12/09/2012 14:07 GMT+7

Biểu tình chống Nhật lan rộng ở Trung Quốc

HẢI MINH - TTXVN
HẢI MINH - TTXVN

TTO - Các cuộc biểu tình chống Nhật Bản đã nổ ra ở một số thành phố Trung Quốc vào ngày 11-9 để phản đối việc chính quyền Nhật Bản mua lại một số đảo trong quần đảo tranh chấp giữa hai nước mà Tokyo gọi là Senkaku, còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

Nhật mua quần đảo SenkakuTrung Quốc đưa tàu tới quần đảo tranh chấp

eUAnhrjD.jpgPhóng to

Người biểu tình Trung Quốc chống Nhật Bản - Ảnh: AP

Tại thành phố biển Uy Hải, tỉnh Sơn Đông đã diễn ra cuộc tuần hành của khoảng 200 người vào sáng 11-9 với những băngrôn chống Nhật Bản và hô vang các khẩu hiệu như “tẩy chay hàng Nhật!”.

Báo Trung Quốc Thời báo Hoàn Cầu cho biết hơn 10 người biểu tình đã tụ tập trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh trong ngày 11-9, giương cao các khẩu hiệu chống Nhật và đòi chủ quyền với quần đảo.

Cũng trong sáng 11-9, một số người ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông miền nam Trung Quốc, tụ tập bên ngoài Lãnh sự quán Nhật hô vang các khẩu hiệu như “bảo vệ đảo Điếu Ngư”.

Ngày 11-9, Chính phủ Nhật Bản đã mua lại ba đảo trong quần đảo tranh chấp từ sở hữu tư nhân của gia đình Kurihara bằng tiền ngân sách. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối vụ việc.

Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng toàn văn những tuyên bố cứng rắn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong khi tờ Tin tức Quốc tế, thuộc Nhân dân Nhật báo, còn tính đến khả năng Mỹ sẽ nhảy vào nếu tình hình đối đầu Trung - Nhật căng thẳng, đồng thời kêu gọi Trung Quốc cần chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất”.

Trước tình hình căng thẳng Trung - Nhật gia tăng, theo AFP ngày 11-9, Mỹ đã kêu gọi Nhật Bản và Trung Quốc kiềm chế sau khi Bắc Kinh cử hai tàu hải giám tới quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông nhằm đáp lại việc Tokyo mua lại quần đảo này.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell nói: "Trong môi trường hiện nay, chúng tôi muốn các bên kiềm chế hơn để giải quyết vấn đề". Ông Campbell nhấn mạnh sự kiềm chế này thật sự quan trọng do khu vực này (Đông Á) đang giữ vai trò "đầu tàu của kinh tế toàn cầu".

Theo ông, đối thoại hòa bình và duy trì hòa bình cũng như an ninh luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, đồng thời khẳng định Mỹ giữ lập trường trung lập trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ đang ngày càng gay gắt ở châu Á.

HẢI MINH - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên