Tại buổi làm việc, bà Anjali Acharya đã giới thiệu về các bước hình thành dự án “Phát triển nông thôn tổng hợp nhằm cải thiện khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” trị giá 300 triệu USD, nguồn vốn của WB, với các hợp phần như xây dựng hệ thống thông tin vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đầu tư tăng cường năng lực, thể chế để tạo ra liên kết liên vùng, liên ngành hiệu quả Đồng bằng sông Cửu Long; hợp phần giải pháp để đầu tư, xác định vùng đầu tư chính và hợp phần quản lý dự án.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ở Việt Nam nhưng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của biến đổi khí hậu như lượng mưa, nhiệt độ, tình hình nước biển dâng, xâm nhập mặn, tình trạng ngập nước…
An Giang và Đồng Tháp là hai tỉnh ở vùng thượng nguồn sông Mekong, hàng năm tình trạng ngập lũ, cũng như khô hạn có ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh cuối nguồn sông Cửu Long như Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh…
Dự án “Phát triển nông thôn tổng hợp nhằm cải thiện khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm đưa ra giải pháp liên ngành, liên vùng, đa lĩnh vực sản xuất và quan tâm đến đời sống của người dân trong các vùng khác nhau.
An Giang là tỉnh có sản lượng lương thực duy trì nhiều năm là 4 triệu tấn/năm, xuất khẩu gạo cũng nhiều, nhưng đời sống người dân vẫn còn nghèo.
Trong 5 năm qua, An Giang chịu ảnh hưởng nhiều từ biến đổi khí hậu, gây thiệt hại cho tỉnh khoảng 1.500 tỷ đồng.
An Giang đang tập trung thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển mạnh cây rau, màu với chất lượng tốt cho xuất khẩu, phát triển nuôi thủy sản theo hướng đa dạng, phát triển nuôi bò, lợn.
Thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tác hại đến sản xuất và sinh kế người dân, ngoài việc thực hiện các chương trình như bảo tồn và phát triển cây lúa mùa nổi, quản lý tốt và bảo tồn các giống loài thủy sản ở Búng Bình Thiên cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hay bảo tồn diện tích rừng phòng hộ đồi núi với diện tích 10.000ha, có tác dụng bảo vệ môi trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
An Giang sẽ chú trọng quan tâm đến phát triển các cây, con sử dụng nguồn nước ít, hợp lý, quản lý nguồn nước ngọt, kiểm soát lũ…
Dự án này của WB sẽ giúp cho tỉnh An Giang làm tốt hơn việc quản lý sản xuất, liên kết vùng, liên kết ngành để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận