Hơn 130.000 cây xanh trên địa bàn các quận nội thành và một số trục đường xuyên tâm Hà Nội, trong đó có hàng ngàn cây cổ thụ quý hiếm, đang được chăm sóc và bảo vệ.
Giữ gìn hệ sinh thái cây bóng mát đô thị là điều chẳng mấy dễ dàng, bởi nơi đây lượng phương tiện giao thông và cơ sở hạ tầng luôn ken đặc.
Đảm nhiệm công việc ý nghĩa "khám chữa bệnh" cho cây thuộc về đội ngũ nhân viên Công ty Công viên cây xanh Hà Nội.
"Bác sĩ" cây xanh giữa thủ đô
Anh Nguyễn Thanh Nam, phó phòng kế hoạch của công ty, vui vẻ giới thiệu hai "bác sĩ" Phạm Ngọc Vương và Nguyễn Xuân Sửu tại công viên Lê Nin: "Là hai trong số những nhân viên kỳ cựu nhất của công ty chúng tôi đấy, các anh phụ trách tuần tra, "khám bệnh" cho cây ở khu vực này".
Anh Vương và anh Sửu đều có trên 30 năm công tác và đang chuẩn bị cho buổi kiểm tra "sức khỏe" của cây hôm nay. "Phải đợi bớt tắc đường một chút, ở quận trung tâm lúc nào xe cộ cũng chen nhau", anh Vương sốt ruột nhìn dòng người xe.
"Y cụ" mà các anh mang theo đã sẵn sàng, gồm thuổng, búa đinh, thước dây và sổ ghi chép. Đường Điện Biên Phủ là điểm "khám" cây đầu tiên của hai "bác sĩ".
Đường kéo dài tới lăng Bác, giao cắt với đường Hoàng Diệu, Chu Văn An, Trần Phú. Ngoài dãy cây ban đang trải thảm hoa tím ngát, đường có nhiều xà cừ, đa cổ thụ đường kính tới vài người ôm rất đẹp.
Anh Vương và đồng nghiệp đến gốc cây, bới đám cỏ dại kiểm tra kỹ lưỡng sâu bệnh rồi lại hướng ánh mắt lên tán cây để tìm dấu hiệu các loại bệnh. Chỉ cần phát hiện một bất thường của thân, cành, lá như mối mục, lá đổi màu, héo úa... thì lập tức các anh ghi chép lại để xử lý.
Tới gốc cây đa cổ thụ ở phía gần cột cờ Hà Nội, anh Vương bất ngờ tìm thấy tổ mối đang ăn lồng dưới gốc cây. Nhờ đồng đội dùng thuổng kiểm tra sâu vào bên trong xem mối đã đục khoét tới đâu, anh Vương lấy lên một ụ gỗ đã bị mối đục lỗ chỗ và giải thích:
"Mối đục khoét rất nhanh, cần phải nạo hết chỗ mùn này để quét nước vôi vào. Thường thì trị mối dùng nước vôi, nếu vôi không diệt được thì dùng thuốc bảo vệ thực vật chuyên trị".
Anh Vương lấy sổ ghi chép những thông tin về cây, ngày giờ, vị trí cây, loại bệnh. Nếu bệnh nhẹ, các "bác sĩ" này sẽ xử lý nhanh gọn.
Ngược lại, nếu bệnh nặng và đúng cây di sản, cây cổ thụ hàng trăm tuổi thì phải báo cáo để công ty mời chuyên gia đến "hội chẩn" thêm.
Bôi keo liền sẹo cho cây
Cây đa cổ thụ được chữa trị mối ăn lồng dưới gốc có kích thước tới hai người ôm không hết, tuổi đời trên 50 năm.
Anh Nguyễn Thanh Nam cho biết những cây trồng trên 50 năm hoặc có đường kính trên 50cm theo quy định đều được xếp vào hàng cây cổ thụ. Và Hà Nội đang có rất nhiều cây cổ thụ quý cần được bảo vệ.
Cây đa tiếp theo được nhóm "bác sĩ" Vương kiểm tra đứng cùng dãy cây trên đường Điện Biên Phủ, có tuổi đời 60 năm, đường kính cũng cỡ cây đa trước. Họ hào hứng kiểm tra bộ rễ mới của cây rồi nói: "Những rễ tươi sáng này đều là rễ mới cả đấy!
Cây đa này mấy năm trước cũng bị mối đục dưới gốc cây, chúng tôi phải xử lý mất vài tuần để bảo vệ bộ rễ, giờ cây khỏe hoàn toàn rồi".
Theo "bác sĩ" Vương, loại gây hại cho cây chủ yếu là mối mục, sâu đục thân, nấm mốc vì nền khí hậu nhiệt đới, độ ẩm cao. Rẽ qua tuyến đường Hoàng Diệu, hàng cây xà cừ đại thụ thẳng tắp, cao chót vót.
"Gỗ xà cừ đắng ngắt nên sâu bệnh ít gặm, chủ yếu kiểm tra cành khô mục và hạ độ cao của cây để tránh bão", anh Vương cho biết.
Nhiệm vụ đội anh Vương là kiểm tra cây phần dưới mặt đất, còn đội khác trên cao gọi là đội cắt tỉa. Công ty của anh chia làm hai bộ phận, gồm xí nghiệp cắt tỉa và xí nghiệp chăm sóc vườn hoa cây cảnh. Mỗi xí nghiệp sẽ có các đội, nhóm bám trụ ở tất cả các quận, huyện của Hà Nội để chăm sóc và bảo vệ cây xanh.
Anh Nguyễn Gia Mỹ, đội phó xí nghiệp cắt tỉa, cũng có trên 30 năm gắn bó với nghề, có thể kể chuyện về cây cả ngày không chán: "Đội làm cắt tỉa thẩm mỹ tạo cảnh quan đô thị, hạ độ cao của cây để tránh gió bão và cắt tỉa những cành khô, sâu mục, "khám bệnh" trên cao cho cây".
Đội anh Mỹ thường xuất hiện trên đường phố cùng chiếc xe thang, một hoặc hai thợ cắt tỉa sẽ đứng trong thùng cẩu để được đưa lên vị trí cần cắt - hình ảnh quen thuộc mà người đi đường thi thoảng lại bắt gặp. "Cây trưởng thành không có nhiều sâu bệnh đâu, nhưng khi cắt cành lại phải cắt sao cho cây không bị... ốm", anh Mỹ vui vẻ nói.
Anh giải thích thêm nếu cắt cành không khéo, không "ngọt" sẽ tạo ra các vết xước. Nấm mốc, sâu bệnh xâm nhập vào vết xước rồi ăn sâu vào thân làm hỏng cây. Sau khi cắt, họ bôi lớp keo liền sẹo hoặc quét sơn vào vết cắt giúp cây nhanh lành và ngăn sâu bệnh, vi khuẩn xâm nhập để cây khỏe, sớm ra lá non.
Những người yêu cây
Còn nhớ lúc chúng tôi đi cùng đội "bác sĩ" Vương "khám bệnh" cây đa ở đường Điện Biên Phủ, người dân đi qua thấy người vác thuổng, vác xẻng thì lập tức xấn lại hỏi: "Định chặt cây hả?". Khi biết chỉ kiểm tra sâu bệnh, họ mới chịu rời đi.
"Văn phòng công ty có số hotline để ai cũng có thể gọi báo các vấn đề liên quan đến cây như cây đổ, cây vướng vào nhà, cây bị sâu bệnh, rồi ai làm hại cây nữa... Người dân mình rất quan tâm cây cối, ý thức bảo vệ rất cao", anh Nam vui mừng kể.
Xem ra việc chăm sóc cây cũng không đơn giản, từ việc trồng, chăm cây trước 2 năm tuổi. Cắt tỉa cây trưởng thành, "khám bệnh" cho cây, kiểm tra môi trường dân sinh bên dưới gốc cây. Nhiều việc các anh phải làm vào ban đêm tới sáng, nhất là trước mùa mưa bão.
"Ngày bão, các thành viên thay phiên nhau trực, lúc nào cũng sẵn sàng "ra trận" vì một cây đổ gãy cản trở giao thông thì cả phố tắc đường. Nghề này phải yêu cây mới làm được", anh Mỹ tâm sự.
"Nhìn thảm hoa bằng lăng kìa, đẹp không? Góc kia là sưa, hoa nở trắng một góc. Người dân hay ghé chụp ảnh, chúng tôi thấy công việc cũng nhiều lúc vui lắm", "bác sĩ" Vương kết thúc buổi "khám bệnh" cho cây với hình ảnh đẹp như vườn cổ tích giữa đời thường.
Hay bị hiểu lầm
"Trước đây không có keo liền sẹo hoặc sơn nên phải dùng vôi, muối sát khuẩn vết cắt cho cây.
Ngày xưa leo trèo bằng tay mới lên được ngọn cây, giờ có thang máy cao từ 12 - 32m. Chỉ khó là nghề này lúc nào cũng ở ngoài trời", anh Mỹ cười nói.
Đồng nghiệp anh Mỹ góp chuyện: "Làm ở ngoài trời lúc mưa lúc nắng, thi thoảng có người không hiểu còn chửi chúng tôi phá hoại cây nữa".
Vợ chồng cùng yêu cây
Anh Vương từ chiến trường Vị Xuyên về. Rời quân ngũ, anh học mấy năm việc trồng, chăm sóc cây xanh do Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam mở.
Việc anh đang làm được bà xã ủng hộ, vì chị cũng đang chăm sóc vườn hoa trong trường học. Lúc nghỉ giải lao, vợ chồng anh thường tâm sự qua video call.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận