15/09/2011 01:29 GMT+7

Bị trầm cảm có nên mang thai?

XUÂN DIỆU
XUÂN DIỆU

TT - Chị N.T.T.P., 28 tuổi, bị trầm cảm mười năm. Trong suốt mười năm, chị P. phải vật lộn với căn bệnh của mình bằng nhiều cách để thỏa mãn ước mơ có con. Nhưng trầm cảm cứ đeo đẳng khiến chị không thể có con dù đã áp dụng nhiều liệu pháp trị liệu.

Lúc đầu bệnh khởi phát, chị P. tự mình tìm hiểu cách chữa trị, rồi dùng những phương pháp như tập yoga, viết nhật ký, có lúc thuyên giảm nhưng có lúc chị rơi vào tình trạng tự cao, hoang tưởng về bản thân.

Vòng luẩn quẩn

Bệnh trầm cảm có hai thể chính là giảm tiếp xúc và thể nhạy cảm, dễ bức xúc, nói nhiều. Nếu bệnh không cải thiện mà tiếp tục kéo dài là khởi điểm của những chứng bệnh tâm thần nặng hơn.

Sợ thuốc điều trị ảnh hưởng đến thai nhi nên với mong muốn có con, chị P. ngừng dùng thuốc. Nhưng điều này lại khiến tình trạng bệnh của chị tái phát mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Ban Mai - trưởng khoa phụ sản 2 Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM - nói: “Khi rơi vào vòng luẩn quẩn này, ngoài áp lực về mặt bệnh tật cộng với áp lực muốn có con khiến người mẹ khó thụ thai hơn, lâu ngày có thể dẫn đến vô sinh. Từ chuyện vô sinh lại làm người mẹ bị trầm cảm nặng thêm”.

Cũng theo bác sĩ Mai, trong sản khoa, thời kỳ đầu mang thai, bất cứ loại thuốc gì trong điều trị cũng nên tránh, thậm chí thuốc bổ nếu không cần thiết cũng không nên dùng. Những thuốc điều trị trầm cảm lại được liệt vào loại thuốc độc tố có tác dụng an thần, ảnh hưởng không tốt cho thai nhi.

Làm sao thoát khỏi?

Theo bác sĩ Lưu Xuân Thu - chuyên khoa nội thần kinh Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, trầm cảm có khá nhiều nguyên nhân: sau chấn động tinh thần về cuộc sống - xã hội - gia đình, mang những bệnh mãn tính khó trị, sau những bệnh lý của não bộ... Bệnh trầm cảm có nhiều mức độ và giai đoạn của bệnh phụ thuộc vào điều trị và cải thiện môi trường.

Chị C.M.T.T. từng bị trầm cảm trong giai đoạn đầu của thai kỳ do chấn động tinh thần trong cuộc sống vợ chồng. Nhưng chị là một trong những bệnh nhân thoát ra được tình trạng của mình. Chị T. kể thời gian đó với chị “rất kinh khủng”. Một mình vật lộn với đứa con đầu lòng, chưa có kinh nghiệm làm mẹ, không có chồng bên cạnh, người thân thì không gần gũi để chăm sóc. Chị đặt những câu hỏi để suy xét vấn đề, tự thoát ra bằng cách hướng về đứa con trong bụng làm động lực. Chị T. chia sẻ: “Điều quan trọng phải tự nhận thức mình không phải là con bệnh”.

Chị T. may mắn được bạn bè hướng dẫn phương pháp thiền. Khi thực hiện những phương pháp hít thở, tập trung lắng nghe cơ thể..., chị thấy mình nhẹ nhàng hơn. Rồi chị viết, viết hết nỗi lòng của mình ra những con chữ. Theo chị, đó là cách giúp chị và con thoát khỏi trầm cảm.

Đồng ý với quan điểm đó, bác sĩ Mai cho rằng chính bản thân người trầm cảm tự nhận thức và thoát ra là yếu tố quan trọng nhất. Còn theo bác sĩ Thu, người thân rất quan trọng trong việc giúp bệnh nhân, như động viên chăm sóc, tạo cuộc sống nhẹ nhàng, đặc biệt người chồng phải quan tâm, phát hiện sớm, kịp thời, tránh tình trạng bệnh trở nặng. Còn bản thân sản phụ phải tìm kiếm suy nghĩ tích cực, tránh những yếu tố khiến mình nặng nề.

Theo kết quả của nghiên cứu đăng trên tạp chí Dị Ứng, Hen Và Miễn Dịch Học Hoa Kỳ mới đây, bà mẹ bị trầm cảm, lo âu, stress trong khi mang thai sẽ liên quan đến nguy cơ bị hen suyễn của con sau khi sinh. Tuy nhiên, bác sĩ Thu cho rằng trong thời gian điều trị trầm cảm, người mẹ vẫn có thể có thai và sinh con. Nhưng để có một chu kỳ mang thai tốt và sinh con khỏe mạnh, cần được tư vấn trực tiếp với bác sĩ điều trị và bác sĩ sản khoa.

XUÂN DIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên