Buổi sáng hôm ấy tôi đi tái khám. Căn bệnh viêm gan siêu vi B khiến tôi trở thành khách hàng quen thuộc của bệnh viện này bảy, tám năm nay. Lấy số xong, tôi chợt thấy phòng nhận bệnh phía sau có gì đó chộn rộn bèn ghé mắt nhìn vào, thì ra đang có ca cấp cứu.
Các bác sĩ, y tá đang nỗ lực kích tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân, một người đàn ông tay chân khẳng khiu, bụng báng, da ngăm đen xanh tái. Cửa phòng đóng lại, tôi không biết điều gì tiếp diễn bên trong, và nhìn thấy gần đó một người phụ nữ dáng vẻ lam lũ đang nhấp nhổm không yên.
Lát sau cửa phòng bật mở, vị bác sĩ trẻ khuôn mặt mướt mồ hôi bước ra nói vài câu vắn tắt với người phụ nữ. Chị gần như khuỵu xuống, ánh mắt thảng thốt, nét mặt rúm ró, chiếc giỏ xách lỉnh kỉnh đồ thăm nuôi ngả nghiêng dưới chân. Đứng gần bên, tôi nghe tiếng nấc nghẹn từ đôi môi dày của người đàn bà không quen biết ấy: "Cứ vậy mà đi, chẳng nói năng gì, chẳng trối lại lời nào sao...?".
Bất chợt, tôi cảm thấy một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng...
Ám ảnh ánh mắt thảng thốt
Trước năm 1975 tôi là y tá phòng cấp cứu - lựa thương một bệnh viện dã chiến của quân đội cộng hòa và đã có thời gian "phụ trách" nhà vĩnh biệt (tên gọi nhà xác hồi đó), nên từng chứng kiến thôi thì đủ các kiểu cách... chết trong thời buổi chiến tranh.
Va chạm với "sự chết" nhiều, riết rồi "chai" nhưng tôi lại luôn xúc động bởi những giọt nước mắt, vẻ đau khổ tột cùng của những người cha, người mẹ, người vợ, người con... trước sự ra đi của người thân. Có vẻ như không thể có lời nào đủ để diễn tả hết nỗi tuyệt vọng, đau đớn đến tột cùng của họ.
Những lúc ấy, tôi chỉ biết chia sẻ nỗi đau cùng họ bằng cách cố làm tốt những điều có thể. Lâu lắm rồi tôi mới lại có cảm giác lạnh người khi bắt gặp ánh mắt thảng thốt tuyệt vọng kia. Khoảnh khắc ấy bỗng làm tôi - nói thế nào nhỉ - như sực tỉnh cho dù tôi vẫn đang tỉnh thức, vẫn đi lại sinh hoạt rất đỗi bình thường.
Tôi như nhìn thấy hình ảnh của chính mình qua người đàn ông bụng báng vừa rời xa dương thế, và xót xa nhất là nhìn thấy hình ảnh của vợ con tôi qua nét mặt rúm ró, khổ đau của người đàn bà không quen biết.
Tại sao không khi tôi đang mang trong người căn bệnh viêm gan không thuốc chữa dứt, có khả năng dẫn đến xơ gan, ung thư gan rất cao. Điều đáng nói là tôi lại đang... khinh thường nó, gần tám năm với bốn lần đổi thuốc, virút vừa âm tính đó lại "vượt ngưỡng" liền đó cũng bởi tôi cứ "sáng thuốc chiều men": sáng uống thuốc, chiều cặp kè cùng... men rượu, men bia!
"Lì tướng quân" trên bàn nhậu
Tôi được coi là dân nhậu "có số má". Làm nghề tự do, kết giao với nhiều bằng hữu cùng sở thích, chúng tôi thường tụ tập ăn nhậu, tất nhiên là sau khi xong việc nhưng cũng không hiếm khi công việc đang dở cũng cứ... chơi luôn!
Ngoài ra còn nhiều mối quan hệ chằng chéo khác rồi đám tiệc vân vân, thành thử nhậu hằng ngày, nhậu... triền miên, túy lúy. Các "nhậu thủ" phong cho tôi ngoại hiệu "lì tướng quân" bởi cái tánh nhậu "lì", không chạy. Được cái công việc vẫn lo tròn, nhậu say mà... tỉnh, không quậy, nhưng lắm lần cũng hút chết bởi chạy xe xỉn trên đường.
Có thể nói tôi đã coi nhậu nhẹt như là "niềm vui sống" nên đâu dễ gì từ bỏ cho dù sau này phát hiện viêm gan. Hơn ai hết, tôi biết gan của mình yếu lắm rồi qua những biểu hiện trên cơ thể, nhưng... mặc kệ. Bệnh, mệt mỏi là thế nhưng hễ chiến hữu hú một tiếng là tôi có mặt ngay trên từng cây số. Uống không được thì... nhấp nhấp dụ dụ một chập là "tới luôn", bất chấp ngày mai phải nằm... "thở oxy".
Những lúc nằm dài vật vạ vì men rượu tôi cũng đã nghĩ ngợi, mình nhậu như vầy không phải phí sức mà chính là phá sức. Lúc ấy tôi mới U-60 mà "sở hữu" cả lô bệnh tật: gan, dạ dày, tiểu đường, huyết áp..., so với lắm người tuổi cao hơn nhưng vẫn mạnh cùi cụi, chẳng phải do lối sống thì là gì nữa chứ!
Bỏ ngay, bỏ "cái rụp"!
Ánh mắt và tiếng nấc của người đàn bà ấy đã làm tôi mất ngủ mấy đêm liền. Thực tình tôi cũng không sợ... chết cho lắm, bởi suy cho cùng, ai lại chẳng phải chết một lần, thành ra tôi mới có kiểu cách nhậu liều như thế.
Những tiệc nhậu triền miên đã lấy đi của tôi không chỉ sức khỏe mà còn rất nhiều thời gian quý báu, đáng ra dành cho gia đình, cho vợ con - những người tôi hết lòng yêu quý nhưng quãng đời vừa qua sao lại quá hời hợt, vô tâm. Nếu cứ đà này thì sớm thôi, phải chăng rồi tôi cũng sẽ trở thành người đàn ông bụng báng, "đi" mà không kịp nói năng gì với vợ con mình...
Tôi nung nấu quyết tâm thay đổi lối sống, quyết dành khoảng thời gian còn lại của đời mình cho gia đình, và không cách nào khác là... bỏ nhậu! Bỏ ngay, bỏ "cái rụp", không từ từ gì cả. Sẵn lý do chính đáng viêm gan, tôi từ chối những lời mời gọi của chiến hữu. Buộc phải dự đám tiệc, ngồi vào bàn tôi tự chế nhạo mình trước (một "lì tướng quân" ngày nào, giờ...) rồi "trân mình" dùng nước lọc. Mọi sự ban đầu có hơi bị khó nhưng rồi đâu vào đó.
Bỏ nhậu, đầu óc tôi trở nên tĩnh mĩnh hơn, không còn cái trạng thái ngầy ngật lưu niên. Và ngẫm ngợi, nghiệm thấy "văn hóa nhậu" trước đây của mình quả là... có vấn đề. Bản lĩnh đàn ông phải đâu là tửu lượng càng cao càng chất, mà chính là biết tự kiểm soát hành vi, "vui có chừng, dừng đúng lúc", biết từ chối bia rượu khi cần cũng như chớ nên "ép người quá đáng"...
Sống trong vòng tay ấm áp của gia đình, tôi còn nhận ra sức khỏe nào phải của riêng mình để muốn xài sao thì xài, mà đó còn là một thứ "tài sản chung" mỗi người phải biết chung tay gìn giữ như gìn giữ niềm vui.
Tôi - bây - giờ - yêu - gia - đình
Quyết tâm thay đổi lối sống mang lại nhiều điều tích cực, tôi ăn uống sinh hoạt lành mạnh, thế nhưng cũng không ngăn được diễn biến xấu của bệnh. Khoảng hai năm sau khi bỏ nhậu, từ xơ gan chuyển sang ung thư, tôi được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật cắt khối u ác tính.
Tôi bình tĩnh chấp nhận, còn tự cười vì bị vậy là "đúng người đúng tội, bụng làm dạ chịu chẳng oan ức gì" và lẳng lặng chuẩn bị phòng tình huống xấu nhất. Nếu tôi có "đi" thì cũng không gì là đột ngột, hi vọng vợ con cùng các cháu nội ngoại không quá đau buồn, chuyện đến tất phải đến thôi mà...
Rất may, một năm sau mổ sức khỏe tôi tương đối ổn, vẫn có thể đi bơi đều đặn, sinh hoạt và làm được một số việc bình thường. Ôi, khác với thời đắm chìm trong men rượu, tôi - bây - giờ - yêu - gia - đình, yêu những mối quan hệ thân tình, yêu cuộc đời tươi đẹp này biết bao nhiêu!
Những gì tôi viết lên đây như một sự tự kiểm, bêu gương, cái gương đen nên phòng, nên tránh. Sa đà lạm dụng bia rượu, ngoài bệnh tật còn kéo theo nhiều hệ lụy lắm khi kinh hoàng khác nữa hẳn ai nấy đều biết cả, nhưng người trong cuộc thường chẳng bận tâm, hoặc cố lấp liếm che chắn tại - bị - bởi - vì...
Có câu "thái quá bất cập" và ai đó đã nói đại ý: "Tôi rất thích bia nên luôn uống vừa đủ, uống chừng mực để còn được... nhậu dài dài", gẫm lại thật chí lý lắm thay!
Từ ngày 19 đến 22-10, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Nguyễn Thị Út Mơ, Trần Thị Thùy Dung, Trần Thị Thà, Trương Ngọc, Nguyễn Hữu Bửu Châu (TP.HCM); Nguyễn Xuân Hòa, Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Duy Khánh (Hà Nội); Nguyễn Xuân Thảo (Đắk Lắk); Trần Hoài Phong (Tiền Giang); Lê Đức Đồng (Sóc Trăng).
Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Bài dự thi xin gửi về báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi") hoặc email khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn. Trân trọng.
Đồng hành cùng cuộc thi này
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận