Bình Tinh nỗ lực hết mình trong chương trình Sao nối ngôi |
Sao nối ngôi khép lại bằng chiến thắng của Bình Tinh, cô gái con nhà nòi của cải lương tuồng cổ.
Sau chương trình, có thể Bình Tinh được khán giả biết đến nhiều hơn và thêm vững tin với nghề.
Trên hết, cô làm mẹ Bạch Mai của mình nở nụ cười hãnh diện vì con gái, sau những ngày tháng bà đau buồn quá đỗi trước sự mất mát đột ngột của đứa con trai duy nhất là nghệ sĩ Chinh Nhân.
“Trời ơi, từ năm 4 tuổi tới bây giờ mới có vinh quang”
Đó là câu nói mà nghệ sĩ Bạch Mai vừa khóc vừa nói với con gái mình. Hơn ai hết, bà hiểu những cay đắng mà Bình Tinh phải trải qua để trụ lại được với nghề.
Những ngày Bình Tinh đi thi, ngày nào bà cũng lạy trời phật, lạy xin Tổ nghiệp soi sáng, cũng giống như ngày xưa, bà từng xin NSND Phùng Há - khi ấy đã ngoài 70 - làm lễ theo nghề và ban duyên cho con gái mình.
Bình Tinh đam mê cải lương |
Theo nghề từ năm mới 4 tuổi, bắt đầu từ những vai lính hầu, chạy qua chạy lại trên sân khấu, Bình Tinh từ nhỏ thấu hiểu nỗi vất vả của những người theo cải lương như cha mẹ và những người thân như cha nuôi, các cô chú trong đoàn cải lương Huỳnh Long.
Nhưng máu nghề đã chảy từ lúc Bình Tinh còn chưa biết, chưa hiểu hết ý nghĩa của những vở tuồng mà cha mẹ mình cùng các cô chú diễn trên sân khấu. Bình Tinh bảo nếu không theo nghiệp cải lương tuồng cổ, không ca, không diễn, cô chẳng biết mình có thể làm nghề gì để sống.
“Tôi thật sự không biết. Tôi sinh ra, lớn lên với nghề và chỉ biết có nghề mà thôi”, Bình Tinh nói.
Những năm 90, nhiều người chắc hẳn còn nhớ hình ảnh cô bé Bình Tinh tham gia những băng, đĩa cải lương trong vai con nhà nghèo, người ở… Rồi bẵng đi một thời gian, chẳng ai biết cô bé ấy có còn theo nghề không.
“Tôi vẫn làm nghề, bền bỉ theo cách này cách khác. Tôi bươn chải đủ cả từ hát đám cưới, thôi nôi, hát cúng đình, cúng chùa, hát ở quán nhậu… Khán giả cứ bảo thấy quen quen nhưng họ không biết tôi là Bình Tinh.
Thật lòng, tôi khát khao có cơ hội được các cô chú thương và nhớ tới, cho tôi tham gia các chương trình cải lương, các chương trình trên truyền hình để gần hơn với khán giả nhưng có lẽ chưa có duyên. Tôi cứ tự nhủ mình cứ cố gắng, cố gắng hơn chút nữa”, Bình Tinh nói về quãng thời gian nhiều người vẫn nghĩ cô đã rời nghiệp diễn.
Những lúc cay đắng nhất, lời căn dặn của mẹ về niềm đam mê, sự dấn thân và hết lòng vì khán giả của người nghệ sĩ như một ánh sáng soi đường để Bình Tinh bước tiếp.
“Tôi xin các cô, chú bầu sô cho đi hát, cứ ngồi trong cánh gà, khi nào cô chú cho hát thì ra sân khấu, không thì lại lẳng lặng đi về. Những khi anh chị nghệ sĩ nổi tiếng tới, nhìn họ biểu diễn ngoài kia mà trong cánh gà tôi ao ước, không biết đến bao giờ mình mới được như vậy.
Rồi đêm về lại chạy qua quán nhậu, trút tơ lòng để được tặng vài cành bông. Hát về thì đổi bông lấy tiền, một cành được 10.000đ, mẹ con đắp đổi qua ngày.
Các cô chú, anh chị trong nghề thương, ở đó có sô cũng gọi cho Bình Tinh theo. Như ba Long (NSƯT Kim Tử Long), ba Linh (NSƯT Vũ Linh), thầy Bạch Long, sư phụ Thoại Mỹ, chị Thanh Ngân…
Bình Tinh và "ba Linh", "ba Long" của mình |
Bao nhiêu sóng gió, tôi nghĩ mình cũng nếm trải cả rồi nhưng lòng yêu nghề, lửa đam mê chưa bao ngờ nguội đi dù chỉ một thoáng chốc trong tôi”, Bình Tinh kể về mình.
Trong chương trình Sao nối ngôi, Bình Tinh là người nhận được sự đánh giá rất cao và cả niềm kỳ vọng từ các giám khảo. NSND Bạch Tuyết không ít lần khen Bình Tinh ca hay, diễn giỏi. Bà cũng rất quý trọng tấm lòng son sắt của cô gái nhỏ nhắn này với cải lương tuồng cổ.
Những cô chú bác ngày xưa từng gắn bó với đoàn cải lương Huỳnh Long, nay chân yếu, tay run, tóc bạc, vẫn tề tựu bên nhau, cùng lên sân khấu và đặt đôi tay mình lên vai Bình Tinh, như một sự truyền nghề và gửi gắm niềm tin về việc lưu giữ nét đẹp của nghệ thuật cải lương ở “con bé Bình Tinh” ngày nào của các cô, các chú.
Kỳ 2: Bóng dáng những "cha nuôi"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận