Nhiều ngày thâm nhập các tiệm cầm đồ, chúng tôi tìm hiểu những chiêu thức lách luật, độ liều của chủ tiệm cùng nhiều bí mật khó ngờ khác.
Có chút vốn, Trần Bắc (ngụ quận 7, TP.HCM) quyết định mở tiệm cầm đồ sau khi nghe bạn bè rỉ tai "nghề sống được". Không rành thủ tục, ông chủ 27 tuổi mướt mồ hôi nhờ dịch vụ bao trọn gói. Bí ẩn ra đời một tiệm cầm đồ bắt đầu từ đây.
Trăm sự nhờ "cò"
Theo tư vấn của anh em trong nghề, Bắc gặp B.T.T. (ngụ quận 7) nhờ chạy hồ sơ, thủ tục. "T. hứa một tháng sau sẽ ra được giấy phép kinh doanh, giấy an ninh trật tự, lý lịch tư pháp, phương án phòng cháy chữa cháy… Giá trọn gói 30 triệu đồng", Bắc nói chắc nịch.
Được coi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, dĩ nhiên dịch vụ cầm đồ có nhiều thủ tục và quy định khắt khe. Do không đủ điều kiện, hầu hết phải nhờ dịch vụ "bùa" trọn gói. Từ đây, nhiều tiệm cầm đồ hoạt động chui hoặc núp bóng dưới dạng tự phát.
Nghe Bắc than mắc, T. nhấn mạnh do Bắc không đủ điều kiện nên phải nhờ người khác đứng tên. Rồi tiền "quan hệ", chi phí các loại giấy tờ khác…
"Xin giảm chút đỉnh thì T. nói làm ở đâu cũng vậy, vì không có nơi có chỗ không làm được đâu" - Bắc kể. Sau nhiều lần trễ hẹn, ơn trời, Bắc nhận được giấy đăng ký kinh doanh. Còn các loại giấy tờ quan trọng khác thì tiếp tục chờ qua tháng 5.
Cũng như Bắc, nhiều chủ tiệm cầm đồ thừa nhận ngại đi làm giấy tờ vì thủ tục rất phức tạp. Có người làm không được giấy tờ đành bỏ cuộc, phải nhờ đến "cò". N.Quý (28 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) dành dụm chút vốn mở tiệm.
Quý thuê mặt bằng, chạy bảng hiệu đâu ra đó chỉ chờ ngày khai trương. "Do tiếc tiền thuê dịch vụ nên tôi bỏ qua cảnh báo của chủ mấy tiệm tôi quen. Làm miết không xong, mất thời gian, mất kiên nhẫn, tôi phải nhờ dịch vụ hết một mớ tiền", Quý than.
Bài học "qua sông lụy… cò" luôn nằm lòng với dân cầm đồ, nhất là với ai mới lò dò vô nghề. Nhắc lại đoạn trường lo giấy tờ mở tiệm, anh Lê Hào (ngụ quận Phú Nhuận) vẫn còn ám ảnh.
Thuê được mặt bằng đẹp, giá tốt, anh Hào háo hức lên mạng tìm hướng dẫn thủ tục. Tưởng dễ hóa ra một mớ giấy tờ, thủ tục kèm theo khiến anh chóng mặt. Lận đận lên xuống hàng tháng trời, anh Hào đành nhờ dịch vụ. Chỉ một tháng sau, giấy tờ được gửi tận nhà.
Nhiều chủ tiệm cầm đồ cho biết chi phí chạy giấy tờ lên đến vài chục triệu đồng một hồ sơ hoàn chỉnh. Nếu đã leo lên lưng "cò", tiền trao nhưng cháo chưa múc thì cũng ráng đu dây theo. Có lấy lại được tiền cũng không chắc tự làm được.
"Người đứng ra lo giấy tờ thường có mối quan hệ ở trên hoặc thông qua cầu nối nào đó. Khi hồ sơ, tiền bạc trôi chảy, hai bên vui vẻ thì có lợi cho mình sau này. Họ mà phật lòng thì có nước chuyển địa bàn hoặc kiếm nghề khác" - Văn Tung, chủ hệ thống cầm đồ ở huyện Nhà Bè, đúc kết.
Dài cổ đợi "cò"
Hồ sơ kéo dài hàng tháng, có khi cả năm, trong khi tiền thuê mặt bằng vẫn đóng nên một số tiệm cầm đồ không để thời gian chết. Họ liều mình mở cửa hoạt động chui.
Lê Đức (27 tuổi, ngụ quận 7) nhờ "cò" chạy giấy tờ từ hơn năm trước. Theo quy định lúc đó, người đứng tên tiệm phải là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 5 năm tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký đặt địa điểm kinh doanh. Để thỏa mãn điều kiện này, "cò" phải tìm người đứng tên thay.
Quá thời hạn, Đức chỉ nhận được giấy đăng ký hộ kinh doanh và phiếu xác nhận lý lịch tư pháp của một người lạ hoắc. Hồ sơ tiếp tục bị ngâm tại khâu xin giấy xác nhận an ninh trật tự vì tréo ngoe là người đứng tên thay đang có tiền án.
Cuối năm 2023, quy định về điều kiện người đứng tên phải có hộ khẩu thường trú ít nhất 5 năm được bãi bỏ. Thấy quy định nhẹ gánh hơn, Đức yêu cầu phía dịch vụ điều chỉnh người đứng tên trên giấy tờ sang tên mình. Sau nhiều lần hứa hẹn, đến cuối tháng 4, hồ sơ anh vẫn bật chế độ chờ trong khi tiền "cò" không thiếu một cắc.
Sang lại tiệm của một người bạn, khi tiếp nhận, Mai Trí (28 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) mới ngã ngửa: chủ cũ lâu nay làm ăn mà không manh giấy lận lưng. Đến nước này, Trí phải nhờ "cò" chạy giấy tờ ròng rã ba tháng trời. Trong thời gian này, vì sợ mất khách, anh vẫn mở cửa.
Những trường hợp kể trên thuộc diện nhấn nhá làm trước, bổ túc giấy tờ sau. Lỡ mà cơ quan chức năng điểm mặt chỉ tên hoặc phạt nặng, họ sẽ co vòi chờ ngày đủ giấy tờ khai trương hồng phát.
Ngại nhất là những cơ sở hoạt động bất hợp pháp khiến người dân khó nhận biết, dễ ôm lấy rủi ro. Cơ quan chức năng vì vậy khá vất vả trong việc truy quét, xử lý dạng "cùi không sợ lở" này.
Chỉ khi nào bên cho vay lộ ra các dấu hiệu như không có cơ sở kinh doanh cố định, không được cấp phép, hành nghề qua mạng, thậm chí không cần tài sản thế chấp… thì đích thị là binh đoàn tín dụng đen cho vay cắt cổ.
Mở chui ắt gặp xui
Thay đổi quy định về điều kiện an ninh trật tự mới đây khiến dân cầm đồ mừng phát khóc. Chừng 1 năm trước, tờ giấy nhỏ nhắn này là nỗi ám ảnh.
Nay thì quy định người đứng tên tiệm phải có hộ khẩu thường trú ít nhất 5 năm tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký đặt địa điểm kinh doanh đã trở thành quá khứ. Điều đó có nghĩa bất cứ ai cũng có thể mở cầm đồ mà không cần xét đến điều kiện trên. Đó là chưa kể đến một mớ thủ tục về phòng cháy chữa cháy cũng đã cho về thì quá khứ.
Không còn cảnh chạy ngược chạy xuôi nhờ người đứng tên, dân cầm đồ còn toan tính việc mở thêm cơ sở thứ hai, thứ ba. Giờ đây họ chỉ cần lên bộ phận một cửa ở quận huyện xin giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Tiếp đó ghé qua sở tư pháp xin phiếu lý lịch tư pháp số hai. Có hai tờ giấy kia, qua công an quận huyện xin biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy và giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự là xong.
Ngành công an cũng thường xuyên đưa ra những cảnh báo về những rủi ro khi gởi gắm lòng tin nơi "cò", tránh tiền mất tật mang. Trên cổng thông tin của các đơn vị quản lý hành chính thông báo, hướng dẫn rất cụ thể về những đổi mới, đơn giản hóa thủ tục cấp hồ sơ hoạt động cầm đồ. Chỉ cần làm theo các bước, hồ sơ hợp lệ sẽ được giải quyết đúng thời gian quy định.
Nhưng nỗi ám ảnh xất bất lo giấy tờ thủ tục vẫn đè nặng. Nhiều người ngại phiền hà phải nhờ dịch vụ lo trọn gói với giá khá cao. Không ít người gặp "cò" đểu, "tiền đưa đã lâu mà hồ sơ chả thấy đâu". Không có manh giấy lận lưng, kết cuộc là họ liều mở cửa hoạt động chui. Khi bị phát hiện và ăn biên bản phạt nặng thì đổ lỗi cho cái thằng mang tên… xui.
(một số nhân vật trong bài đã được đổi tên)
Theo quy định hiện hành, cá nhân nào mở tiệm cầm đồ khi chưa hoàn tất đủ hồ sơ là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 - 15 triệu đồng. Số tiền phạt sẽ gấp đôi nếu bên vi phạm là tổ chức, doanh nghiệp.
Chưa hết, người vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đã gây ra.
----------------------
Càng đi sâu tìm hiểu, chúng tôi thật sự giật mình trước độ liều của các chủ tiệm cầm đồ. Tính (35 tuổi, chủ tiệm trên đường Nguyễn Thị Định, TP Thủ Đức) tiết lộ tài sản không chính chủ đều cầm được, miễn sao "có mối quan hệ".
Kỳ tới: Liều lĩnh cầm đồ gian
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận