04/11/2019 12:43 GMT+7

'Biệt đội' cứu hộ trên sông Vàm Nao

CHÍ CÔNG
CHÍ CÔNG

TTO - Ông Năm Tạo bỏ tiền túi, vận động anh em trong đội cứu hộ cùng các nhà hảo tâm để mua ghe, máy dầu để cứu người và tài sản trên dòng sông đầy đá ngầm.

Biệt đội cứu hộ trên sông Vàm Nao - Ảnh 1.

Có phao cứu sinh, ông Năm Tạo tiện bề cứu người trên sông - Ảnh: C.CÔNG

Trong cái chòi quan sát cạnh sông, ông Út Lừng, ông Bảy Lợi và đặc biệt là ông Năm Tạo (ở ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân, An Giang) rọi đèn pha ra sông, thấy chiếc ghe lệch hướng và nghiêng hẳn về một bên theo vòng xoáy cực mạnh của dòng nước.

Mặc áo phao, lật đật tháo sợi dây buộc ghe, họ chạy ra sông hỗ trợ cứu người. 

Con sông nguy hiểm

"Lúc đó là 19h ngày 2-10, trên sông trời tối đen, nước chảy xiết và mạnh, ghe chở hàng hóa của họ được kè kịp thời không lật nhưng tụi tui không kịp cứu người gặp nạn" - ông Năm Tạo kể cho chúng tôi nghe với nỗi lòng nặng trĩu và đầy trắc ẩn.

Ông Năm Tạo kể ngày xưa Vàm Nao chỉ là con rạch nhỏ, người ta có thể kết bè chuối lội qua sông. Tuy nhiên, theo thời gian, áp lực nước chảy xiết của sông Tiền và sông Hậu đã làm sông Vàm Nao bồi lở rộng lớn với chiều dài gần 7km, ngăn cách xã Kiến An (huyện Chợ Mới) và xã Tân Trung (huyện Phú Tân) như bây giờ.

Khi tiết trời giao mùa từ nắng sang mưa, đặc biệt vào cao điểm mùa mưa (tức lọt qua tháng 7 đến hết tháng 9 của năm), sông Vàm Nao trở nên "trái tính trái nết" như một "hung thần". Dòng chảy của cửa sông Tiền, sông Hậu đồng nhất hợp lưu với dòng chảy sông Vàm Nao tạo thành những hố nước xoáy khổng lồ. 

Nhờ sự tiếp sức của gió chướng, sóng trên mặt sông liên tục vỗ mạnh vào mạn ghe hay vào bãi bờ; dưới đáy sông sâu, đá ngầm, nọc cây lởm chởm nằm lộn xộn, chồng chất như bày một "thủy trận" hoàn hảo sẵn sàng nuốt chửng bất kể thứ gì dám bén mảng tới gần. Nói theo ông Năm Tạo thì đó chính là "tử huyệt" của ghe, tàu.

"Biệt đội cứu hộ"

Trước năm 1975, các bậc tiền bối địa phương đã lập đội cứu hộ trên con sông này. Từ năm 1981, "biệt đội cứu hộ" ở Vàm Nao được thành lập trở lại. Ông Năm Tạo cho biết mình tham gia đội cứu hộ năm 1987. 

Ngót hơn 30 năm lặn hụp không công, ông Năm Tạo vớt không biết bao nhiêu tài sản bị chìm và không biết bao nhiêu người đuối nước. Theo ông, nước sông Vàm Nao chảy xoáy và hút sâu xuống đáy. Ai chìm ghe vào ban ngày thì đỡ. Ban đêm, hạn chế tầm nhìn, "mười phần chết bảy" vì không ai có thể ra cứu kịp.

"Bây giờ lũ về ít, nhưng sông Vàm Nao vẫn dữ tợn" - ông cho biết. 

Để trang bị phương tiện cứu hộ, ông Năm Tạo bỏ tiền túi và vận động anh em trong đội cứu hộ cùng các nhà hảo tâm ở xã Tân Trung (huyện Phú Tân) mua chiếc ghe và máy dầu với tổng số tiền khoảng 25 triệu đồng nhằm tiện cứu vớt người và tài sản trên sông. 

"Trong đội cứu hộ, chỉ có ông Năm Tạo biết nước vận, nước xoáy ra sao nên điều khiển máy dầu cũ và chiếc ghe cồng kềnh rất giỏi. Lớn tuổi nhưng nhiệt tình nhất là ổng" - ông Dương Văn Lợi, đội trưởng đội cứu hộ trên sông Vàm Nao, nhìn nhận.

"Biệt đội" cứu hộ U70 trên sông Vàm Nao hiện có khoảng 20 thành viên. Ông Năm Tạo năm nay gần 70 tuổi nhưng vẫn miệt mài cống hiến sức mình tham gia cứu hộ trên sông. "Khi nào sông Vàm Nao còn chảy là còn đội cứu hộ trên sông. Tụi tui làm không cần đền đáp" - ông nói.

Lập "cầu người", lao sông cứu người trong lũ Lập 'cầu người', lao sông cứu người trong lũ

TTO - 'Đi đi đi' - tiếng ông Hà Việt Bồng, chủ tịch UBND xã Trà Tân (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi), kéo đoàn người Cor lao theo. Cuộc vật lộn cứu bốn người dân kẹt giữa sông Giang diễn ra gấp gáp bên lằn sinh tử.

CHÍ CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên