21/03/2012 13:00 GMT+7

Đập Sông Tranh "có vấn đề"

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TTO - Sáng 21-3, trong thời gian chờ đoàn công tác của Cục Kiểm định nhà nước về các công trình xây dựng vào làm việc, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Nam đã làm việc với Ban quản lý thủy điện 3.

Bộ Xây dựng vào cuộcĐập thủy điện Sông Tranh 2 bị nứt?Nhiều vết nứt trên đập thủy điện Sông Tranh 2EVN làm việc vụ thủy điện Sông Tranh 2

WeHRqG5A.jpgPhóng to
Ông Trần Văn Hải - Trường Ban quản lý dự án thủy điện 3 - thừa nhận đập đang có vấn đề sáng 21-3 - Ảnh: Tấn Vũ

Tại đây, ông Trần Văn Hải, trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, đã thừa nhận con đập “có vấn đề”, tuy nhiên ông Hải nhấn mạnh đây chưa phải là sự cố.

Tại cuộc họp, ông Hải và các kỹ sư của công trình này đã báo cáo với đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam về nguyên nhân rò rỉ nước trong thời gian qua. Theo ông Hải, nguyên nhân vẫn là do nước rò rỉ theo các khe nhiệt và thời gian gần đây nước chảy ra nhiều hơn trước. Nước thấm qua các khe nhiệt số 28, 24,21, 18, 16, 11.

Theo báo cáo của lãnh đạo ban quản lý này, việc rò rỉ nước có rất nhiều nguyên nhân. “Chúng tôi đánh giá hệ thống thu gom nước vào hành lang bị tắc nên nước không về hành lang mà đi ra ngoài” - ông Hải lý giải.

Giải pháp đưa ra theo ban quản lý lúc này là kiểm tra toàn bộ các van chỗ khe thoát nhiệt, nếu van chắn nước nào bị tắc thì gia cố lại. Nếu nước vẫn còn thấm, bước tiếp theo là khoan các lỗ sâu khoảng 1m, bơm vào đó các vữa cao su đặc biệt vào phía thượng lưu hoặc hạ lưu của đập. Vữa này được nhập từ Hàn Quốc, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng.

Ông Hải cho hay: “Nước hồ xuống đến đâu, chúng tôi sẽ bơm vữa đến đấy. Khi bơm vào các hạt cao su này sẽ nở ra và chúng bịt lại tất cả các khe nước này. Chúng tôi sẽ triển khai trong vòng 1-2 tháng sẽ dứt điểm”.

qZZlMcnY.jpgPhóng to
Nước đang tuôn như suối tại đập chắn thủy điện Sông Tranh 2 phía hạ lưu - Ảnh: Tấn Vũ

Ông Phạm Ngọc Sinh, phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Quảng Nam, thắc mắc: “Thủy điện tích nước tháng 11-2011, theo thiết kế thông thường 2-3 tháng sau mọi việc sẽ ổn. Nhưng tại sao hôm nay thủy điện mới bùng phát và vấn đề sâu xa hơn là gì? Động đất vừa qua có ảnh hưởng đến công trình này không? Giải thích thế nào cho hàng ngàn hộ dân vùng hạ lưu an tâm sinh sống?”.

Ông Hải trả lời: “Tôi nói đây là vấn đề chứ không phải sự cố. Chúng tôi cũng đã làm hết sức mình. Chúng tôi đang xử lý, còn về sâu hơn nữa phải có điều kiện mới giải thích cho người dân hiểu được về chuyên môn”. Ông Hải cũng khẳng định động đất không ảnh hưởng đến công trình vì theo thiết kế bờ đập chịu được động đất cấp 7, tức 5,9 độ Richter.

Trả lời câu hỏi của phóng viên việc tại sao chỉ có mép bên trái của bờ đập bị tuôn nước ào ạt còn bên phải khô ráo; việc trước đây con đập này từng bị sạt lở đất phía vai trái sau những ngày động đất, ông Hải lý giải: “Trên đường Hồ Chí Minh từ Thạnh Mỹ qua Đông Giang sạt lở nhiều là do địa chất, do mưa nhiều hay ít, và vùng đất vai trái đập là đất đổ của công trình nên việc sạt là có tính toán trước và cũng không ảnh hưởng gì đến đập!”.

Cuộc họp kết thúc sau 30 phút hội ý, tất cả các thành viên trong đoàn kiểm tra đã tham quan nơi con đập “có vấn đề”. Tại đây, hàng loạt công nhân được huy động đang mang ống nước, dây nhựa, khoan và đặt đường ống chia nước từ các khe về nơi khác.

PV TTO ghi nhận nhiều ống nước bị bung dây đã bắn những vòi nước cao hơn 3m phun thành vòi dài trên bờ đập. Trong khi đó, tại van nhiệt sát tràn đập chính nước vẫn tuôn như suối. Hơn chục công nhân đang tập trung xử lý nước ở khu vực này…

Chiều nay, đoàn công tác của Cục Kiểm định nhà nước về các công trình xây dựng gồm tám chuyên gia hàng đầu về xây dựng, thủy điện sẽ thị sát, đánh giá công trình này.

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên