Điều đáng nói, chủ đầu tư dự án đã đóng tiền sử dụng đất đầy đủ và bán phần đất có mục đích sử dụng đất ở lâu dài cho nhiều người dân. Nay đất bị điều chỉnh thành đất thương mại dịch vụ có thời hạn sử dụng, tổn thất rất lớn cho người dân.
Đất ở lâu dài bị chuyển thành đất sở hữu 46 năm
Mua đất ở 7 năm, đến tháng 7-2022, bà Phạm Thị Thanh Xuân (ngụ TP.HCM) đột nhiên nghe thông tin lô đất biệt thự bà mua tại dự án Sentosa Mũi Né (tỉnh Bình Thuận) bị điều chỉnh sang đất ở thương mại dịch vụ.
Lô đất này bà Xuân mua và đã đóng hết toàn bộ số tiền gần 3 tỉ.
Bà đang chờ phía chủ đầu tư hoàn thiện pháp lý để xây dựng và khai thác lô đất. Nhưng với việc điều chỉnh đột ngột mục đích sử dụng lô đất, mọi tính toán của bà đều phá sản.
Gần hai năm qua, bà Xuân cùng hơn 160 người mua đất tại dự án Sentosa Mũi Né gửi thư kêu cứu khắp nơi.
Dự án này được UBND Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ - thương mại Lâm Viên từ năm 2011.
Đến năm 2017, Bình Thuận cấp quyết định chủ trương đầu tư với mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, đầu tư biệt thự để bán và cho thuê (mục đích sử dụng đất ở lâu dài) kết hợp kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng.
Trong hơn 15ha đất toàn dự án, Bình Thuận cho phép chủ đầu tư chuyển mục đích gần 7,9ha thành đất ở đô thị, còn lại là đất thương mại dịch vụ (gần 2,7ha) và đất giao thông (khoảng 4,4ha).
Sau đó tỉnh cũng đã có quyết định phê duyệt giá đất và chủ đầu tư đã đóng toàn bộ tiền sử dụng đất, bao gồm cả đất ở và đất thương mại dịch vụ. Trong đó, phần đất ở có thời hạn sử dụng lâu dài, phần đất thương mại có thời hạn sử dụng 46 năm kể từ tháng 2-2011.
Tuy nhiên, quyết định đột ngột điều chỉnh chủ trương đầu tư của Bình Thuận đã bỏ phần đất ở lâu dài xây dựng biệt thự và toàn bộ diện tích đất sẽ có mục đích thương mại dịch vụ với hình thức thuê đất trả tiền thuê hằng năm.
Thời gian hoạt động của dự án được điều chỉnh toàn bộ sang 46 năm kể từ tháng 2-2011. Việc này đồng nghĩa người mua chỉ còn thời hạn sử dụng đất 33 năm, thay vì lâu dài như trước đó.
Bà Xuân cho hay sự điều chỉnh đột ngột của Bình Thuận kéo theo nhiều hệ lụy. Hơn 200 khách hàng mua đất tại dự án bỏ ra hàng tỉ đồng nhưng đến nay chưa thể khai thác hay sử dụng đất.
"Người dân tin vào các quyết định chấp thuận, phê duyệt dự án cũng như thông báo đóng tiền sử dụng đất của tỉnh mới đồng ý mua sản phẩm tại dự án, với niềm tin được sử dụng lâu dài. Nếu đột ngột thay đổi như thế này, tổn thất của dân ai chịu và dân còn biết tin ai khi mua dự án", bà Xuân chia sẻ.
Ảnh hưởng lớn đến cả chủ đầu tư lẫn khách hàng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Thắng, đại diện chủ đầu tư, cho biết đơn vị cũng nhận nhiều đơn thư của khách hàng và đang liên tục kiến nghị với các cơ quan tỉnh Bình Thuận để tìm lối ra.
Ông Thắng cho hay việc điều chỉnh chủ trương đầu tư và chế định giao đất ở sang cho thuê đất thương mại dịch vụ, với hình thức thuê đất trả tiền hằng năm không hợp lý và hợp tình.
Bởi theo luật, việc điều chỉnh mục tiêu, chức năng của dự án phải dựa trên sự phù hợp quy hoạch tại thời điểm đó. Hiện quy hoạch chi tiết dự án vẫn là mục đích ở, việc điều chỉnh thành đất thương mại dịch vụ là không phù hợp.
Việc cơ quan nhà nước đơn phương thay đổi cũng sẽ phủ nhận toàn bộ giá trị pháp lý được chấp thuận trước đó. Luật Đất đai hiện hành cũng không quy định chuyển từ hình thức Nhà nước giao đất sang hình thức cho thuê đất.
Cũng theo ông Thắng, việc UBND tỉnh đơn phương điều chỉnh bỏ mục tiêu ở gây thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, gây nhiều hệ lụy, buộc nhà đầu tư phải làm lại từ đầu toàn bộ các thủ tục pháp lý dự án, mất rất nhiều thời gian, công sức, chi phí.
Đặc biệt, việc này để lại một lỗ hổng pháp lý rất lớn khi không tuân thủ theo quy trình, thủ tục hành chính; không có cơ chế giải quyết về chính sách tiền sử dụng đất đã nộp và giờ chuyển sang thuê đất...
"UBND tỉnh Bình Thuận cần xem xét, đánh giá toàn diện, đối thoại với doanh nghiệp và kể cả các nhà đầu tư để có giải pháp hài hòa, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo ổn định, lành mạnh môi trường đầu tư cũng như để dự án sớm được tiếp tục triển khai, hoàn thành đầu tư xây dựng.", ông Thắng kiến nghị.
Báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin ý kiến
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư với UBND tỉnh Bình Thuận cho thấy lý do điều chỉnh của tỉnh này là để phù hợp quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở.
Theo đó, hiện nay không có quy định đối với loại hình đầu tư biệt thự để bán và cho thuê. Việc dự án đầu tư với mục tiêu đầu tư biệt thự để bán và cho thuê chưa đảm bảo cơ sở pháp lý.
"Việc chủ động điều chỉnh lại mục tiêu đầu tư và thời hạn hoạt động của dự án đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật và phù hợp với lưu ý của Bộ Xây dựng...", báo cáo nêu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Minh - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - cho biết ngoài Sentosa Mũi Né, còn có 9 dự án khác cũng thuộc diện điều chỉnh chủ trương đầu tư.
"Việc giải quyết các kiến nghị ở các dự án này là vấn đề khó. Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã có kết luận và Ban Cán sự đảng UBND tỉnh cũng đã báo cáo các cơ quan cấp trên để xin ý kiến về chủ trương xử lý", ông Minh cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận