12/07/2013 07:14 GMT+7

Bình Phước: người bị tín nhiệm thấp không họp HĐND

H.MI - BÁ SƠN - BÙI LIÊM - NGỌC HẬU
H.MI - BÁ SƠN - BÙI LIÊM - NGỌC HẬU

TT - Ngày 11-7, HĐND tỉnh Bình Phước đã thông qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 13 cán bộ HĐND và UBND tỉnh. Theo đó, người có tín nhiệm thấp nhất là ông Phạm Công (giám đốc Sở Tài chính) với 26,98% phiếu tín nhiệm thấp, 49,21% tín nhiệm và 15,87% tín nhiệm cao.

YV1JkaFM.jpgPhóng to
Mặc dù đã quá thời hạn cam kết phải hoàn thành hai tháng (5-2013) nhưng đến nay quốc lộ 14 đoạn Đồng Xoài - cầu 38 vẫn ngổn ngang - Ảnh: BÙI LIÊM

Ông Phạm Công, giám đốc Sở Tài chính, trong thời gian giữ chức chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Phước có liên quan trách nhiệm đến hai trong ba vụ việc lớn mà Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước đã khởi tố vụ án (theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương) vì gây thiệt hại lớn cho ngân sách gồm: việc xây dựng nhà liên kế cạnh Đài phát thanh - truyền hình Bình Phước và vụ bán đấu giá vườn cao su tạo quỹ làm đường Lộc Tấn - Bù Đốp.

Ông Phạm Công không tham dự kỳ họp HĐND tỉnh lần này và đã có văn bản ủy quyền cho một phó giám đốc sở điều hành công việc từ cuối tháng 6-2013 với lý do “đi công tác” theo chỉ đạo của thường trực Tỉnh ủy và thường trực UBND tỉnh.

Cũng theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm, ông Nguyễn Tấn Hưng - chủ tịch HĐND tỉnh - được tín nhiệm cao nhất với 84,13% phiếu tín nhiệm cao, 7,94% phiếu tín nhiệm và 1,59% phiếu tín nhiệm thấp. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hưng cho biết: “Được các đại biểu tín nhiệm cao là một điều tự hào, giúp tôi ý thức rõ hơn trách nhiệm làm đại biểu của mình, nhưng cũng không lấy đó làm thỏa mãn”. Ngoài ra, với tư cách là bí thư Tỉnh ủy, ông Hưng nói kết quả lấy phiếu tín nhiệm không chỉ là cơ hội để các cá nhân tự soi rọi lại mình mà từ kết quả này sẽ là một căn cứ để Tỉnh ủy xem xét bổ nhiệm, phân công cán bộ trong thời gian tới.

Theo báo cáo và giải trình của Sở GTVT tại kỳ họp, hầu hết các dự án BOT mở rộng quốc lộ trên địa bàn tỉnh đều chậm tiến độ và gặp khó khăn về tài chính. Cụ thể: dự án BOT quốc lộ 14 đoạn Cây Chanh - cầu 38 và đoạn cầu 38 - Đồng Xoài khởi công từ năm 2010 đáng lẽ phải hoàn thành từ tháng 5-2013 nhưng tới nay còn dang dở. Dự án quốc lộ 14 đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành đáng lẽ phải hoàn thành từ đầu năm 2012 nhưng tới nay vẫn chưa thi công xong. Dự án BOT mở rộng quốc lộ 13 (đoạn An Lộc - Hoa Lư) dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2010-2012 nhưng tới nay cũng chưa xong... Hầu hết các dự án này chủ đầu tư đang gặp khó khăn về nguồn vốn nên cũng rất khó chờ đợi đẩy nhanh tiến độ dự án trong thời gian tới.

Để khắc phục, Sở GTVT đề xuất điều chỉnh dự án, cho phép nhà đầu tư thu hẹp mặt cắt của dự án để giảm vốn đầu tư. Với một số dự án thì đề xuất Chính phủ cho chuyển hình thức đầu tư từ BOT sang sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ.

Khu phố văn hóa nhưng đầy vi phạm

Đó là câu hỏi ông Trương Văn Vở - phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai - đặt ra tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa VIII ngày 11-7.

Ông Vở đặt vấn đề: “Có đến 80-90% ấp, khu phố văn hóa nhưng đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra các cơ sở dịch vụ văn hóa, giải trí đều phát hiện vi phạm. Khu phố văn hóa nhưng đầy vi phạm là sao? Vì vậy tôi đề nghị Sở Văn hóa - thể thao và du lịch xem lại và phối hợp với UBND các địa phương siết lại danh hiệu văn hóa”.

Đề cập đến các dự án “treo” khiến dân bức xúc, ông Vở ghi nhận chính quyền có nỗ lực trong việc thu hồi các dự án “treo” nhưng có dự án đã ra quyết định thu hồi nhưng sau đó lại gia hạn nên bây giờ ông “không biết ăn nói với cử tri ra sao”. Ông Vở dẫn chứng thêm: “Dự án cải tạo, nạo vét suối Săn Máu ở TP Biên Hòa kéo dài 10 năm nay vẫn khiến cử tri bức xúc vì ô nhiễm. Trước đây nói vướng giải phóng mặt bằng, nay có mặt bằng rồi vẫn thi công chậm thì phải làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công chứ không để kéo dài nữa”.

Cùng ngày, ông Trần Văn Tư - chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai - đã thông báo kết quả thảo luận ở các tổ về việc đánh giá trách nhiệm cá nhân của 15 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm để 73 đại biểu có mặt bỏ phiếu. Hôm nay (12-7), Đồng Nai sẽ công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Tây Ninh: dân bối rối vì... không biết ăn gì

Ngày 11-7, trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Tây Ninh, nhiều đại biểu đã nêu những báo động trong an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân.

Đại biểu HĐND đơn vị huyện Gò Dầu cho rằng thời gian qua một số mặt hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi sử dụng chất cấm như chất làm trắng bún trên địa bàn tỉnh. Thậm chí mặt hàng giá đỗ, người bán cũng sử dụng hóa chất để qua một đêm là có giá đỗ trong khi bình thường phải 3-4 ngày mới làm ra được thành phẩm. Đây là những mặt hàng phục vụ nhu cầu đời sống hằng ngày, điều này khiến người dân lo lắng.

Tình trạng không dám mua các sản phẩm vì tâm lý sợ giả, sợ kém chất lượng đã khiến sức mua của người dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giảm. Điều này ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm của những cơ sở, đơn vị sản xuất uy tín, chất lượng tốt. Thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm nhưng nên xử lý mạnh hơn đối với những cơ sở làm hàng kém chất lượng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Các đại biểu HĐND khác cho rằng nếu làm tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ giảm chi ngân sách của tỉnh rất lớn. Một đại biểu nhấn mạnh: “Rõ ràng người dân đang rất bối rối vì không biết ăn gì vì từ bún, bánh canh, hủ tiếu đến rau, thậm chí cả rượu cũng có vấn đề về chất lượng”. Các đại biểu đề nghị các ngành chức năng phải quyết liệt xử lý hơn nữa, bên cạnh việc xử phạt hành chính, nếu vẫn còn tái phạm thì cho đóng cửa các cơ sở này.

H.MI - BÁ SƠN - BÙI LIÊM - NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên