Với đề án "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đã được Bộ Chính trị đồng ý và ban hành nghị quyết để thực hiện, Đảng ủy Công an trung ương đã trở thành một trong những tổ chức tiên phong thực hiện nghị quyết trung ương 6.
Tưởng chừng là nơi khó nhất, nhưng thông tin về đề án của Bộ Công an khá rõ ràng như bỏ cấp trung gian (nổi bật là không còn cấp tổng cục), sắp xếp thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập... đã nhận được sự hoan nghênh của dư luận.
Nhiều người cho rằng việc triển khai một đề án có tính chất "cải tổ" như vậy là khá gian nan, muốn thành công thì yếu tố đầu tiên là đòi hỏi người đứng đầu phải thực sự bản lĩnh và có "bàn tay sạch".
Bởi "đụng" đến tổ chức bộ máy là "đụng" đến con người, đến lợi ích. Tăng ghế thì dễ, giảm ghế mới khó, đặc biệt là trong bối cảnh nhiệm kỳ trước số lượng tướng lĩnh được phong, thăng ở mức đột biến (so với suốt chiều dài lịch sử xây dựng, tổ chức ngành công an).
Có những tồn tại của quá khứ để lại không chỉ do khách quan của hoàn cảnh, thời điểm mà có cả nguyên nhân chủ quan, duy ý chí, thậm chí là sai lầm. Chính vì vậy, đây là thời điểm để khắc phục hạn chế, sửa chữa khiếm khuyết, đồng thời với cải tổ, đổi mới.
Cơ cấu lại bộ máy cũng đi cùng với kỳ vọng về cơ chế phòng ngừa, đề kháng nội bộ mạnh mẽ hơn, để tránh những vụ án tày đình mà nghi can chính lại là người giữ vị trí trọng yếu trong ngành như trường hợp ông Nguyễn Thanh Hóa. Nhìn ở góc độ này thì đề án nêu trên là cơ hội để cải cách.
Hơn nữa, cùng với tinh gọn bộ máy, dư luận cũng trông đợi ngành công an có lộ trình tinh giản biên chế. Khoa học kỹ thuật và công nghệ thời nay hoàn toàn có thể giúp thực hiện việc này, ví dụ như hệ thống camera, cảnh báo điện tử và xử phạt nguội có thể giúp giảm đáng kể biên chế lực lượng cảnh sát giao thông, tăng cường sự chính xác và giảm tiêu cực.
Từ câu chuyện tiên phong của ngành công an, dư luận cũng trông đợi sự chuyển động mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương khác nhằm thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội trong tinh giản bộ máy, biên chế.
Đồng thời với quá trình này là kỳ vọng về việc đổi mới cách thức thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức, cùng với cơ chế kiểm tra, giám sát của người dân đối với bộ máy công quyền.
Bộ Công an đã đi đầu thực hiện được nghị quyết trung ương 6 thì không có lý do gì các bộ, ngành, địa phương khác không làm được. Nhìn lại vấn đề cải cách bộ máy, tinh giản biên chế được đặt ra hàng chục năm qua nhưng chưa thành công bởi chỉ còn thiếu quyết tâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận