27/03/2012 08:47 GMT+7

Phải đặt an toàn của dân trên hết

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
TẤN VŨ - ĐĂNG NAM

TT - Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn (phó tư lệnh Quân khu 5 - trưởng Ban phòng chống lụt bão Quân khu) khẳng định như vậy trong chuyến thị sát đập thủy điện Sông Tranh 2 chiều 26-3.

Đập Sông Tranh "có vấn đề"EVN làm việc vụ thủy điện Sông Tranh 2EVN: Thủy điện Sông Tranh 2 không nứt bêtông

gFAupWEM.jpgPhóng to
Đoàn công tác do thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn dẫn đầu thị sát đập thủy điện Sông Tranh 2 - Ảnh: T.Vũ

Hơn một tuần sau sự cố rò rỉ đập thủy điện Sông Tranh 2, chiều 26-3, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã cử một đoàn công tác do thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn dẫn đầu đi thị sát thân đập Sông Tranh 2, đồng thời làm việc với chủ đầu tư. Ðây là việc làm thường niên về công tác phòng chống lụt bão của Quân khu 5.

Vượt tầm của tỉnh

Báo cáo với đoàn công tác, phó giám đốc Ban điều hành dự án thủy điện 3, ông Vũ Ðức Toàn, cho biết trong thời gian chờ các cơ quan chức năng kết luận về vụ rò rỉ nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2, ban quản lý đã cho xử lý bằng cách khoan thu gom nước và dẫn nước thấm về hành lang thu nước của con đập. Ông Toàn khẳng định mọi việc vẫn an toàn.

Về công tác phòng chống lụt bão, ông Toàn cho rằng đơn vị có đủ các thiết bị cần thiết như rọ đá, xăng dầu, canô... để ứng phó với bão lũ từ năm 2011. Năm 2012, mọi thứ đã rất sẵn sàng với phương châm "4 tại chỗ".

Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam Nguyễn Thanh Quang cho hay: "Hồ nước chứa đến 730 triệu m3, cao trình 180m, nếu xảy ra thảm họa thì toàn bộ huyện bên dưới thân đập từ Bắc Trà My, Tiên Phước, Nông Sơn, Duy Xuyên, Ðiện Bàn đến Hội An thiệt hại rất nặng nề. Về kỹ thuật thì phía chủ đầu tư phải lo. Một công trình lớn của đất nước với vốn đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng thì trách nhiệm thuộc về cấp Chính phủ, chứ cỡ như chủ tịch tỉnh lo cũng không nổi".

Phải trực chiến 100%

Tại cuộc làm việc, kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn - chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam - đề nghị phía nhà máy phải "trực chiến 100%" tại mặt đập trong thời gian này. Ông Tuấn cũng đề xuất đưa kịch bản ứng phó sự cố Sông Tranh 2 trong tình huống xấu nhất vào chương trình phòng chống lụt bão năm 2012 của tỉnh.

Ông Lê Anh Tuấn - phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - phát biểu: "Sự cố vừa rồi ban quản lý tuyên bố không có vấn đề gì nhưng nhìn cách khắc phục thủ công kiểu đó dân không lo không được". Cũng theo ông Tuấn, chính quyền huyện chưa dám thông báo gì với người dân vì đang chờ kết luận chính thức từ các nhà khoa học.

Là người điều hành cuộc làm việc, thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn cho rằng thủy điện góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhất định, nhưng tất cả phải đặt an toàn của người dân lên trên hết.

Thiếu tướng Nhơn yêu cầu: "Chủ đầu tư công trình phải nhanh chóng báo cáo toàn bộ sự việc như thế nào một cách cụ thể, nhất là trong suốt quá trình thi công có vấn đề gì không để từ đó tìm ra nguyên nhân, khắc phục một cách nghiêm túc nhất. Ngoài ra chủ đầu tư phải liên tục theo dõi sự cố để có báo cáo kịp thời. Hiện Quân khu 5 đã thành lập phòng cứu hộ cứu nạn và sẽ làm hết mình khi cần thiết...".

Ngay sau khi kết thúc cuộc họp, đoàn công tác có cuộc khảo sát ngắn tại hiện trường. Tại đây, toàn bộ nước tràn tại vai trái của thân đập đã được thu gom vào các đường ống, trong khi đó phía vai phải của đập nước vẫn xối xả như mọi ngày. Tuy nhiên, phần thân đập chính xuất hiện nhiều vết thấm lớn. Nhận định về hiện tượng mới này, kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn nói: "Do xử lý bịt phía hạ lưu thân đập, nước không xì ra ngoài được nên đã gây hiện tượng thấm như trên". Còn ông Nguyễn Thanh Quang lo lắng: "Tôi phải báo cáo ngay tình hình này với lãnh đạo tỉnh lần nữa...

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM

EVN: đã giảm thấm khoảng 80%

Ngày 26-3, Tập đoàn Ðiện lực VN (EVN) đã chính thức có thông cáo về sự cố rò rỉ nước tại thân đập thủy điện Sông Tranh 2. EVN công nhận đến đầu tháng 2-2012 khi thấy xuất hiện thấm nước trong các hành lang thu nước và thấm ra hạ lưu đập, các đơn vị đã xử lý thấm nhưng chưa có hiệu quả. Vì vậy, nước vẫn còn chảy ra hạ lưu đập như báo chí nêu. EVN cũng công nhận hiện tượng thấm nước ra hạ lưu đập theo các khe nhiệt là chưa đúng với sơ đồ thấm và thoát nước theo thiết kế.

Tuy nhiên, EVN khẳng định nước thấm qua khe nhiệt chứ không phải thấm qua các khe nứt của đập. Nguyên nhân chính của hiện tượng thấm là do hệ thống các ống thu nước bố trí trong các hành lang thu nước trong thân đập chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ, một số ống thu nước giữa các tầng hành lang bị tắc. Ðặc biệt, EVN khẳng định: "Ðập thủy điện Sông Tranh 2 chưa xuất hiện các vết nứt trong bêtông. Với mức độ thấm như hiện nay chưa ảnh hưởng đến an toàn đập".

EVN cũng khẳng định hiện tượng thấm đã giảm hẳn (theo đánh giá sơ bộ thì giảm tới khoảng 80%).

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức EVN khẳng định việc nước chảy vào hành lang "như suối" trong tường thuật của các phóng viên là bình thường bởi hành lang thiết kế là để gom nước. Vì vậy, người dân không nên hoang mang.

Trước mắt, EVN cho biết đã chỉ đạo Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia huy động tối đa công suất của Công ty thủy điện Sông Tranh để hạ mực nước hồ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xử lý thấm đạt hiệu quả. Việc xử lý tổng thể thủy điện Sông Tranh 2 sẽ hoàn thành trước mùa lũ năm 2012.

CẦM VĂN KÌNH

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên