Anh Tân (cầm nón) cùng đoàn từ thiện phát quần áo cho người dân huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) - Ảnh: NVCC
Năm 2013, anh Nguyễn Quan Tân (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) trải qua cú sốc đầu đời sau khi làm ăn thất bại và chuẩn bị sẵn... cái chết cho mình. Rồi chính anh cũng không ngờ gần 10 năm sau lần chết hụt ấy, anh đã giúp đỡ hàng ngàn cảnh đời khốn khó, lâm vào đường cùng như mình đã từng.
Biết thương người từ biến cố đời mình
8 năm trước, chàng thanh niên 23 tuổi mở quán trà sữa từ số vốn tích lũy và vay gia đình sau khi ra trường. Do thiếu kinh nghiệm, quán dần thua lỗ trong chưa đầy một năm. Cậu chủ bán trà sữa về quê ăn tết chỉ với 500.000 đồng còn trong túi.
Sĩ diện, Tân không dám để cha mẹ biết mình đang suy sụp. Anh bán chiếc xe mới đang chạy, mua lại xe cũ và nói dối là để giao hàng nhưng thực chất cần tiền xoay xở. Cầm gần 20 triệu từ tiền bán xe, anh cầm cự vỏn vẹn một tháng rồi dán bảng sang quán.
"Nhiều người tới xem, rồi đều bỏ" - Tân kể. Khi tiền bán xe cạn, tiền thuê nhà đến trong khi quán vẫn chưa có người sang lại, chẳng vay mượn được ai, Tân đã nghĩ quẩn. Anh mua vỉ thuốc ngủ với ý nghĩ giải thoát cho mình.
"Tôi xem Tân như người em trong gia đình. Anh em hiểu nhau nên gắn bó lâu rồi. Mọi người trong đoàn ai cũng quý Tân vì em ấy quản lý chuyến đi chu đáo, chăm lo cho đoàn và luôn nghĩ cho người khác hơn chính mình. Chuyện tiền nong cho việc thiện rất rõ ràng, minh bạch"
Anh TRƯƠNG THƯ HOÀNG (36 tuổi, làm từ thiện đã hơn 5 năm)
Cái đêm "chuẩn bị kết thúc", Tân nhắn tin cho người bạn ở nước ngoài như lời tâm sự cuối cùng. Và bạn ấy đã trắng đêm khuyên nhủ anh. Sáng hôm sau, Tân nhận được 500 đôla gửi về, số tiền mà theo anh là đã cứu mình khỏi vực sâu.
Rồi điều đặc biệt là hôm đó có người đến đồng ý sang quán, số tiền đủ để Tân ổn định cuộc sống vài tháng trong lúc tìm việc khác.
"Tôi trả lại 500 đôla nhưng bạn ấy không nhận, còn kêu lấy tiền đó học thêm cái gì hoặc đi đâu cho khuây khỏa. Suýt chết, tôi biết ơn người đã kéo mình lên khi rơi vào đường cùng" - anh nhớ lại.
Thời điểm đó, cha mẹ Tân ở quê vẫn chưa biết đứa con trai duy nhất vừa thoát khỏi bàn tay tử thần. Ba tháng kể từ khi trải qua sự cố, trước khi xin được việc hành chính tại một bệnh viện ở Q.Phú Nhuận, hầu như Tân chỉ thu mình trong căn trọ, không giao tiếp với ai.
Nhưng rồi trong một đêm trên đường Lý Thái Tổ (Q.10), hình ảnh một cụ bà đang moi hộp cơm thừa từ thùng rác ra ăn khiến anh chợt tỉnh.
"Tại sao mình còn trẻ, còn lành lặn để kiếm tiền lại suốt ngày bi quan? Mình được kéo lên từ hố sâu thì phải sống thật tốt và giúp lại những phận đời khốn khổ giống như mình đã từng" - Tân chia sẻ cơ duyên đưa anh đến con đường thiện nguyện.
Tân (thứ 4 từ trái sang) cùng các bạn thiện nguyện xây cầu Hạnh Phúc ở Cà Mau - Ảnh NVCC
Giúp hơn 1.000 mảnh đời mỗi năm
Hành trình 8 năm giúp người của Tân bắt đầu chỉ vỏn vẹn với 500.000 đồng.
"Tôi với người bạn chung trọ làm một số ổ bánh mì phát cho người lang thang ở Sài Gòn. Chừng 2-3 đợt như vậy, tôi nghĩ đến những mảnh đời khó khăn ở vùng sâu, vùng xa cũng đang chật vật với từng miếng ăn" - anh nói.
Năm đó, chàng trai quê Đồng Tháp thực hiện chuyến thiện nguyện đến Đồng Nai với kinh phí chỉ hơn chục triệu từ vài người cùng tấm lòng.
"Chuyến đi có khoảng 10 người, hồi đó phải rủ từng người chứ mình mới làm đâu ai biết mà đi chung. Nhưng cứ qua mỗi lần đi, bạn này giới thiệu cho bạn khác, mình lại có thêm thành viên mới và sự tin tưởng của mọi người, dù đến giờ chẳng có tên hội nhóm từ thiện gì cả" - Tân cho biết sau ngần ấy năm, giờ mỗi chuyến đi làm từ thiện đều phải đặt xe 45 chỗ.
Gần 10 năm, Tân cùng những người đồng lòng thiện nguyện đã đi qua gần 25 tỉnh thành, san sẻ khó khăn với hơn 1.000 mảnh đời mỗi năm. Anh cho biết mỗi năm thường đi ba lần vào các tháng 1, 5, 9. Năm nay, anh đã đến Bến Tre hồi tháng 4, còn Ninh Thuận và Đắk Lắk sẽ đi vào các tháng cuối năm.
Trước khi đến vùng nào, Tân liên lạc với người địa phương từng quen biết và chính quyền nơi đó để biết xã, huyện nào có nhiều hộ khó khăn. Sau đó, anh tiến hành đi tiền trạm khảo sát, nắm thực tế, cảm nhận của bản thân rồi lên kế hoạch quyên góp tiền, quần áo, đồ dùng, thức ăn...
"Có những ngày nghỉ phép, thay vì đến nơi xa hoa thì tôi chọn đi vùng sâu, vùng xa giúp đỡ bà con" - Tân cho biết những nơi anh chọn làm từ thiện đa phần từ Đông Nam Bộ trở vào vì gần Sài Gòn nên dễ tổ chức đi hơn.
"Tôi thường đến tận nơi, mỗi vùng chia sẻ một ít rồi sau 3-4 năm có thể quay lại tỉnh đó nhưng ở xã, huyện khác" - Tân cho biết cũng làm thiện nguyện ở miền Bắc, miền Trung vào những đợt thiên tai, lũ lụt hoặc xây giếng, trường học trên vùng cao.
Anh Tân (phải) hỗ trợ thức ăn cho người dân bị ảnh hưởng do thiên tai ở huyện Phước Sơn (Quảng Nam)
Cho người khác là cho chính mình
Sau mỗi chuyến đi có chút mệt mỏi nhưng Tân luôn cảm thấy tâm mình an yên và đánh dấu vào tuổi trẻ của mình một điều ý nghĩa.
"Bình yên của người khác - những người luôn chật vật với sự thiếu thốn cơm áo - đôi khi còn đáng quý hơn chút thiệt thòi mà mình đang chịu trong cuộc sống hằng ngày" - anh chia sẻ.
Tân trải lòng: "Tôi học được cách buông của bản thân, cho người khác là cho chính mình. Mỗi khi buồn, tôi mở điện thoại xem lại hình ảnh những nơi mình từng giúp đỡ rồi tự vực lại tinh thần".
Bao nhiêu năm thiện nguyện, điều làm Tân tự hào nhất không phải là đã đi được bao nhiêu nơi, giúp được mấy ngàn người, mà chính là những người bạn cùng tấm lòng thiện nguyện.
"Tôi gọi họ là tài sản của mình, dù có khi chỉ đi cùng một, hai lần. Nếu không có người chia sẻ, giúp sức, một mình tôi không thể làm nên những chuyến đi như thế. Tôi luôn biết ơn họ!" - anh mỉm cười.
Tuy nhiên, có một chuyện luôn làm Tân trăn trở: "Tôi hay nghe câu nói "Nên cho cần câu hơn là cho con cá". Vì cần câu để người ta nuôi sống mình, còn cho bao gạo, thùng mì thì vài bữa, nửa tháng cũng hết. Nhưng mình không đủ sức tạo công ăn việc làm cho người ta.
Chỉ có một lần ở Sóc Trăng, tôi tặng gà con cho khoảng chục hộ nuôi. Việc đó là lâu lâu tôi thêm vào trong chuyến đi của mình. Tôi nghĩ giờ mình cho con cá để bà con có miếng ăn trước, còn cần câu là đường dài sẽ tính sau".
Chia sẻ thêm, Tân tâm sự mình vừa rời vị trí trưởng phòng hành chính - nhân sự của một chuỗi cà phê để chuẩn bị khởi nghiệp lại. Anh cùng cộng sự mở một công ty chuyên về gia công áo thun, đồng phục, đồ bảo hộ lao động. Hôm gặp tôi, anh vừa đi tìm mặt bằng để mở xưởng và khoe đã có đối tác gọi đặt hàng.
"Tôi muốn trích phần lợi nhuận của cá nhân mình để giúp đỡ người khác nếu chuyến đi không vận động được nhiều" - anh trải lòng.
Xem nơi làm từ thiện như quê mình sinh ra
Tân tự nhận mình như vậy bởi ngoài cho tiền và quà, anh còn xây thêm trường học, giếng nước, cây cầu cho người dân. Nhóm cũng hay tổ chức văn nghệ vừa góp vui, vừa trao học bổng cho học sinh nghèo.
Cách đây 2 tuần, Tân đến Nậm Pồ (Điện Biên), trích quỹ từ thiện để góp kinh phí xây một điểm trường trên vùng cao. Anh cũng đang hỗ trợ toàn bộ sách vở, đồng phục, giày dép mỗi năm cho hai em học sinh lớp 9 đi học đến hết lớp 12.
"Mỗi đợt tổ chức từ thiện rất khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức nên phải làm cho xứng đáng, chia sẻ vật chất lẫn tinh thần. Tôi đi tới nơi nào cũng đặt tình cảm mình vào, xem đó như nơi mình sinh ra" - Tân mở điện thoại nhìn lại hình ảnh các chuyến đi, mỉm cười.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận