01/02/2024 09:01 GMT+7

Biến dự án treo thành công viên: Cần cách làm mới để hiện thực hóa quy hoạch

Biến dự án treo thành công viên cây xanh là việc nên làm. Nhưng đây chỉ là một trong số giải pháp cần làm nhanh để phát triển công viên, cây xanh đạt chỉ tiêu 0,65m2/người ở TP.HCM.

Công viên cây xanh khu vực Hồ bán nguyệt, thuộc khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Công viên cây xanh khu vực Hồ bán nguyệt, thuộc khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

TP.HCM có nhiều quy hoạch công viên, cây xanh trải qua thời gian khá lâu chưa thực hiện, phần lớn là nguồn gốc đất công và đất trống. Trong đó có dự án công viên Thạnh Xuân (quận 12) rộng 150ha được phê duyệt quy hoạch từ năm 1999, đến nay đã 25 năm.

Khoảng cách quy hoạch và thực tế

Theo kế hoạch phát triển công viên, cây xanh giai đoạn 2020 - 2025, TP.HCM cần tối thiểu thực hiện được 54 dự án với tổng kinh phí đầu tư ước tính 9.011 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đến nay mới có 8 dự án hoàn thiện và trình đề xuất chủ trương đầu tư. HĐND TP.HCM cũng chỉ chấp thuận chủ trương đối với 4 dự án với tổng kinh phí 1.590 tỉ đồng.

Chưa kể có không ít quy hoạch treo kéo dài bao gồm các dự án nhà ở thương mại, khu công nghiệp, sân golf, bãi giữ xe, trường học hoặc trung tâm dạy nghề đã trở nên hoang hóa rồi thành các "bãi rác" công cộng, bị lấn chiếm trái phép, làm xấu mỹ quan đô thị.

Rồi đến các khu đất công xen cài bỏ trống, phân lô bán nền đơn lẻ xảy ra ở nhiều nơi, phát triển dự án bất động sản cục bộ tận dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu, chắp vá và kết nối chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống...

Từ đó dẫn tới tình trạng mất cân đối, kẹt xe, ngập nước, không phát huy hiệu ích tập trung to lớn và khai thác tối đa giá trị đất đai.

Các yếu tố này đều có mối quan hệ tương hỗ với nhau mới hiệu quả, nếu xảy ra cục bộ có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực và tác động tiêu cực đến các hoạt động bên trong đô thị.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án, quy hoạch treo. Ngoài thiếu kinh phí thì có tình trạng chủ đầu tư không đủ năng lực, cố ý kéo dài với mục đích chiếm giữ đất đai, quy mô hoành tráng nhưng thiếu khả thi, chưa phù hợp thực tế.

Thực trạng nhiều địa phương chạy đua đề xuất lập quy hoạch nhưng chất lượng thấp và thiếu căn cứ nên khi triển khai thì không thu hút được nhà đầu tư hoặc chậm chạp, dừng nửa chừng, thậm chí bế tắc.

Nên thay đổi cách làm

Điểm sáng trong phát triển dự án, quy hoạch đa chức năng dễ thấy nhất có lẽ là khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) được tận dụng để tạo công viên, cây xanh có chiều dài hơn 600m, rộng 11.722m2 trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, tham quan, vui chơi đi bộ và tập thể dục lý tưởng cho người dân và có bố trí các chỗ ngồi, khu thể thao, sân chơi cho trẻ em.

Cách làm này tương tự nhiều nước đã thực hiện thành công, trong đó có Singapore. Hầu hết các dự án, quy hoạch liên quan đến bất động sản, công nghiệp đều được lồng ghép phát triển công viên, cây xanh với các cơ sở tích hợp để hỗ trợ không chỉ sản xuất hay làm dịch vụ, kinh doanh mà hiện thực hóa mục tiêu chung.

"Business Park" là một ví dụ với khu công nghiệp, khu nghiên cứu khoa học, khu công nghệ cao, khu văn phòng, khu thương mại, nhà ở và các khu vực chức năng khác gắn với công viên, cây xanh được trang trí cảnh quan, tiện ích nhằm mục đích vui chơi, giải trí, thể thao cho cộng đồng.

TP.HCM có những dự án, quy hoạch có thể áp dụng mô hình "Business Park" như khu đất rộng 13ha dự kiến làm công viên Gò Cát (quận Bình Tân), khu đất rộng 128ha dự kiến làm lâm viên sinh thái (TP Thủ Đức), khu đất rộng 150ha dự kiến làm công viên cây xanh Thạnh Xuân (quận 12), khu đất rộng 485ha dự kiến làm công viên Sài Gòn Safari (Củ Chi).

Nên chăng với các dự án, quy hoạch công viên đã lâu chưa thực hiện cần rà soát tổng thể để có sự điều chỉnh phù hợp.

Trường hợp vốn ngân sách cần tập trung thực hiện, xác định thời gian hoàn thành, gắn trách nhiệm cá nhân. Phân loại với hình thức xã hội hóa có thể bổ sung mục tiêu đa chức năng, lồng ghép trong phát triển đô thị, nhà đầu tư tham gia dự án sẽ đảm nhận luôn hạng mục công viên, cây xanh.

Với các dự án, quy hoạch cho phép nhà đầu tư khai thác để thu hồi vốn và có lợi nhuận như kinh doanh một phần bất động sản nhà ở, cho thuê mặt bằng với các dịch vụ nhà hàng, tiệc cưới, rạp chiếu phim, trung tâm thể dục thể thao.

Một khi được lồng ghép hoặc kết nối với các dự án, quy hoạch công viên, cây xanh thì công việc này xem như phần tạo lực vừa phục vụ cộng đồng và dự án, quy hoạch mà nhà đầu tư thực hiện được tính toán bù đắp chi phí từ việc phát triển đó.

Kể cả trong phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái nghỉ dưỡng đa tiện ích quy mô lớn cũng có thể áp dụng mở rộng không gian với lối đi bộ xung quanh bằng cách kết nối các khu vực có dự án, quy hoạch công viên, cây xanh để nhà đầu tư triển khai đồng bộ.

TP.HCM đang điều chỉnh quy hoạch chung, phân khu, chi tiết. Cần xem xét tổng thể, hướng đến quy hoạch chung và quy hoạch phân khu để tối đa hóa tiềm năng cũng như tăng tính khả thi trong thực tế.

Cơ quan quản lý chỉ cần đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, diện tích, tỉ lệ sử dụng đất, điều kiện chất lượng, chính sách áp dụng.

Đồng thời cần khai thác giá trị đất đai, phát huy tối đa hiệu quả cần có quy hoạch bài bản gắn với lợi ích lâu dài. Lồng ghép giải quyết các tồn tại ô nhiễm môi trường, kẹt xe, ngập nước, di dời nhà ven kênh rạch.

Công viên nước Đầm Sen lãi kỷ lụcCông viên nước Đầm Sen lãi kỷ lục

Báo cáo tài chính năm 2023 vừa công bố cho thấy công viên nước Đầm Sen vừa trải qua năm kinh doanh thuận lợi khi cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng cao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên