15/04/2020 09:35 GMT+7

Bị phản ứng nhận tờ khai lúc nửa đêm: Hải quan nói không có lợi ích nhóm

L.THANH - B.ĐẤU  - C.QUỐC - K.TÂM
L.THANH - B.ĐẤU - C.QUỐC - K.TÂM

TTO - Tổng cục Hải quan cho biết tiếp thu đề xuất nên thông báo trước giờ mở mạng tiếp nhận tờ khai xuất khẩu gạo và khẳng định không có lợi ích nhóm.

Bị phản ứng nhận tờ khai lúc nửa đêm: Hải quan nói không có lợi ích nhóm - Ảnh 1.

Hàng chục tàu chở gạo nằm chờ thông quan nhiều ngày nay ở cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Trong khi đó, các doanh nghiệp, địa phương vẫn bức xúc và đề nghị nới thêm lượng xuất khẩu gạo.

Từ trước đến nay cơ quan hải quan chưa bao giờ thông báo giờ mở nhận tờ xuất nhập khẩu mặt hàng nào. Việc doanh nghiệp kiến nghị cơ quan hải quan nên thông báo trước giờ mở mạng tiếp nhận tờ khai xuất khẩu gạo, chúng tôi xin được tiếp thu.

Ông MAI XUÂN THÀNH

Kê khai hải quan như "canh ăn trộm"

Chiều 14-4, ông Trần Hoàng An - tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Agimex) - cho biết trong gói 400.000 tấn gạo được xuất khẩu, đơn vị này "may mắn" được xuất 1.500 tấn gạo.

"Nhờ các anh em trẻ thức đêm nhiều nên may mắn. Hải quan làm như vậy tội cho tụi tui quá" - ông An nói.

Lãnh đạo Agimex cho biết tổng số lượng hợp đồng đã ký và chưa giao từ nay đến hết tháng 5 của doanh nghiệp phải giao 20.000 tấn gạo. Riêng tháng 4 phải giao ít nhất 10.000 tấn.

"Tôi mong việc điều hành xuất khẩu gạo của hải quan phải công bằng, minh bạch chứ đừng có kiểu mở ban đêm làm các doanh nghiệp ngồi canh như "canh ăn trộm" là không ổn. Nếu hải quan mở tờ khai điện tử thì cứ xếp hàng ngay ngắn hoặc Chính phủ phân bổ hạn ngạch cho từng tỉnh để tỉnh phân bổ lại" - ông An đề xuất.

Bà Đặng Thị Liên - giám đốc Công ty TNHH Lương thực, thực phẩm Long An - cho biết bà đăng ký được 1.300 tấn gạo trong hạn ngạch 400.000 tấn. Số gạo này đã đưa lên TP.HCM. Đến khi đăng ký được thì lượng hàng hóa nằm tại cảng này được đưa vào luồng đỏ, buộc phải đưa hàng về Long An để kiểm hóa. Việc này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Bà Liên nhận định việc phần mềm tự động của hải quan mở lúc nửa đêm khiến có doanh nghiệp đăng ký tới 96.000 tấn (chiếm gần 1/4 hạn ngạch) nhưng cũng không bị ngắt. Vì vậy, theo bà Liên, Chính phủ, Bộ Công thương cần phân chỉ tiêu về cho các tỉnh.

Ngoài ra bà Liên cũng kiến nghị Chính phủ cần cho xuất khẩu thêm ngoài hạn ngạch 400.000 tấn hoặc có cần giảm bớt số lượng của doanh nghiệp khai quá nhiều.

Không có trục lợi chính sách?

Trước thông tin một loạt thương nhân xuất khẩu gạo bức xúc về việc không xuất khẩu được gạo do cơ quan hải quan mở mạng tiếp nhận tờ khai lúc nửa đêm mà không có bất kỳ thông báo nào, trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 14-4, ông Mai Xuân Thành - tổng cục phó Tổng cục Hải quan - cho biết từ trước đến nay cơ quan hải quan chưa bao giờ thông báo giờ mở nhận tờ xuất nhập khẩu mặt hàng nào.

"Vì hệ thống điện tử nên doanh nghiệp thực hiện khai và nộp tờ khai điện tử 24/7, mọi lúc mọi nơi. Việc doanh nghiệp kiến nghị cơ quan hải quan nên thông báo trước giờ mở mạng tiếp nhận tờ khai xuất khẩu gạo thì chúng tôi xin được tiếp thu" - ông Thành nói.

Về việc dư luận đặt nghi vấn có dấu hiệu trục lợi chính sách khi thực hiện xuất khẩu 400.000 tấn gạo, trao đổi với báo chí ngày 14-4, ông Nguyễn Văn Cẩn - tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - khẳng định không có chuyện này. Bởi hệ thống thông quan điện tử của Hải quan Việt Nam được Chính phủ Nhật Bản tài trợ và đã được thông quan từ mấy năm nay.

Tất cả tờ khai, thủ tục hải quan đều thực hiện trên điện tử 24/7, không có sự can thiệp, tác động của công chức hải quan và không có trục lợi chính sách.

Về việc thực hiện xuất khẩu 400.000 tấn gạo, ông Cẩn cho biết từ 0h ngày 12-4, hệ thống thông quan của hải quan mở mạng tiếp nhận tờ khai. Theo đó các doanh nghiệp tự động đăng ký tờ khai giống như các hàng hóa khác nhưng chỉ khác điều kiện là chỉ giới hạn trong 400.000 tấn gạo.

"Từ 0h đến 6h15 ngày 12-4, các doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo và trên hệ thống thể hiện tổng số lượng gạo đạt gần 399.990 tấn. Như vậy, số còn dư là gần 11 tấn. Do vậy, các doanh nghiệp gửi tờ khai mà đăng ký xuất khẩu lớn hơn 11 tấn thì hệ thống không chấp nhận" - ông Cẩn giải thích.

Với nhiệm vụ quản lý hải quan, để đảm bảo công khai minh bạch và hoạt động việc xuất khẩu gạo của doanh nghiệp, theo ông Cẩn, Tổng cục Hải quan sẽ cập nhật 1 giờ/lần về lượng gạo đã được mở tờ khai đăng ký xuất khẩu, lượng gạo thực chất xuất trong tháng và lượng hạn ngạch xuất khẩu còn lại trên website của Tổng cục Hải quan.

Sẽ điều chỉnh giá mua gạo dự trữ quốc gia

Chiều 14-4, ông Đỗ Việt Đức - tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ - cho biết đến nay lượng gạo dự trữ quốc gia mới chỉ mua được 7.700 tấn, chiếm 4% kế hoạch giao của năm. Lý do hầu hết các doanh nghiệp đã trúng thầu nhưng không ký hợp đồng vì giá thời điểm mở thầu thấp hơn hiện nay.

Ông Đức cũng chia sẻ thêm đang hoàn thiện báo cáo trình Bộ Tài chính, Chính phủ cho đấu thầu lại lượng gạo dự trữ của năm nay theo giá thị trường. Nếu cứ giá như cũ thì kế hoạch Thủ tướng giao năm nay đảm bảo dự trữ quốc gia là 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Trao đổi về đề xuất của Bộ Công thương nên tăng dự trữ quốc gia thêm 400.000 tấn đề phòng cho mọi tình huống xảy ra, ông Đức cho biết đó mới là đề xuất của Bộ Công thương. Trường hợp tăng lượng dự trữ quá lớn như vậy, ông này cho hay không có kho chứa. Mặt khác việc mua bao nhiêu còn cân đối vào khả năng sử dụng hằng năm.

"Khoảng hai tháng nữa là bà con thu hoạch vụ hè thu rồi. Việc tăng lượng dự trữ quốc gia thêm 400.000 tấn gạo như Bộ Công thương đề xuất Chính phủ có thực sự cần thiết và phù hợp?" - ông Đức đặt câu hỏi.

Trong khi đó, ông Lê Văn Nưng - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho rằng đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp và nông dân xuất khẩu gạo vì được giá cao, nếu bỏ qua giai đoạn này rất khó cho doanh nghiệp và bà con nông dân. Hiện tại dù hết hạn ngạch 400.000 tấn gạo nhưng lượng tồn kho ở An Giang và các tỉnh ĐBSCL rất lớn.

"Tôi đề nghị Tổng cục Hải quan làm sao phải có sự công bằng giữa các doanh nghiệp và nên công khai minh bạch khi cấp hạn ngạch xuất khẩu. Hoặc giao chỉ tiêu cho từng tỉnh để tỉnh phân bố lại" - ông Nưng đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Cẩn (tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan):

Mua đủ gạodự trữ mới cho xuất khẩu

nguyen van can 111 2(read-only)

Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính đã có văn bản kiến nghị với Bộ Công thương và Chính phủ. Quan điểm là phải thu mua đủ lượng gạo dự trữ quốc gia mới cho xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì nên xem xét đấu thầu hạn ngạch, hoặc vẫn cho trừ lùi trên hệ thống tờ khai hải quan như hiện nay nhưng phải khống chế lượng tờ khai tối đa là bao nhiêu.

Vụ hè thu sắp cho thêm 11 triệu tấn thóc

Về nguồn cung thóc gạo trong nước, Bộ NN&PTNT cho biết dự kiến sản lượng năm 2020 đạt tới 43,5 triệu tấn thóc. Vụ đông xuân dự kiến sản lượng ước 20,2 triệu tấn. Các vùng như Đông Nam Bộ, trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên... đang bắt đầu cho thu hoạch.

Vụ hè thu sắp tới sẽ thu hoạch từ ngày 15-6 đến 30-9 và sản lượng ước đạt 11 triệu tấn thóc. Tiếp theo vụ thu đông tại các tỉnh vùng ĐBSCL sản lượng ước đạt thêm 4,2 triệu tấn thóc, thu hoạch từ ngày 15-9 đến 15-11...

"Mục tiêu đạt 43,5 triệu tấn thóc để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là hoàn toàn khả thi" - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nói.

Về xuất khẩu gạo, trong 3 tháng đầu năm, sản lượng gạo xuất khẩu tăng 20%, nhưng mới lên 1,67 triệu tấn. Bộ NN&PTNT dự tính sản lượng gạo xuất khẩu cả năm 2020 từ 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo (tương đương 13 - 13,4 triệu tấn thóc).

Chí Tuệ

Căn cứ nào chỉ cho xuất khẩu 400.000 tấn?

Trả lời Tuổi Trẻ về căn cứ nào để đề xuất mức xuất khẩu chỉ 400.000 tấn trong tháng 4, một lãnh đạo của Bộ Công thương cho biết cơ sở là từ thông tin Bộ NN&PTNT. Theo đó, lượng gạo hàng hóa của vụ đông xuân có thể xuất khẩu là 3 triệu tấn, tính cả lượng gối đầu từ năm 2019 chuyển qua là 3,2 triệu tấn.

thu hoach lua 1 2(read-only)

Nhiều ý kiến cho rằng gạo ở ĐBSCL vẫn dồi dào, nên tính toán cho xuất khẩu nhiều hơn 400.000 tấn trong tháng 4-2020 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Như vậy, với tốc độ xuất khẩu 25.000 tấn/ngày như trong tháng 3, ước tính lượng gạo xuất khẩu tới 31-3 sẽ khoảng 1,7 triệu tấn. Lượng gạo có thể xuất khẩu còn lại chỉ khoảng 1,5 triệu tấn.

Trong khi đó nhu cầu an ninh lương thực trong tháng 4 và tháng 5-2020, cần khoảng 300.000 tấn để thực hiện mua vào năm 2020 của Tổng cục Dự trữ nhà nước. Đồng thời, cần giữ lại thêm 400.000 tấn để dự phòng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong tháng 4 và tháng 5.

Như vậy tổng lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong 2 tháng, trước khi có vụ hè thu sẽ là 700.000 tấn. Bộ này tính toán với số lượng giữ lại này, mỗi người dân sẽ dự phòng thêm 7,3kg gạo.

Do đó lượng gạo cho phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 chỉ còn 800.000 tấn. Nên trước mắt trong tháng 4 cho xuất khẩu 400.000 tấn và trên cơ sở tình hình dịch bệnh sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định phương án xuất khẩu cho tháng 5.

NGỌC AN

Sau vụ mở tờ khai nửa đêm: Kiến nghị giao hạn ngạch xuất khẩu gạo cho địa phương Sau vụ mở tờ khai nửa đêm: Kiến nghị giao hạn ngạch xuất khẩu gạo cho địa phương

TTO - Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành và doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của ĐBSCL tiếp tục gửi kiến nghị Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành liên quan sau khi hải quan mở tờ khai điện tử nửa đêm cấp hạn ngạch xuất khẩu cho 400.000 tấn gạo.

L.THANH - B.ĐẤU - C.QUỐC - K.TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên