Sáng 2-12, Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM thông tin về trường hợp bà T., 63 tuổi, ở tỉnh Tiền Giang, bị áp xe buồng trứng, nhiễm trùng huyết, suýt tử vong vì hóc xương cá. Đây là một trường hợp rất hiếm gặp.
Cách thời điểm nhập viện 20 ngày, bà T. thấy hơi đau ở bụng, cơn đau tăng dần đến mức không thể chịu đựng được. Do vị trí đau ở vùng bụng dưới, nghĩ bà bị bệnh phụ khoa nên người nhà đã đưa bà đến Bệnh viện Hùng Vương cấp cứu trong tình trạng lơ mơ.
Nhịp tim bà T. rất nhanh nên bác sĩ phải cho thở oxy qua mask. Hình ảnh siêu âm sau đó ghi nhận nhiều ổ mủ trong bụng. Đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết nặng, cần tiến hành phẫu thuật ngay.
PGS.TS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - trưởng khoa sanh (Bệnh viện Hùng Vương) - đã lập tức khởi động phương án xử lý ngay trong đêm, với sự phối hợp của các bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ca mổ kéo dài hơn bốn giờ đồng hồ, bác sĩ của hai bệnh viện đã phát hiện trong khoang bụng bệnh nhân có gần hai lít dịch có mủ xanh đặc, rất hôi. Buồng trứng và ống dẫn trứng bên trái bị phình to 15cm, chứa toàn mủ đặc, dính sát vào đoạn cuối của ruột già.
Các bác sĩ đã bóc tách cắt toàn bộ khối áp xe và phát hiện mảnh xương cá dài 3,5cm như một chiếc gai đã đâm xuyên ruột chui vào ổ bụng.
Sau khi lấy xương cá ra, tình trạng bệnh nhân vẫn còn tiếp tục nhiễm trùng nặng do lỗ thủng ruột lâu ngày và viêm phúc mạc lan tỏa nặng, nên được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị tổn thương ruột.
Đến sáng 2-12, tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định.
Nuốt xương cá do mải nói chuyện lúc ăn
Trò chuyện với bác sĩ sau phẫu thuật, bà T. cho biết do mải nói chuyện trong lúc ăn bà đã nuốt chiếc xương cá mà không biết.
Theo các bác sĩ, nhiều người chỉ nghĩ bị hóc xương cá khi bị mắc kẹt ở cổ họng, tuy nhiên xương cá khi lọt vào khoang bụng lại là mối nguy hiểm tiềm ẩn rất lớn, có thể làm thủng dạ dày, nguy hiểm đến tính mạng.
Từ trường hợp trên, các các sĩ khuyến cáo mọi người không được cố nuốt cơm, uống nước, uống giấm khi xương cá mắc kẹt trong cổ họng và nên đến bệnh viện để được điều trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận