04/05/2021 09:15 GMT+7

Bịt ngay lỗ hổng 'chết người'

L.ANH - H.MI - T.MAI
L.ANH - H.MI - T.MAI

TTO - Trong khi khu vực biên giới chưa yên khi ngày nào cũng phát hiện người nhập cảnh trái phép, quy trình phòng chống dịch trong nước cho thấy có những lỗ hổng.

Bịt ngay lỗ hổng chết người - Ảnh 1.

Sinh viên quay trở lại ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM sau kỳ nghỉ lễ đi qua khu vực camera đo thân nhiệt - Ảnh: HOÀNG AN

Hôm qua 3-5, có thêm 11 ca bệnh lây trong cộng đồng (8 ở Vĩnh Phúc từ nguồn lây chuyên gia Trung Quốc, 2 ở Hà Nam và 1 ở Hà Nội lây từ nguồn bệnh nhân 2899). Tổng số bệnh nhân cộng đồng ghi nhận từ 29-4 đến nay là 14 bệnh nhân ở 5 tỉnh thành gồm Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội và TP.HCM.

Từ 2 chùm ca bệnh mới cho thấy những lỗ hổng ban đầu tưởng là nhỏ, nhưng khi quy trình trục trặc sẽ kéo theo hậu quả dây chuyền, mà ảnh hưởng của nó rất lớn.

Có khai báo nhưng chậm xét nghiệm

2 chùm ca bệnh mới này đều xuất phát từ những bệnh nhân đã hoàn thành cách ly y tế và có đủ xét nghiệm âm tính trước khi rời khu cách ly. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ hôm qua 3-5, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho hay qua rà soát và yêu cầu khai báo y tế sau khi tỉnh này ghi nhận ca bệnh 2899 (ca bệnh đầu tiên trong chùm bệnh nhân 20 ca), đã có thêm 1 người ở Nhật về, cũng đã hoàn thành cách ly đến khai báo y tế. 

Ông Huy cho biết cơ quan chức năng tỉnh này đã tạm đình chỉ công tác trạm trưởng Trạm y tế xã Đạo Lý - nơi xuất phát ổ dịch, do chậm trễ xét nghiệm và khoanh vùng dịch, khi người nhà bệnh nhân 2899 đến khai báo y tế ngày 24-4 nhưng 28-4 mới cho lấy mẫu xét nghiệm. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân cũng chậm trễ trong lấy mẫu xét nghiệm.

"Nếu các vị trí này thực hiện khoanh vùng, xét nghiệm sớm, tình hình sẽ không phức tạp đến mức này. Chúng tôi đang thu thập hồ sơ để xử lý các cán bộ này theo đúng quy định của pháp luật" - ông Huy nói.

Tại Yên Bái, khách sạn Như Nguyệt 2 là nơi cách ly tập trung chuyên gia đến tỉnh này đã xảy ra ca lây nhiễm trong khu cách ly (nhân viên khách sạn lây nhóm chuyên gia Ấn Độ), và chuyên gia Trung Quốc hoàn thành cách ly tại đây hôm 23-4 cũng gặp tình huống tương tự. 

Tại cuộc kiểm tra của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ở Yên Bái, đã có một số vấn đề được đặt ra, khi khu cách ly chưa có khu riêng biệt cho người điều hành và khách cách ly; chưa có phương án khi có bệnh nhân dương tính; chưa có biện pháp giảm tiếp xúc giữa những người cách ly...

Bịt lỗ hổng mới tạm yên!

Theo ông Huy, cho đến 3-5, Hà Nam đã truy vết và lấy mẫu toàn bộ trên 600 F1, tốc độ lấy mẫu tại Hà Nam khá nhanh, công suất xét nghiệm đã nâng rất nhanh từ 400 mẫu/ngày hôm 29-4 lên hơn 2.000 mẫu/ngày hôm 3-5, đủ nhu cầu phục vụ xét nghiệm. Mặc dù ngày 3-5 Hà Nam ghi nhận thêm 2 ca bệnh mới, nhưng vẫn trong khu vực thôn Thọ Lão đã phong tỏa, chưa có thêm các xã, thôn khác ghi nhận bệnh nhân, tình hình như ông Huy nói là "tạm yên tâm".

Tuy nhiên có 2 vấn đề đang khắc phục, đó là việc giao - nhận người hoàn thành cách ly, và quá trình giám sát, theo dõi y tế tại địa phương. "Phải có sự phối hợp giữa nơi tổ chức cách ly và địa phương, hiện phần này chưa được tốt. Nếu làm tốt phần này cộng với ý thức công dân tốt hơn, họ hiểu rằng việc khai báo sức khỏe của mình sẽ đảm bảo cho chính mình và cộng đồng thì việc phòng chống dịch sẽ tốt" - ông Huy nói.

Tại Yên Bái, lãnh đạo tỉnh này cũng cho biết lỗ hổng thời gian qua là chưa thông báo bằng văn bản với nơi lưu trú sau cách ly, chưa giám sát sau cách ly... Sau khi xuất hiện chùm ca bệnh ở Vĩnh Phúc liên quan đến chuyên gia Trung Quốc đã hoàn thành cách ly tại Yên Bái, hoạt động phòng chống dịch của Yên Bái tỏ ra có nhanh chóng hơn trước.

Bịt ngay lỗ hổng chết người - Ảnh 2.

Tổ công tác của UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TP.HCM) xử phạt 2 người không đeo khẩu trang nơi công cộng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trốn khỏi khu cách ly có thể bị phạt tù

Ngày 3-5, một thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 ở tỉnh Đồng Nai cho hay lực lượng công an vẫn đang tiếp tục truy tìm 3 người Trung Quốc bỏ trốn khỏi nơi cách ly ở cơ sở 2 Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Trong thời gian cách ly, 3 người này đã xét nghiệm lần 1 và có kết quả âm tính.

Tại TP.HCM, 2 người Trung Quốc sinh năm 1999 và 2001 nằm trong số 11 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bị Công an quận 10 chuyển về khu cách ly tập trung Củ Chi đã bỏ trốn cũng chưa tìm thấy.

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM), theo công văn 45 của hội đồng thẩm phán TAND tối cao, người chưa bị xác định mắc bệnh COVID-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa nếu trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa, không tuân thủ quy định cách ly, từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly, không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo điều 295 BLHS. Người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù đến 12 năm.

Nếu người trốn khỏi khu cách ly là người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly nhưng trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly, từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly, không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch COVID-19 cho người khác thì bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Đối với người có trách nhiệm quản lý khu cách ly, theo luật sư Chánh, nếu người này có lỗi trong việc quản lý, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao dẫn đến việc người bị cách ly trốn khỏi khu cách ly làm phát sinh chi phí truy vết, chống dịch hoặc người bị cách ly lây dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì có thể bị xem xét xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Chỉ cách ly tập trung 14 ngày

Trao đổi với báo chí ngày 3-5, ông Trần Đắc Phu - chuyên gia cao cấp của Văn phòng đáp ứng phòng chống dịch bệnh khẩn cấp, Bộ Y tế - cho biết quy định hiện hành là sau 14 ngày cách ly tập trung, người hoàn thành cách ly về địa phương phải khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân, có dấu hiệu bất thường phải báo ngay cho cơ quan y tế...

Về thời gian cách ly tập trung hiện là 14 ngày và có ý kiến nên kéo dài do có chủng virus mới, ông Phu cho rằng đại đa số trường hợp bệnh nhân xuất hiện bệnh trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc nguồn bệnh, các nước trên thế giới cũng chỉ cách ly tập trung 14 ngày và có thể cách ly ít hơn với một số nhóm như đã tiêm đủ 2 mũi vắcxin, đến từ những vùng ít nguy cơ, đã có đủ các xét nghiệm cần thiết, không nên kéo dài thời gian cách ly tập trung.

Khai báo y tế bắt buộc sau nghỉ lễ, tại sao không?

Sau thời gian nghỉ lễ 30-4 và 1-5, việc khai báo y tế với người trở về sau kỳ nghỉ lễ trở thành yêu cầu bắt buộc ở một số địa phương. Trong bối cảnh đã có các ca lây nhiễm trong cộng đồng, yêu cầu này cần phải thực hiện ở tất cả các địa phương.

nph_0991 1(read-only)

Người dân khai báo y tế tại bến xe Miền Đông, Q.Bình Thạnh, TP.HCM ngày 3-5 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tại Hà Nội, chủ tịch UBND TP yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP chịu trách nhiệm về việc khai báo y tế của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, học viên, sinh viên và người lao động khác trực thuộc.

Đồng thời giao Công an TP Hà Nội chỉ đạo công an cơ sở chủ trì, phối hợp tổ COVID-19 cộng đồng đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, lập danh sách người dân quay trở lại TP sau kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 để giám sát, quản lý và tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội, cho biết trong các cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 với các quận, huyện, lãnh đạo TP đặc biệt lưu ý về việc kiểm soát di biến động của người dân, số người tạm vắng, rời TP đi nghỉ lễ, mục đích phải nắm rõ di biến động để giành sự chủ động trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Trong khi đó, một số tỉnh như Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương đều yêu cầu người dân đến địa phương khác trong dịp nghỉ lễ 30-4 khi quay trở lại phải khai báo y tế. Đối với những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc các biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh COVID-19 khác phải đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc trạm y tế xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.

Các tỉnh cũng giao UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với lực lượng công an "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để lập danh sách người dân quay trở lại địa bàn sau kỳ nghỉ lễ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực.

X.LONG - T.THẮNG

Người trở lại TP.HCM sau nghỉ lễ khai báo y tế thế nào? Người trở lại TP.HCM sau nghỉ lễ khai báo y tế thế nào?

TTO - Tất cả người ra khỏi TP.HCM vào kỳ nghỉ lễ phải khai báo đầy đủ về những địa phương đã đi qua khi trở lại thành phố học tập, làm việc. Đó là thông báo mới nhất và mang tính bắt buộc từ ngành y tế thành phố.

L.ANH - H.MI - T.MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên