24/08/2017 11:13 GMT+7

Bộ mặt mới của khủng bố: Tấn công bất kỳ ai

TRƯỜNG SƠN
TRƯỜNG SƠN

TTO - Kể từ vụ tấn công thảm khốc 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ, nối tiếp là các vụ đánh bom nơi công cộng, các vụ khủng bố đang có xu hướng “phi chính trị” và không phân biệt nạn nhân.

*** Error ***
Nơi xảy ra vụ tấn công ở Barcelona - Ảnh: REUTERS

IS đang kêu gọi những kẻ trung thành ở khắp thế giới thực hiện tấn công ngay trên quê hương của chúng, và kết quả là ngày càng có nhiều tên thánh chiến tiến hành các vụ tấn công ngẫu nhiên

Ông Mathieu Guidère - chuyên gia nghiên cứu khủng bố tại ĐH Toulouse (Pháp)

Chủ đích của những kẻ khủng bố là gieo rắc kinh hoàng, thu hút chú ý của truyền thông và công luận quốc tế, còn nạn nhân là ai thì không quan tâm.

Gây sự chú ý

Chuyên gia Anthony H. Cordesman, chủ tịch chương trình Arleigh A. Burke tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), vừa có bài viết trên tạp chí Fortune lý giải “vụ tấn công ở Tây Ban Nha cho thấy chủ nghĩa khủng bố đang thay đổi như thế nào”.

Theo ông Cordesman, các âm mưu khủng bố thường đi theo chu kỳ, với các hình thức và mục tiêu tấn công khác nhau.

Có những hình thức mới hoàn toàn như không tặc, vốn bắt đầu từ những năm 1960 và kéo dài đến giữa thập niên 1980, nhưng cũng có những kiểu tấn công chỉ là thay đổi một chút so với các phương pháp cũ.

Vụ tông xe nhằm vào thường dân trên phố đi bộ Las Rambias ở thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) hôm 17-8, theo ông Cordesman, “giống đến kỳ lạ các vụ đánh bom và tấn công hồi cuối những năm 1880 và đầu thập niên 1920”.

“Một lần nữa, một nhóm thiểu số cực đoan đã nhận ra chúng có thể thu hút sự chú ý của dư luận bằng những cuộc tấn công trực tiếp vào nơi công cộng dù chúng không có bất kỳ ý nghĩa về mặt chính trị hay chiến lược nào” - chuyên gia CSIS viết.

Ngay cả khi vụ việc không thành, bọn khủng bố cũng thành công với mục tiêu thu hút chú ý của thế giới.

Vụ tấn công ở Barcelona là bằng chứng mới nhất cho thấy khủng bố đang chuyển hướng như thế nào. Từ tháng 12-2014 đến nay đã có 8 vụ tấn công tương tự ở Pháp, Đức, Anh và Thụy Điển.

Thành công của những vụ này càng khuyến khích những kẻ khủng bố và thánh chiến tin rằng chúng có thể khiến truyền thông chú ý và buộc giới chính trị phải hành động, bất kể nạn nhân có giá trị về mặt chính trị, kinh tế hay quân sự nào không.

Giới khủng bố sớm nhận ra giết người vô tội, không có khả năng chống cự vừa đơn giản vừa gây tác động lớn hơn tấn công các mục tiêu được bảo vệ chặt chẽ, vốn “khó ăn” hơn rất nhiều.

Các vụ tấn công như ở Barcelona tuần qua khiến thế giới bàng hoàng vì nạn nhân là người vô tội và thuộc mọi thành phần, từ địa vị xã hội, sắc tộc đến tôn giáo, khiến mọi người sợ hãi “nạn nhân có thể là bất kỳ ai” và đây là tất cả những gì kẻ khủng bố muốn: làm cho chứng “sợ Hồi giáo” (Islamophobia) lan càng xa càng tốt.

“Nếu mục tiêu chỉ là nuôi dưỡng chia rẽ, thù hận, căm ghét và sợ hãi giữa phương Tây và những người Hồi giáo, thì gần như tấn công (khủng bố) kiểu nào cũng sẽ làm được điều đó, và mục tiêu càng vô tội càng tốt” - chuyên gia Cordesman viết.

“Khủng bố nguyên bản”

Ông Brian Jenkins, cố vấn cao cấp của tổ chức học giả RAND Corporation (Mỹ), cho rằng bọn khủng bố vốn vẫn thường nhằm vào các mục tiêu có tính biểu tượng như tòa tháp đôi trong vụ 11-9, song đang có sự dịch chuyển sang các mục tiêu mới như sân khấu hòa nhạc, chợ, quán bar và cà phê, cũng như các điểm giao thông công cộng.

Ông Jenkins gọi đây là “khủng bố nguyên bản” (pure terrorism), tức tổ chức các cuộc tấn công ngẫu nhiên, không phân biệt mục tiêu.

Theo ông Jenkins, các cuộc tấn công này dù không đòi hỏi bọn khủng bố phải chuẩn bị kỹ càng nhưng lại đặt ra thách thức an ninh lớn cho các quốc gia.

“Khủng bố giờ đây có thể tấn công bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu và bất cứ lúc nào, trong khi chính quyền thì làm sao bảo vệ mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi?” - Jenkins giải thích.

Chính quyền có thể dựng các chốt an ninh, nhưng điều đó chỉ khiến bọn khủng bố chuyển hướng sang khu vực khác. “Các cuộc tấn công ngẫu nhiên đồng nghĩa với việc không có nơi nào là an toàn cho tất cả mọi người” - ông kết luận.

Cùng chia sẻ quan điểm với hai chuyên gia Cordesman và Jenkins, ông Mathieu Guidère, chuyên gia nghiên cứu khủng bố tại ĐH Toulouse, cũng cho rằng vụ tấn công ở Barcelona đã chứng minh xu hướng tấn công “không dựa trên động cơ chính trị” của những kẻ thánh chiến.

“Các nhóm Hồi giáo cực đoan không còn tiến hành các cuộc tấn công với mục tiêu chính trị và nhằm mục đích trả thù phương Tây, mà thay vào đó là các cuộc tấn công ngẫu nhiên, vốn dễ tiến hành nhưng khó ngăn chặn hơn, tất cả nhằm gieo rắc kinh hoàng cho phương Tây” - tờ Express (Anh) ngày 18-8 dẫn lời ông Guidère.

“IS không còn đủ nhân lực và vật lực để tiến hành các vụ tấn công quy mô lớn để truyền bá chủ nghĩa khủng bố khắp các nước phương Tây nên đang dần chuyển sang chiến thuật thực hiện các chuỗi tấn công quy mô nhỏ, ít tốn kém, song phải gây được thương vong ở mức tối đa” - ông Guidère giải thích.

Tấn công kiểu không tặc hay đánh bom đòi hỏi quá trình lên kế hoạch, hiệp đồng tác chiến kỹ càng, chưa kể đến việc phải chuẩn bị phương tiện, kỹ thuật và nhân lực để có thể tiến hành. Trong khi đó, tấn công bằng xe cực kỳ đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể thuê xe và lao vào đám đông, nhưng lại mang đến hiệu quả vô cùng cho bọn khủng bố.

TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên