Trong khi doanh nghiệp phải xin tiêm cả vắc xin Nano Covax đang được thử nghiệm thì khoảng 311.000 liều đã được phân bổ về Bình Dương tiêm chậm do chưa huy động nguồn lực của hệ thống y tế tư nhân - Ảnh: BÁ SƠN
Ngày 4-8, trả lời Tuổi Trẻ Online, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết tới nay đã có khoảng 311.000 liều vắc xin phân bổ đã được tỉnh tiếp nhận và đang có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho người dân.
Thế nhưng, thực tế cho thấy tốc độ tiêm vắc xin tại Bình Dương rất chậm, thấp hơn cả một số tỉnh miền Tây, dù số ca COVID-19 của Bình Dương đã vượt 20.000 ca và nóng thứ hai cả nước chỉ sau TP.HCM.
Theo số liệu của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, tính tới sáng 4-8, lũy kế toàn tỉnh Bình Dương mới có hơn 88.500 người được tiêm vắc xin, trong đó chỉ có hơn 7.400 người được tiêm đủ cả hai mũi.
Theo công bố của Bộ Y tế, tốc độ tiêm vắc xin của Bình Dương ít hơn Long An (tới 4-8 đã tiêm được hơn 126.000 liều), ít hơn Đồng Tháp (đã tiêm được gần 158.000 liều)...
Có một thực tế là hơn 2/3 vắc xin được phân bổ (tổng cộng 311.000 liều) tại Bình Dương vẫn... nằm trong kho. Trong khi đó, các doanh nghiệp, người lao động mong ngóng vắc xin từng ngày.
Thậm chí mới đây, vì quá nóng ruột, Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương còn đề xuất và UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Y tế xin tiêm vắc xin Nano Covax thử nghiệm cho khoảng 200.000 người là công nhân, người lao động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn đang chờ trả lời của Bộ Y tế.
Người dân mong ngóng từng ngày để được tiêm vắc xin nhưng kế hoạch của Bình Dương thực hiện chậm. Trong ảnh: bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 tỉnh Bình Dương - Ảnh: B.SƠN
Mặc dù Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương có kết luận cuộc họp yêu cầu đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin nhưng thực tế không như mong đợi.
Tính trung bình trong khoảng 10 ngày gần đây, bình quân chỉ tiêm được khoảng 2.000 liều/ngày. Tốc độ có tăng lên chút đỉnh tính tới sáng 4-8, nhưng cũng chỉ mới đạt gần 5.000 liều/ngày.
Giải pháp nào cho vấn đề vắc xin của Bình Dương? Một lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ mở rộng huy động các cơ sở y tế tư nhân, chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp... để tham gia.
Hệ thống y tế công, gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các trung tâm y tế huyện, thành phố sẽ không "ôm" việc tiêm vắc xin nữa mà sẽ giám sát, phối hợp với các đơn vị để đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin.
100 điểm tiêm vắc xin lưu động, huy động cả phòng khám tư
Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết đã ban hành kế hoạch gửi các đơn vị về việc phân công phối hợp để tiêm vắc xin đợt mới (đợt 8, 9, 10) tại Bình Dương.
Số lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ tới Bình Dương đã nhiều hơn, trong đó có 220.000 liều AstraZeneca và trên 65.000 liều Moderna; ngoài ra, còn 1.170 liều vắc xin Pfizer...
Ai sẽ được tiêm vắc xin đợt mới này? Theo văn bản của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, đợt 8 (vắc xin Pfizer) có số lượng ít và chỉ được tiêm cho một số đối tượng nhất định: những người có bệnh lý nền, cán bộ tham gia phòng chống dịch chống chỉ định với loại vắc xin khác, người trên 65 tuổi (cán bộ hưu trí chuẩn bị hỗ trợ chống dịch).
Đối với đợt 9, 10 (vắc xin AstraZeneca và Moderna) sẽ có đối tượng rộng hơn, trong đó sẽ có cả người làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất "3 tại chỗ" và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp (đã đăng ký trước đó).
Địa điểm tiêm tại 275 điểm gồm: các bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế cấp phường, xã (175 điểm cố định) và khoảng 100 điểm tiêm vắc xin lưu động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận