Nhưng để tránh vi phạm quy định lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, có thể bị quy kết cho vay nặng lãi theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015, các dịch vụ cầm đồ này đã thu lãi suất "cắt cổ" dưới dạng phí.
Cầm đồ nhưng không giữ đồ
Thông tin với Tuổi Trẻ, anh Đ.T.T. (Mỹ Đức, Hà Nội) cho hay vừa phải cầm chiếc xe máy cho một cửa hàng cầm đồ trên đường Láng để vay 10 triệu đồng nộp viện phí cho con. Lãi vay là 1.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Do xe cầm được 10 triệu đồng nên số tiền lãi phải trả là 10.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, anh T. được thuê lại xe và trả phí cho thuê, thay vì sẽ bị giữ xe như phương thức cầm đồ "truyền thống".
"Vì cần xe đi nên tôi đã thuê lại chính cái xe của mình với mức phí 15.000 đồng/ngày, còn nếu không thuê xe sẽ bị thu phí trông giữ xe. Với tiền lãi vay tưởng là thấp nhưng tổng số tiền mà tôi phải trả cho khoản vay 10 triệu đồng lên tới 25.000 đồng/ngày, tính ra khoảng 90%/năm. Tuy nhiên, nếu không trả hết khoản vay trong bảy ngày đầu như cam kết, số tiền sẽ phải trả hằng ngày càng cao" - anh Đ.T.T. cho biết.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, việc lách luật theo kiểu cầm đồ mà không giữ đồ thực chất là hoạt động cho vay, rất phổ biến. Theo giới thiệu trên web của Cầm đồ..., nơi này có dịch vụ cầm xe máy không giữ xe và được quảng bá là... một hình thức được áp dụng nhiều. "Thực chất đây là hình thức vay tiền nhanh bằng cà vẹt xe máy, người vay sẽ cầm cà vẹt xe máy để nhận về một khoản tiền phù hợp", trang web này giới thiệu.
Trang này cũng cho biết nhận cầm mọi loại xe máy trên thị trường, từ xe ga cho tới xe số, xe đã mua đứt sản phẩm hay xe đang trong quá trình trả góp. Chỉ cần CMND hoặc CCCD, cà vẹt xe chính chủ. Nếu xe không chính chủ, cần phải có giấy mua bán hoặc sang nhượng và CMND của chủ xe cũ, 15 phút là được giải ngân.
Ngoài ra có chuỗi cầm đồ còn cầm cả túi xách hàng hiệu Hermes, Chanel, Dior, Louis Vuitton, Gucci, cầm sim số đẹp (lục quý, ngũ quý, tứ quý, tam hoa...), cầm đồng hồ hiệu... Cứ món đồ giá trị là cầm được.
Lãi suất cắt cổ núp bóng các loại phí
Chiều 8-3, tại một cửa hàng cầm đồ trên đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh, TP.HCM), dù trên trang web có quảng cáo dịch vụ cầm xe máy không giữ xe, nhưng khi chúng tôi vào vai khách hàng hỏi cầm chiếc xe máy của mình theo hình thức không giữ xe, nơi này cho hay chỉ cung cấp dịch vụ cầm và có giữ xe. Lãi suất là 7,5%/tháng (90%/năm) và phí bãi xe 200.000 đồng/tháng. Như vậy, nếu tính theo năm, lãi sẽ vượt 100%.
Trong khi đó, tại một cửa hàng thuộc chuỗi cầm đồ V (viết tắt), sau khi định giá chiếc xe thì nhân viên ở đây cho biết có thể cầm được 20 triệu đồng theo hình thức có giữ xe. Khi được hỏi lãi suất thì nhân viên chuỗi cầm đồ cho hay "tụi em chỉ báo chị khoản gọi là "chi phí vay", trong đó bao gồm cả lãi suất, phí định giá, phí bảo hiểm, bảo quản tài sản...".
Chi phí vay được báo là 5,6%/30 ngày, khoảng 68,7%/năm, trong đó lãi suất thể hiện trên hợp đồng cầm cố chỉ có 1,6%/tháng (19,8%/năm), tức đã lách để không vi phạm quy định về cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, người cầm xe còn phải chịu phí bãi xe 200.000 đồng/tháng. Nếu tất toán sớm, tiệm này tính theo thời hạn 10 ngày, 20 ngày, 30 ngày.
Như vậy nếu cầm xong một ngày mà tất toán vẫn phải gánh chi phí vay tối thiểu 10 ngày và phí trông giữ xe tối thiểu là 50.000 đồng. "Nếu chị cầm xe máy lấy 20 triệu đồng, mỗi tháng phải trả 1,13 triệu đồng và để xe lại cửa hàng", nhân viên chuỗi cầm đồ chốt lại. Tính ra nếu vay trong sáu tháng, tiền lãi và phí phải trả bằng 34% giá trị khoản vay.
Việc lách luật bằng các chi phí ẩn, trong khi lãi vay được đưa ra ở mức thấp rất phổ biến ở các chuỗi cầm đồ. Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, anh Q.T. (quận Bình Tân) cho hay vừa qua anh cầm chiếc xe Wave Alpha tại chuỗi cầm đồ F88 được hơn 4,7 triệu đồng.
Dù lãi trên hợp đồng chỉ 1,4%/năm (17%/năm) nhưng lãi thực trả cao hơn nhiều vì gánh thêm hàng loạt phí như: phí thẩm định, phí quản lý tài sản cầm cố, phí bảo hiểm và cả phí ký gửi. Tính ra vay hơn 4,7 triệu đồng nhưng sáu tháng anh phải trả tổng cộng hơn 6,1 triệu đồng, chia ra mỗi tháng hơn 1 triệu đồng.
Mạo danh cho vay tài chính
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - cho biết trên thị trường có hai loại hình cho vay. Đó là cho vay cầm đồ và cho vay tài chính tiêu dùng. Hoạt động cho vay cầm đồ là kinh doanh có điều kiện, do Bộ Công an quản lý. Các tổ chức này hoạt động theo đăng ký kinh doanh và chịu sự điều chỉnh theo Bộ luật dân sự về cầm đồ và quy định về an ninh trật tự.
Còn hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng mà các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép chịu sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật các tổ chức tín dụng và Luật doanh nghiệp. Các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động theo hệ số an toàn, rủi ro, nợ xấu, hạn mức cho vay... dưới sự giám sát, thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước.
Đối tượng cho vay của hai loại hình này đều dưới chuẩn. Tuy nhiên hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đang bị hiểu nhầm/đánh đồng với các công ty tài chính mạo danh. Thực tế các công ty cố tình đặt tên là công ty tư vấn tài chính, công ty đầu tư tài chính, các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ... để cho vay, khiến nhiều người hiểu nhầm như công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
"Để bảo vệ quyền lợi của người dân, Hiệp hội Ngân hàng đã có văn bản gửi Bộ KH-ĐT, kiến nghị rà soát lại việc đặt tên "công ty tài chính" của loại hình cho vay cầm đồ nhằm tránh việc nhầm lẫn với các công ty tài chính tiêu dùng, cũng như vi phạm Luật các tổ chức tín dụng. Bộ KH-ĐT đã có văn bản gửi sở KH-ĐT các tỉnh, TP rà soát lại" - ông Hùng nói.
Theo luật sư Trương Thanh Đức - giám đốc Công ty luật ANVI, tài chính tiêu dùng hợp pháp chỉ có 16 công ty được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Tuy nhiên, trên thực tế có tới hàng ngàn doanh nghiệp được cơ quan cấp phép kinh doanh cấp giấy đăng ký kinh doanh mang tên công ty tài chính, thậm chí cả hiệu cầm đồ. "Điều nguy hiểm là các công ty mạo danh này không có một hạn chế nào về hạn mức, lãi suất, đối tượng, mục đích cho vay…", ông Đức nói.
Nhiều cửa hàng F88 đóng cửa, Thế giới di động tháo bảng hiệu F88
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ chiều 8-3 tại các tuyến đường như Ung Văn Khiêm, Nguyễn Gia Trí, vòng xoay Hàng Xanh..., nhiều cửa hàng của F88 đóng cửa không hoạt động.
Trong khi đó sau tuyên bố tạm dừng hợp tác với F88 chiều 7-3, đến chiều 8-3 nhiều cửa hàng của Thế giới di động đã tháo các bảng hiệu F88, được gắn cố định tại các cửa hàng của Thế giới di động từ cuối năm 2021 sau khi Thế giới di động bắt tay với F88 cho vay tiền mặt.
Theo doanh nghiệp này, việc hợp tác với F88 xuất phát từ mong muốn khách hàng không đủ tiêu chuẩn vay ngân hàng có thể tiếp cận với dịch vụ cầm cố chính thống.
"Tuy nhiên trong mọi trường hợp, chúng tôi luôn yêu cầu đối tác phải tuân thủ đúng pháp luật. Chúng tôi tạm thời ngưng hợp tác với F88 và gửi yêu cầu giải thích chuyện gì đang xảy ra", đại diện Thế giới di động cho biết.
Hoạt động đòi nợ núp bóng công ty mua bán nợ
Các hoạt động mua bán nợ đang tiềm ẩn gây rối đời sống xã hội thời gian qua chủ yếu là do các công ty mua bán nợ, công ty cho vay tài chính gắn kết với lực lượng đòi nợ thuê núp bóng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số doanh nghiệp mua bán nợ cho biết do thời điểm ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ bị cấm trùng với thời điểm dịch vụ mua bán nợ đã rất "thoáng" nên nhiều công ty dịch vụ đòi nợ chuyển đổi loại hình kinh doanh sang công ty dịch vụ mua bán nợ.
"Ngoài ra nhiều công ty dịch vụ pháp lý, tư vấn luật, tư vấn đầu tư..., nhất là công ty cho vay tài chính cũng đua nhau đăng ký kinh doanh dịch vụ mua bán nợ...", giám đốc một công ty mua bán nợ cho hay.
Từ ngày 1-1-2021, khi Luật đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành, ngành nghề "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" bị liệt vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Cũng từ ngày đó, khi nghị định 69/2016 hết hiệu lực, các điều kiện chặt chẽ của hoạt động dịch vụ mua bán nợ không còn. Và từ thời điểm này, các công ty kinh doanh dịch vụ này được đăng ký kinh doanh bình thường như các ngành nghề kinh doanh khác.
Theo luật sư Hứa Thị Thảo - Đoàn luật sư TP.HCM, trừ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ uy tín, hoạt động ở lĩnh vực tín dụng, các công ty mua bán nợ có hoạt động đòi nợ núp bóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây rối cho xã hội. Bởi theo Bộ luật dân sự, hoạt động mua bán nợ và thu hồi nợ của các công ty mua bán nợ dạng này không bị kiểm soát chặt chẽ như trước.
"Chỉ khi hoạt động thu hồi nợ của các công ty này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự như gây rối, đe dọa tính mạng, xâm phạm sức khỏe, khủng bố, cưỡng đoạt tài sản..., cơ quan công an sẽ xử lý theo quy định. Trong khi mục tiêu, bản chất hoạt động đòi nợ của các công ty trên không thay đổi", luật sư Thảo phân tích.
ÁI NHÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận