Quang cảnh hội nghị - Ảnh: NGUYỄN TRIỀU |
Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Văn Thắng - Viện khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu - cho biết các số liệu đo đạc thực tế cho thấy những tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực phía Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đến nhanh hơn dự báo và tác động ngày một nặng nề.
“Năm 2012 khi đưa ra các kịch bản dự báo về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, một số yếu tố chỉ ở mức nghi ngờ thì đến nay nó đã thực sự hiển hiện” ông Thắng nói.
Lũ lụt, hạn hán ngày một khó lường
Theo ông Thắng, những biểu hiện cực đoan của biến đổi khí hậu rõ nhất qua tần suất mưa và khô hạn bất thường diễn ra đều khắp ở các tỉnh phía Nam trong vài năm trở lại đây.
Ở nhiều tỉnh tổng lượng mưa hàng năm tăng từ 5-20% nhưng mùa mưa có xu hướng ngắn đi và xuất hiện mưa trái mùa.
“Số trận mưa giảm nhưng lượng mưa ở mỗi trận lại tăng nên khiến tình trạng ngập lụt diễn ra nhiều nơi. Sau mỗi đợt mưa là nắng kéo dài dẫn đến khô hạn, nước mặn xâm nhập sâu làm cho nhiều nơi không đủ nước sạch phục vụ sinh hoạt” ông Thắng dẫn chứng.
Trong khi đó, mực nước biển cũng có xu hướng tăng lên hàng năm trung bình 3mm, cộng với tình trạng sụt lún do khai thác nước ngầm khiến nhiều nơi bị ngập sâu, nhất là những lúc mưa to kết hợp với triều cường.
Dự báo nếu nước biển dâng 100cm sẽ gây ngập phần lớn diện tích của các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long như Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%), Cà Mau (57,69%)…
Trong đó các huyện Giang Thành, An Biên (tỉnh Kiên Giang), Long Mỹ, Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau)… sẽ có đến hơn 90% diện tích bị ngập.
Ông Trần Văn Thanh - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Sóc Trăng - cũng cho biết tình hình mưa, hạn trên địa bàn mấy năm gần đây cũng diễn biến ngày một khó lường, không còn tuân theo quy luật mùa màng, tác động trực tiếp đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Đại diện sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bến Tre thì cho hay tình trạng nước biển dâng khiến nước mặn xâm nhập càng sâu vào nội đồng.
Cuối năm 2015, đầu năm 2016 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino gây khô hạn kéo dài, kết hợp với sự khan hiếm nguồn nước từ thượng nguồn đổ về tạo nên cơn hạn mặn nặng nề nhất trong gần 100 năm qua, đến mức nhiều tỉnh phải công bố tình trạng thiên tai.
Ông Huỳnh Lê Khoa - sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM - cho biết không chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long mà ngay tại TP.HCM cũng đã hứng chịu những tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu.
Nếu như trước đây phải đến vài chục năm mới xuất hiện một trận mưa hơn 100mm, thì những năm gần đây mỗi năm có đến vài trận, thậm chí có những trận lượng mưa lên đến 200mm.
Chưa kể, kết quả đo tại trạm Tân Sơn Hòa cho thấy nhiệt độ môi trường cũng tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo ông Khoa, ở TP.HCM tình trạng xói lở cũng diễn ra hàng năm, thậm chí một số nơi diện tích đất trong sổ đỏ của người dân ở ven sông, ven biển hiện nay không còn trên thực địa.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu khai mạc - Ảnh: NGUYỄN TRIỀU |
Cần chủ động chuyển đổi
Giáo sư Trần Thục - phó chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu - cũng nhận định đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều thách thức rất lớn như gia tăng dân số, nước biển dâng, xói lở, mặn xâm nhập…
“Những thách thức đó trong một mức độ nhất định chúng ta đều có thể khắc phục được. Theo tôi, vấn đề đáng lo ngại nhất của đồng bằng sông Cửu Long hiện nay và trong những năm tới là sự suy giảm lượng phù sa từ thượng nguồn. Đây là vấn đề hết sức nan giải!” GS Trần Thục nói.
Theo GS Trần Thục, đồng bằng sông Cửu Long hiện có rất nhiều quy hoạch, cả cấp vùng và cấp địa phương, về sản xuất, xây dựng, sử dụng đất, chống ngập… Nhưng điểm yếu của các quy hoạch này là không có sự gắn kết đồng bộ với nhau nên không phát huy được hiệu quả, thậm chí gây những hậu quả ngoài tính toán.
Ông Thục dẫn chứng: “Điển hình như dự án hệ thống đê bao Ô Môn - Xà No tiêu tốn 300 triệu USD để bảo vệ 43.000ha lúa. Chưa có tính toán diện tích lúa này mỗi năm tạo ra lợi nhuận có tương xứng với khoảng đầu tư nói trên hay không, nhưng dự án này đẩy ngập sang TP Cần Thơ cho thấy cái giá của nó là quá lớn”.
Nước biển dâng có xu hướng không thể đảo ngược, những tác động của nó là không thể tránh khỏi, do đó trong điều kiện khả năng chống chịu có hạn thì giải pháp tốt nhất cho đồng bằng sông Cửu Long là phải thực hiện một cuộc chuyển đổi quy mô lớn về sản xuất và sử dụng đất.
Theo GS Trần Thục, hiện chính phú Hà Lan đã có một ý định thư về việc hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu một kế hoạch tổng thể để thích ứng vớibiến đổi khí hậu cho đồng bằng sông Cửu Long.
“Cụ thể chuyển đổi như thế nào thì đang được nghiên cứu cẩn thận. Chẳng hạn, chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm có thuận lợi là đầu ra cho con tôm rất tốt, nhưng hiện nay lại có câu chuyện nuôi tôm “1 vụ trúng 3 vụ thất” do dịch bệnh.
Hay chuyển từ trồng lúa sang cây ăn quả cũng là một hướng, nhưng thu hoạch xong trong vòng 5 ngày không bán được là hư thối hết vì không có nhà máy chế biến, không có kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch.
Để chuẩn bị cho cuộc chuyển đổi quy mô lớn thì đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu và giải quyết được những bài toán như thế” ông Thục phân tích. Và theo ông Thục, quá trình nghiên cứu và thực hiện chuyển đổi này đòi hỏi phải có sự tham gia trực tiếp của người dân.
Ông Đặng Hữu Lạc - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Cà Mau - cho hay địa phương này cũng nhận thấy việc chuyển đổi sản xuất là cần thiết nhưng hiện nay lại vướng quy hoạch sử dụng đất.
“Thế mạnh của Cà Mau là con tôm, nhưng về quy hoạch chúng ta bắt buộc Cà Mau phải có lúa. Cây lúa Cà Mau chỉ nhờ vào nước trời, nếu tới đây mưa không còn đủ nước cho cây lúa thì liệu có giữ được cây lúa, cây tràm thì phải làm thế nào?” ông Lạc đặt vấn đề.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết việc quy hoạch sử dụng đất như thế nào để chuẩn bị cho cuộc chuyển đổi quy mô lớn ở đồng bằng sông Cửu Long là cực kỳ quan trọng và phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.
“Từ nay đến lúc thực hiện cuộc chuyển đổi đó, tôi mong muốn các địa phương khi xây dựng các kế hoạch, dự án thích ứng biến đổi khí hậu cho địa phương mình cần chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin với các tỉnh trong vùng để bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả” ông Võ Tuấn Nhân đề nghị.
Việt Nam xếp thứ 27 về phát thải khí nhà kính Tại hội nghị, ông Phạm Văn Tấn - phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và môi trường - cho biết số liệu cập nhật đến tháng 8-2017 cho thấy trong số 195 quốc gia đã ký Thỏa thuận Paris, Trung Quốc là nước dẫn đầu về lượng phát thải khí nhà kính với với 20,09%. Mỹ là quốc gia xếp thứ hai với 17,89% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, nhưng Mỹ vừa tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này. Việt Nam xếp thứ 27 trong số 195 nước, với lượng phát thải khí nhà kính chiếm 0,72%. Thỏa thuận Paris được các quốc gia ký kết tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc năm 2015 tại Paris (Pháp) với nội dung chính là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở 1,5 độ C. Thỏa thuận cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, mỗi năm cung cấp 100 tỉ USD cho các nước đang phát triển và cam kết duy trì cung cấp tài chính cho các năm tiếp theo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận