31/08/2020 12:15 GMT+7

Bỏ ngang ngành tài chính, mở phòng khám y học cổ truyền làm từ thiện

LƯU ĐÌNH LONG
LƯU ĐÌNH LONG

TTO - Trước khi chọn khoác áo blouse, trở thành y sĩ với việc khám bệnh miễn phí cho người bệnh, Triều từng học Đại học Ngân hàng TP.HCM.

Bỏ ngang ngành tài chính, mở phòng khám y học cổ truyền làm từ thiện - Ảnh 1.

Mọi người góp sức cho phòng khám Huỳnh Lương - Ảnh: L.Đ.L.

Anh Lý Thanh Triều (33 tuổi) là chủ nhân của cơ sở khám bệnh từ thiện Huỳnh Lương ở phường Long Thành Trung, thị xã Hòa Thành, Tây Ninh.

Trong khi theo đuổi chuyên ngành về tài chính, anh Triều đau đáu: "Mình phải làm gì đó giúp ích nhiều người hơn". Và Triều chọn nghề y, tiếp tục theo đuổi việc học, rẽ ngang hướng mới.

"Một mình tôi không làm nổi đâu"

Anh Triều kể: "Lúc mới học ngành tài chính, tôi từng nghĩ có nhiều tiền sẽ giúp cuộc sống mình tốt hơn và có thể sẽ giúp được nhiều người. Nhưng mãi đến khi học năm thứ 4 tôi mới nhận ra tiền không phải là tất cả". 

Theo anh Triều, tiền không thể mua được sức khỏe, không thể giúp người khác hết những căn bệnh hiểm nghèo. "Nếu học nghề y, mình sẽ giúp được nhiều người hơn dù mình không có nhiều tiền" - anh Triều chia sẻ.

Để đi đến quyết định đó không dễ dàng vì ban đầu gia đình không ủng hộ. Anh giải thích rõ tâm nguyện, kiên trì thuyết phục, cuối cùng được mọi người ủng hộ. "Gia đình cũng là nguồn động lực để mình cố gắng hơn nữa" - anh nói.

Đến nay, cơ sở Huỳnh Lương đã khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho mọi người được hơn 8 năm. Anh Triều bộc bạch: "Một mình tôi không làm nổi đâu, ở đó có rất nhiều cô chú, anh chị đã đồng hành cùng phòng khám trong từng thời gian khác nhau, nhờ đó mà Huỳnh Lương mới duy trì được đến nay".

Luôn nhớ ơn và hạnh phúc vì sự chung sức của nhiều bàn tay khác, với anh Triều, đó còn là động lực để vượt mọi khó khăn, mệt nhọc trong mỗi ngày cuối tuần tiếp xúc bệnh nhân. Một điều quan trọng khác, anh chia sẻ trong thời gian làm việc thiện nguyện đó, các cơ sở đông y khác đã chia sẻ nguồn thuốc hỗ trợ Huỳnh Lương. 

Theo đó, các phòng khám Trí Huệ Cung, Y viện Tòa Thánh Tây Ninh, Huỳnh Lê, phòng khám nhân đạo Chữ Thập Đỏ TP Tây Ninh... đóng góp, kết nối cho nguồn thuốc của Triều thêm phong phú. 

Bản thân phòng khám Huỳnh Lương cũng làm điều tương tự nếu nguồn dược liệu không dùng hết. "Vì thuốc nam không để lâu được, mà các phòng khám từ thiện đôi khi thiếu thứ mình có và ngược lại" - anh Triều cho hay.

Bỏ ngang ngành tài chính, mở phòng khám y học cổ truyền làm từ thiện - Ảnh 2.

Y sĩ Lý Thanh Triều - Ảnh: L.Đ.L.

Điều làm tôi nhớ nhất chính là những nụ cười của người bệnh khi họ quay lại với một sức khỏe tốt.

Anh LÝ THANH TRIỀU

Phát triển và bảo tồn cây thuốc địa phương

Y sĩ Thanh Triều cho biết người ta bệnh có rất nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu từ thức ăn, môi trường và lối sống. Đó là thực phẩm bẩn, thức ăn nhanh, đồ nướng cay nóng, môi trường ô nhiễm, lối sống hưởng thụ, lười vận động và xa rời thiên nhiên.

Do vậy, nguyên tắc điều trị của phòng khám Huỳnh Lương là y học cổ truyền kết hợp với chẩn đoán y học hiện đại cùng phương pháp vật lý trị liệu để trị bệnh và phòng bệnh. "Mỗi lần bệnh nhân tới, ngoài chẩn bệnh, kê đơn, tôi luôn khuyên họ điều chỉnh chế độ ăn, sinh hoạt lành mạnh. Đó mới là căn cốt để khỏe mạnh và khỏe mạnh lâu dài" - anh Triều nói.

Làm sao để phòng khám luôn hoạt động tốt? Đó là hướng tới bền vững về mặt tài chính. Giải pháp cho việc này, anh Triều đã phát triển nhiều sản phẩm hữu cơ, handmade từ chính khu vườn thuốc của mình. 

Những sản phẩm của Huỳnh Lương được nhiều người ủng hộ, như trà hoa đậu biếc, thảo dược ngâm chân, muối dinh dưỡng, sâm giải nhiệt... Tất cả lợi nhuận từ đây sẽ là nguồn quỹ hỗ trợ một phần nào cho việc duy trì hoạt động của phòng khám. 

Nguồn thuốc chính sử dụng tại phòng khám ngoài chia sẻ từ các cơ sở đông y kể trên, một phần nữa từ chính các cô chú, anh chị trong nhóm đang làm việc tại phòng khám "tự cung tự cấp".

Tiếng lành đồn xa, hằng tuần, từ sáng sớm chủ nhật, nhiều đoàn bệnh nhân từ Đồng Nai, Lâm Đồng về khám. Hiểu được người bệnh khó khăn, đường xa nên phòng khám của anh Triều tổ chức phục vụ bữa chay ăn sáng và trưa cho mọi người. Kinh phí cơ bản cũng trích từ phòng khám, phần còn lại do các cô bác nhà bếp tự phát tâm nấu đãi mọi người.

Chị Nguyễn Thị Trang, bệnh nhân khám tại đây, chia sẻ: "Tôi từng đến khám một lần, bệnh thuyên giảm nên đến khám, lấy thuốc tiếp. Ở đây rất chu đáo, mọi người lo ăn uống cho người bệnh ở xa nên tôi và mọi người rất yên tâm".

Sắp tới, anh Triều cho biết phòng khám vẫn khám chữa bệnh và cấp thuốc theo y học cổ truyền. "Chúng tôi sẽ phát triển và bảo tồn các cây thuốc nam ở địa phương - hữu ích theo hướng du lịch trải nghiệm. Đồng thời nâng cao vai trò phương pháp vật lý trị liệu để phục vụ điều trị cho người bệnh hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra còn phát triển các sản phẩm hữu ích từ cây thuốc thiên nhiên để làm kinh tế, duy trì hoạt động hiệu quả của phòng khám" - anh Triều hào hứng.

Trong buổi chiều cuối tuần có mặt tại đây, như mọi chiều chủ nhật tại Huỳnh Lương, những người bệnh đến, kiên nhẫn chờ y sĩ Lý Thanh Triều và cộng sự chẩn bệnh, bốc thuốc. 

Sau những đơn thuốc cuối cùng trong ngày được trao cho người bệnh theo đúng thứ tự các dược liệu được kê, mọi người tranh thủ làm công quả, phụ dọn dẹp những nia thuốc phơi ngoài sân khi chiều xuống cho xong rồi mới ra về. 

Họ ý thức được rằng nơi đây cần thêm nhiều bàn tay chia sẻ, mỗi người bỏ công góp sức cũng là cách duy trì lòng thiện giữa cuộc đời này.

Chung tay bảo vệ loài gấu

Phòng khám Huỳnh Lương đã đồng hành cùng Tổ chức Động vật châu Á - Animal Asia trong nhiều năm để phát triển vườn dược liệu có tác dụng thay thế mật gấu.

Huỳnh Lương cũng góp tiếng nói tuyên truyền cho thầy thuốc, lương y và người bệnh không sử dụng mật gấu để chữa bệnh, thay vào đó là khuyến khích mọi người sử dụng 32 cây thuốc, vị thuốc (như địa liền, ngải cứu, bạch chỉ, nghệ đen, mần tưới...) có tác dụng thay thế mật gấu. Việc làm này nhằm bảo vệ hai loài gấu chó và gấu ngựa ở Việt Nam đang có nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắt, nuôi nhốt trái phép.

Anh Thanh Triều cho biết "Huỳnh Lương" được lấy tên trích từ điển tích Bát Tiên - chỉ giấc mộng của Lữ Đồng Tân với ý nghĩa rằng: Cuộc đời vinh hoa phú quý chỉ xem là phù du mộng ảo, nên làm việc tốt có ý nghĩa và ích lợi cho xã hội thì hơn.

Bác sĩ Chợ Rẫy ở tâm dịch: Có đồng nghiệp chăm sóc ba rồi, tôi yên tâm ở lại cứu người Bác sĩ Chợ Rẫy ở tâm dịch: Có đồng nghiệp chăm sóc ba rồi, tôi yên tâm ở lại cứu người

TTO - Đang túc trực điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Quảng Nam, bác sĩ Huỳnh Quang Đại (Bệnh viện Chợ Rẫy) đột ngột hay tin người cha của mình lên cơn nhồi máu cơ tim nhập viện. Lòng như lửa đốt nhưng anh không thể về...

LƯU ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên