Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Climate Change ngày 15-4 cho thấy đại dương chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang khiến cá mập, cá đuối và các loài khác chạy trốn khỏi vùng nước ngày càng nóng lên ở vùng nhiệt đới để rồi giết chúng bởi những khối nước cực lạnh dâng lên từ biển sâu.
Nhóm nghiên cứu tập trung vào sự kiện sinh vật biển chết hàng loạt xảy ra ở vùng biển Nam Phi vào tháng 3-2021 khi một khối nước lạnh đột ngột dâng lên trong khu vực, khiến nhiệt độ đại dương giảm mạnh. Sự kiện này giết chết hơn 260 sinh vật biển thuộc ít nhất 81 loài khác nhau, bao gồm các loài cá, động vật có vỏ, mực, bạch tuộc, cá đuối và cá mập, theo trang NewScientist.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đại dương ngày càng nóng lên. Tuy nhiên, sự thay đổi của gió và các dòng hải lưu có thể khiến nước biển đột ngột lạnh đi. Nhiệt độ bề mặt đại dương có thể giảm nhanh chóng khoảng 10 độ C chỉ trong vòng 1-2 ngày.
Khi những thay đổi này kéo dài vài ngày hoặc vài tuần, khu vực này sẽ trải qua một "đợt lạnh", trái ngược với đợt nắng nóng quen thuộc trên biển.
Ông Nicolas Lubitz, làm việc tại Đại học James Cook (Úc), và các đồng nghiệp đã nghiên cứu dữ liệu trong 41 năm về nhiệt độ bề mặt nước biển và dữ liệu về gió trong 33 năm qua để đánh giá việc khối nước lạnh dâng lên ở hai vùng bị ảnh hưởng bởi dòng hải lưu ấm Agulhas (châu Phi) và dòng hải lưu ấm Đông Úc.
Nhóm kết luận các dòng hải lưu mạnh hơn và thay đổi hướng gió, đều xảy ra cùng với biến đổi khí hậu, đang làm tăng tần suất và cường độ nước lạnh dâng lên trong cả hai khu vực trên.
Hầu hết các sinh vật biển sống gần các dòng hải lưu này đều thích nghi với những biến động đột ngột về nhiệt độ nước biển và có thể ứng phó với những thay đổi này. Tuy nhiên, nghiên cứu cảnh báo các loài di cư, trong đó có cá mập bò, sẽ gặp nguy hiểm nếu rơi vào điều kiện này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận