01/11/2019 09:07 GMT+7

Có "cần câu", bước đi thêm vững chãi

KIM ANH
KIM ANH

TTO - Thời gian qua, nhiều cấp Hội đã tặng hàng trăm phương tiện mưu sinh là xe nước mía, bộ đồ nghề sửa xe, đồng hành với bạn trẻ trong mưu sinh.

Có cần câu, bước đi thêm vững chãi - Ảnh 1.

Chiếc xe nước mía được tặng cho mẹ con bạn Trần Mỹ Phụng (Q.6) - Ảnh: K.ANH

Có thêm xe nước mía để mẹ mình bán, mình cũng yên tâm đi học. Chỉ còn năm nay mình sẽ ra trường, có việc làm sẽ vơi bớt gánh nặng cho mẹ.

TRẦN MỸ PHỤNG

Cách đây ba năm, khi hay tin Trần Mỹ Phụng vào đại học, các bạn bên Hội LHTN VN P.6, Q.6 đã đề xuất Hội LHTN VN quận vận động nguồn lực tặng chiếc xe ép nước mía cho mẹ Phụng bán ngay trước chung cư của gia đình.

Có xe nước mía, vơi nỗi âu lo

"Thường ngày mẹ mình vẫn bán quà bánh cho học sinh ở ngôi trường gần nhà. Nhiều lúc mẹ mình muốn mua chiếc xe ép nước mía để bán thêm nhưng 6 triệu đồng là số tiền quá lớn vì gánh nặng mẹ phải nuôi ba chị em mình từ khi chia tay ba" - Phụng cho hay. 

Mặc dù Phụng cũng đi làm thêm sau giờ lên giảng đường nhưng số tiền đó cũng chỉ phụ phần nào chi phí học tập.

"Mỗi lần đến kỳ đóng học phí, tôi lo đến không ngủ được. Từ ngày mấy cháu thanh niên tặng chiếc xe nước mía, tôi bán thêm món nước cũng có chút ít lo cho tụi nhỏ học hành" - bà Trần Cơ Lan, mẹ của Phụng, cho hay với ánh mắt dâng tràn niềm vui.

Ngày chương trình "Hỗ trợ phương tiện mưu sinh" của Hội LHTN quận 6 tặng xe nước mía và các dụng cụ như ly, bình đựng nước, nhà Phụng vui như hội, nhất là khi các tình nguyện viên còn tìm luôn điểm bán mía với giá sỉ giới thiệu cho mẹ con Phụng lấy về bán.

Còn bạn Văn Tuấn Đạt (Q.7) cũng được Hội LHTN VN quận tặng tủ mát để bán nước giải khát. "Học hết lớp 12 mình tính đi làm bồi bàn lo cho gia đình nhưng bạn bè, thầy cô khuyên, thế là mình đi học trung cấp nghề để mau ra trường. 

Mình đi học, gia đình phần nào cũng khó khăn. Chiếc tủ mát được tặng, mình phụ cô của mình bán nước giải khát cũng đỡ chút ít cho chi tiêu trong nhà. Ba mình sau khi bị tai nạn lao động phải nghỉ một thời gian dài và mới đi làm bảo vệ lại, còn mẹ vẫn buôn bán lặt vặt nên nguồn thu nhập của gia đình khá bấp bênh" - Đạt cho biết.

Đạt là một trong những thanh niên tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại khu phố, là thành viên tham gia dự án tình nguyện hỗ trợ các trẻ em khó khăn.

Game show của Hội

Khi thấy chương trình game show "Vượt lên chính mình" trên đài truyền hình là một trong những cách giúp người nghèo, được đông đảo khán giả yêu thích, nhiều cơ sở Hội của TP đã thiết kế những sân chơi với mục đích tương tự như "Vươn lên từ nghị lực", "Giúp bạn vượt khó", "Cùng bạn khởi nghiệp"...

"Vươn lên từ nghị lực" tổ chức tại P.1, Q.6, đông đảo bà con lối xóm đến cổ vũ gia đình bạn Lê Thể Dung (làm nghề xếp hàng mã). Vượt qua từng vòng thi, số vốn 11 triệu đồng được hỗ trợ để gia đình mua thêm máy cắt giấy là công đoạn của nghề này.

"Làm nghề này chỉ đủ sống nên muốn có hơn chục triệu để mua cái máy khó lắm. Nếu vay bên ngoài thì không dám vì lãi cao. Lúc tham gia thi để được cấp vốn, tôi run dữ lắm mà nhờ mọi người động viên nên thành công, nhớ lại còn hồi hộp nhưng vui lắm" - Dung chia sẻ.

Những bạn trẻ khó khăn ở Q.Bình Thạnh lại được tiếp sức từ chương trình "Cùng bạn khởi nghiệp". Ngoài hình thức trực tiếp trao cho các bạn bộ đồ nghề sửa xe hay chiếc xe bán bánh mì, xe gắn máy chở hàng..., Hội LHTN VN quận còn thiết kế những sân chơi để cấp vốn.

"Sau khi khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ của các bạn, chúng tôi tìm cách vận động các nguồn lực giúp. Ngoài dụng cụ, đồ nghề làm việc, các bạn còn được Hội tín chấp vay vốn với lãi suất ưu đãi để phục vụ công việc làm ăn" - anh Huỳnh Hữu Vinh, chủ tịch Hội LHTN VN Q.Bình Thạnh, nói.

Đóng góp tích cực cho xã hội

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, chủ tịch Hội LHTN VN P.1, Q.6 (TP.HCM), cho biết việc giúp các bạn có phương tiện mưu sinh không phải là từ thiện đơn thuần.

"Đây là cách chúng ta tặng "cần câu", giúp các bạn căn cơ hơn so với việc chỉ đến tặng quà hay nhu yếu phẩm rồi cảnh khó vẫn hoàn khó. Có việc làm, các bạn sẽ ổn định cuộc sống và đóng góp tích cực cho xã hội" - chị Tuyết nói.

Bán chè, thêu nón mưu sinh, đôi bạn thân cùng vào đại học Bán chè, thêu nón mưu sinh, đôi bạn thân cùng vào đại học

TTO - Đôi bạn thân Nguyễn Thị Ngọc Mai và Lê Thị Mỹ Hạnh (lớp 12D1 Trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế) không từ bỏ con đường học dù cuộc sống có khó khăn, nghiệt ngã đến đâu.

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên