02/10/2015 12:02 GMT+7

Bỏ đại học để học cao đẳng

HÀ BÌNH - KHẮC THỊNH (habinh@tuoitre.com.vn)
HÀ BÌNH - KHẮC THỊNH (habinh@tuoitre.com.vn)

TT - Sau những nỗ lực để trúng tuyển học ĐH thì những ngày gần đây lại có thí sinh đến trường xin rút hồ sơ để… đi học CĐ!

Trần Thị Thu Thảo (bìa trái) đã từ chối học Trường ĐH Tây Nguyên để theo học Trường CĐ Sư phạm Gia Lai vì cho rằng sau này dễ xin việc hơnẢnh: Th.T.
Trần Thị Thu Thảo (bìa trái) đã từ chối học Trường ĐH Tây Nguyên để theo học Trường CĐ Sư phạm Gia Lai vì cho rằng sau này dễ xin việc hơn - Ảnh: Th.T.
Nghe đọc nội dung bài báo - Tuổi Trẻ Media

Những tân sinh viên từ chối giảng đường ĐH này có nhiều lý do chính đáng cho quyết định “lạ đời” (theo cách nghĩ thông thường) của mình.

Sáng 30-9, tân sinh viên Trần Thị Thu Thảo (xã Thắng Hưng, huyện Chư Prông, Gia Lai) đến Trường ĐH Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) từ sáng sớm. Thảo đến trường không phải để làm thủ tục nhập học, mà để xin rút hồ sơ chuyển qua Trường CĐ Sư phạm Gia Lai.

Trước đây mình cũng ước mơ thi đậu một trường ĐH để có môi trường học tập tốt, sau này dễ xin việc. Nhưng bây giờ thấy mấy anh chị đi trước học ĐH ra thất nghiệp rất nhiều nên mình cũng không thiết tha học ĐH như trước nữa

TRẦN THỊ THU THẢO

“Không biết ngành đó học ra làm gì?”

Thu Thảo kể sau khi trượt nguyện vọng 1, bạn đã nộp nguyện vọng bổ sung và trúng tuyển vào ngành sinh học Trường ĐH Tây Nguyên cùng ngành sư phạm sinh Trường CĐ Sư phạm Gia Lai.

“Tham khảo ý kiến của bố mẹ, bạn bè, người thân, mình thấy học ngành sinh học rất mơ hồ. Mình cũng không biết ngành đó học ra làm gì, xin việc ở đâu. Vì vậy mình quyết định xin rút hồ sơ ở Trường ĐH Tây Nguyên, nhập học ở Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, sau này ra trường mình sẽ xin dạy cấp II” - Thảo tâm sự.

Cô sinh viên này cũng chia sẻ thêm: lúc đầu bạn thật sự rất băn khoăn không biết nên chọn học trường nào, ngành nào cho đúng giữa hai trường đã đậu.

“Bố mẹ mình ban đầu phản đối vì để thi vào được một trường ĐH rất tốn kém, lại mất nhiều thời gian, công sức của mình và cả nhà, giờ đậu rồi lại không học. Nhưng sau đó bố mẹ nghĩ lại, sợ mình học ra không biết xin việc ở đâu nên cũng ủng hộ mình chuyển qua học CĐ. Trước đây mình cũng ước mơ thi đậu một trường ĐH để có môi trường học tập tốt, sau này dễ xin việc. Nhưng bây giờ thấy mấy anh chị đi trước học ĐH ra thất nghiệp rất nhiều nên mình không còn thiết tha học ĐH như trước nữa” - Thảo lý giải việc chọn học CĐ.

Chọn học gần nhà, chi phí thấp

Tương tự trường hợp của Thảo là tân sinh viên Phạm Thị Hiền ở thôn Xuân Mỹ, xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. Hiền đã trúng tuyển nguyện vọng 1 vào ngành điều dưỡng Trường ĐH Tây Nguyên với điểm số các môn tương đối cao như toán 8,25, hóa 7,0 và sinh học 7,5. Tuy nhiên, Hiền đã xin trường hủy kết quả để có thể nhập học Trường CĐ Sư phạm Nha Trang.

“Mình không học ĐH mà chuyển qua CĐ vì thật sự không thích ngành điều dưỡng lắm, mà ra trường cũng khó xin việc nữa. Học CĐ sư phạm chi phí học tập sẽ thấp hơn, vì nghe nói trường này không phải đóng học phí, hơn nữa lại gần nhà. Ba mất từ khi mình mới sinh ra, chị mình cũng học Trường ĐH Nha Trang. Một mình mẹ nuôi hai chị em ăn học nên điều kiện kinh tế cũng khó khăn. Giờ lên Trường ĐH Tây Nguyên học thì còn bao nhiêu khoản học phí, thuê trọ, ăn ở, chi tiêu tốn kém mà học ra rồi cũng khó xin việc. Nếu không hủy được kết quả ở Trường ĐH Tây Nguyên, mình sẽ nghỉ ôn thi lại một năm để năm sau thi vào Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn” - Hiền tâm sự.

Trong khi đó bà Phạm Thị Sú - mẹ Hiền - kể: “Cháu thi đậu ĐH điểm cao cả nhà mừng lắm. Nhưng hôm trước cháu lên trường nhập học thấy học phí cao, sợ mẹ lo không nổi. Với lại cháu cũng nói không thích ngành điều dưỡng nên xin học CĐ sư phạm chi phí học tập sẽ thấp hơn”.

Bà Sú kể thêm: “Ban đầu tôi cũng phản đối dữ dội vì cháu đã đậu ĐH tự dưng không học lại xin đi học CĐ. Nhưng tôi làm nông quanh năm, có biết gì chuyện thi cử với xin việc làm bao giờ đâu, nên tùy cháu quyết định vậy...”.

Tạo điều kiện cho thí sinh học ở đâu phù hợp

Chiều 1-10, TS Nguyễn Tấn Vui - hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên - cho biết thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường nhưng có nguyện vọng học trường khác thì trường sẽ tạo điều kiện cho các em học ở đâu phù hợp sở thích, hoàn cảnh gia đình. “Học ở đâu phù hợp là quyền của thí sinh. Nếu cần, thí sinh có thể làm đơn mang lên trường xác nhận không học ở trường nữa để đi nộp ở trường khác” - TS Vui nhấn mạnh.

HÀ BÌNH - KHẮC THỊNH (habinh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên