Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Ảnh: TTXVN
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký quy định 80 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Quy định gồm 6 chương, 34 điều nhằm thay thế cho quy định 105 của Bộ Chính trị ban hành năm 2017.
Nội dung quy định quản lý cán bộ gồm phân cấp quản lý cán bộ; đánh giá cán bộ; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tuyển chọn, bố trí, phân công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái.
Phong, thăng, giáng, tước quân hàm; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức đối với cán bộ.
Khen thưởng, kỷ luật cán bộ; thực hiện chế độ, chính sách cán bộ; kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác cán bộ và cán bộ.
Về phân cấp quản lý cán bộ, quy định 80 nêu rõ trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy trực thuộc Trung ương, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương...
Quy định nêu rõ về phân cấp quản lý cán bộ đối với trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị quyết định chủ trương, chính sách về công tác cán bộ và cán bộ theo quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ, chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để:
Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, bầu Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước khi giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu, phê chuẩn đối với các chức danh gồm:
Phó chủ tịch nước, phó chủ tịch Quốc hội, phó thủ tướng Chính phủ, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, tổng thư ký Quốc hội, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, tổng Kiểm toán Nhà nước, các thành viên Chính phủ.
Kỷ luật cán bộ và những vấn đề khác về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Quyết định phân công công tác đối với ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (cả chính thức và dự khuyết). Phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Chỉ định bí thư, phó bí thư và ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Quân ủy trung ương, Đảng ủy Công an trung ương. Khi cần thiết chỉ định bí thư, giao quyền bí thư hoặc giao phụ trách đảng bộ trực thuộc Trung ương.
Quyết định đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ; phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; khen thưởng, kỷ luật; thực hiện chế độ, chính sách đối với các chức danh cán bộ.
Lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội trong việc giới thiệu nhân sự, phê chuẩn, miễn nhiệm hoặc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Quyết định phân công, phân cấp quản lý cán bộ đối với các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc trung ương.
Quyết định kiểm tra, giám sát công tác cán bộ ở các ngành, các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Ủy quyền cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư trong phạm vi, lĩnh vực phụ trách xem xét về:
Quyết định phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý giữ các chức danh, chức vụ có cơ cấu kiêm nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghị sĩ hữu nghị của Việt Nam với các nước, các ban chỉ đạo theo quy định.
Bổ nhiệm lại và thực hiện chế độ nghỉ hưu đối với cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý theo quy định (trừ các ủy viên Trung ương Đảng).
Ủy quyền cho Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trừ các ủy viên Trung ương Đảng, gồm cả dự khuyết).
Quy định cũng nêu rõ Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến đối với các chức danh gồm nguyên Tổng bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Quốc hội.
Các vị nguyên ủy viên Bộ Chính trị; nguyên bí thư Trung ương Đảng; nguyên chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nguyên phó chủ tịch nước, phó chủ tịch Quốc hội, phó thủ tướng Chính phủ và đại tướng lực lượng vũ trang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận