AMM 53 và các hội nghị liên quan ngày 9-9 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Sáng 10-9, ngoại trưởng các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có cuộc họp trực tuyến với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Đây là một trong các hội nghị liên quan thuộc khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) do Việt Nam chủ trì.
Theo thông tin của Hãng tin Bloomberg (Mỹ), tại cuộc họp cấp ngoại trưởng ASEAN - Mỹ nêu trên, Việt Nam khẳng định các nước ASEAN muốn Mỹ thể hiện vai trò trong việc duy trì hòa bình ở Biển Đông.
"Chúng tôi hoan nghênh những đóng góp chủ động và xây dựng của Mỹ đối với nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông", Bloomberg dẫn lời Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị.
Trước đó, tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) diễn ra theo hình thức trực tuyến tối 9-9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị "tố" Mỹ đã can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, tăng cường triển khai quân sự ở các khu vực tranh chấp vốn dĩ "nằm ngoài các mục đích chính trị của mình" và là nhân tố gây phương hại hòa bình ở Biển Đông.
Đáp lại sau đó, thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Pompeo đã cùng một số quốc gia ASEAN và "nhiều đối tác khác" tại hội nghị bày tỏ quan ngại về "những hành động gây hấn" của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Ngoại trưởng Mỹ sau đó nhắc lại rằng Mỹ, dựa trên phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông năm 2016, coi các yêu sách hàng hải bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông là phi pháp", thông cáo nêu rõ.
Trên thực tế, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam cũng chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, hòa bình, thượng tôn pháp luật.
Phát biểu tại phiên khai mạc AMM 53 ngày 9-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Ông đề nghị các bộ trưởng ngoại giao ASEAN phát huy hiệu quả vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, từ đó hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử.
Đồng thời, ASEAN cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bình đẳng, tin cậy lẫn nhau trong quan hệ giữa các quốc gia; giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và tinh thần các văn kiện quy chuẩn của ASEAN về ứng xử chung ở khu vực như Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), cũng như Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận