thống ống dẫn xả ở đáy thân đập. Ông Trần Văn Hải - trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, người trực tiếp dẫn vào hầm - liên tục giải thích với đoàn kiểm tra rằng đơn vị đang khẩn trương xử lý, những người không có chuyên môn kỹ thuật, ít am hiểu sẽ thấy lo lắng nhưng thật ra đập vẫn an toàn và sẽ được xử lý dứt điểm sớm. Tuy nhiên, theo nhận định chung của đoàn công tác, thực trạng nước thấm qua thân đập và rò rỉ bên trong rất nhiều. Trong ngày 28-3, có thêm nhiều chuyên gia của Cục Kiểm định nhà nước về các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) vào kiểm tra các vết rò rỉ ở bờ đập thủy điện Sông Tranh 2. Mọi ngả đường vào bờ đập cùng nơi làm việc của Ban quản lý dự án thủy điện 3 đều được phong tỏa bằng hàng rào thép B40, báo chí cũng như người dân không thể tiếp cận hiện trường. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận