Di sản Mỹ Sơ n chuẩn bị kỷ niệm 20 năm được công nhận Di sản văn hóa thế giới - Ảnh: Đ.CƯỜNG
Có hai quan điểm đối chọi nhau lúc đó: hoặc là lúa gạo, lương thực để cứu đói cho dân hoặc gìn giữ tháp Champa cho mai sau.
Ông LÊ TRÍ TẬP
Giờ đây, khi du khách đi vào Mỹ Sơn sẽ qua một cây cầu nhỏ có hai cổng với kiến trúc kiểu của người Chăm bắc qua Khe Thẻ. Dòng suối nhỏ này đã từng nằm trong kế hoạch chặn dòng để làm hồ thủy lợi của mấy mươi năm trước...
Chặn dòng làm thủy lợi
Nhắc đến sự kiện lịch sử này, ông Lê Trí Tập, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, vẫn nhớ như in: "Tôi phải khẳng định thẳng như thế này, vào thời điểm đó nếu không có phương án thay thế thì Mỹ Sơn chắc chắn đã thành hồ thủy lợi".
Lúc bấy giờ ông Tập là giám đốc công ty thiết kế thủy lợi thuộc Ty Thủy lợi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ.
Những năm sau 30-4-1975, hơn 2,2 triệu dân của Quảng Nam - Đà Nẵng phải đương đầu với tình hình vô cùng nguy cấp, tỉnh phải chạy vào các tỉnh phía Nam mua lúa, gạo cứu đói. Nông dân phải khai hoang, phục hóa, làm thêm vụ lúa xuân hè mới mong đủ sống. Tuy nhiên, vấn đề cấp bách là hàng trăm hecta đất đai đang "chết khát".
Huyện Duy Xuyên được xem là một vựa lúa phía bắc của Quảng Nam - Đà Nẵng, vùng có nguồn nước từ sông Vu Gia, Thu Bồn. Thế nhưng các cánh đồng hàng chục xã ở vùng Tây Duy Xuyên khô khốc, hoang hóa.
Duy Xuyên có hai hồ thủy lợi là Vĩnh Trinh và Thạch Bàn từ thời Pháp để lại đã xuống cấp, cộng thêm sự tàn phá của chiến tranh nên rệu rã không thể sử dụng được.
Trước tình thế này, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đã chỉ đạo ngành thủy lợi tìm địa điểm làm hồ thủy lợi nhằm giải "cơn khát" cho đất đai. Các kỹ sư thủy lợi đã được tung lên rừng, lên núi để khảo sát tìm điểm xây hồ khác thay thế hai hồ này.
Cây cầu bắc qua Khe Thẻ - nơi từng có dự định chặn dòng làm hồ thủy lợi - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
"Khi anh em nhìn lên bản đồ thì phát hiện một vị trí rất đẹp là suối Khe Thẻ nằm trên quần thể tháp Mỹ Sơn. Vị trí rất là đẹp, thuận lợi để làm hồ thủy lợi", ông Tập nhớ lại.
Ông Hồ Hải Học, nguyên phó Ty Văn hóa thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhớ lại năm 1977, trưởng ty đi họp về nói như reo: "Học ơi, đã có cách giải quyết nạn thiếu đói ở vùng Tây Duy Xuyên. Tỉnh ủy mới thông qua chủ trương chặn dòng Khe Thẻ để làm hồ thủy lợi".
Việc làm đập Khe Thẻ rất dễ, chỉ làm cái đập ngay miệng suối là chắn nước dâng lên, "bài toán" hạn hán sẽ được giải.
Ông Học là phó ty nhưng phụ trách mảng bảo tàng nên hiểu rõ về giá trị của thánh địa Champa, ông khựng lại rồi thốt lên: "Chết anh ơi. Các tháp ở Mỹ Sơn có giá trị lắm, làm hồ thủy lợi sẽ ngập hết các tháp, xóa sổ Mỹ Sơn". Ông Học cùng các cộng sự của mình liền bàn cách "giải cứu" Mỹ Sơn.
Về phía ông Lê Trí Tập, sau khi nhận chỉ thị của lãnh đạo tỉnh, đoàn kỹ sư do ông dẫn đầu đã tiến hành tiền trạm, khảo sát Mỹ Sơn. Các kỹ sư thủy lợi cắt rừng đo đạc lòng hồ, tính toán mực nước dâng, trữ lượng nước chứa. Công binh, du kích xã vào rà bom mìn để làm tuyến đập, xây hồ.
Trong những chuyến "xé rừng" để thiết kế hồ thủy lợi, các kỹ sư phát hiện mấy cái tháp đã bị đổ nát như cái lò gạch cũ chìm trong cây cỏ dại. Ông Tập cùng các kỹ sư của mình chỉ biết đó là các tháp của người Chàm (Champa).
"Thoát chết" nhờ một bài báo
Câu chuyện sẽ không có gì nếu như không có chuyến ra Cục Lưu trữ quốc gia ở Hà Nội để tìm hồ sơ lưu trữ liên quan đến các hồ thủy lợi, hồ chứa nước ở Quảng Nam trong thời Pháp, Mỹ của các kỹ sư tỉnh Quảng Nam.
Theo ông Tập, khi đang lục tìm hồ sơ thiết kế liên quan đến các hồ thì tình cờ các kỹ sư phát hiện có một bài báo tiếng Anh có nội dung là giới nghiên cứu, khảo cổ học phản đối Mỹ ném bom vào thánh địa (hay kinh đô) của người Champa.
Họ đọc ra thì phát hiện thánh địa kéo dài từ kinh đô Trà Kiệu đến Mỹ Sơn, các tháp điêu tàn ấy chính là thánh địa của người Champa. Ông Tập tức tốc lục tìm tài liệu về các tháp này.
Điều thú vị là trong câu chuyện mà bài báo tiếng Anh phản đối việc Mỹ ném bom vào di sản của Mỹ Sơn đó, lại bắt nguồn từ một bức thư do một quản thủ bảo tàng Champa là cụ Nguyễn Xuân Đồng viết để "cầu cứu" giới khoa học quốc tế cứu lấy Mỹ Sơn.
"Khi biết chắc Mỹ Sơn là thánh địa Champa quý giá và quan trọng nên giới khoa học ở nước ngoài mới phản đối chuyện Mỹ ném bom, chúng tôi mới cho dừng ngay việc làm hồ thủy lợi, vì mình mà làm thì chôn mất nó luôn, khu tháp sẽ chìm xuống vài chục mét nước, không bao giờ tìm lại được", ông Tập nhớ lại.
Di sản Mỹ Sơn - điểm đến yêu thích của du khách quốc tế và trong nước - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Sự việc nhanh chóng được Ty Thủy lợi báo cáo với tỉnh để bàn có nên làm hồ thủy lợi tại Mỹ Sơn hay không. Một cuộc tính toán "cân não" xảy ra với Mỹ Sơn.
Theo ông Tập, có hai quan điểm đối chọi nhau lúc đó: hoặc là lúa gạo, lương thực để cứu đói cho dân, hoặc gìn giữ tháp Champa cho mai sau. Một số cán bộ từng chiến đấu ở khu vực Mỹ Sơn cho rằng ngoài chuyện đó là các tháp người Champa rất quan trọng thì đây là cái nôi của cách mạng, cần thiết phải giữ lại.
Theo ông Hồ Hải Học, lãnh đạo ty quyết định đi "đường vòng" ra Hà Nội gặp Bộ Văn hóa thông tin. Đón nhận thông tin này, bộ thấy tính cấp bách của tình hình nên cử ngay một đoàn cán bộ vào kiểm tra, thẩm định.
Sau chuyến thực tế ở Mỹ Sơn, đoàn đã ngay lập tức có bản báo cáo Bộ Văn hóa thông tin đề nghị tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng giữ lại các tháp Mỹ Sơn.
Cùng với đó, lãnh đạo ty lên báo cáo chuyện Mỹ Sơn với chủ tịch tỉnh Phạm Đức Nam lúc ấy.
Ông Nam nói: "Mỹ Sơn thì tôi biết từ hồi còn nhỏ nhưng qua những năm chiến tranh, máy bay địch thả bom, rồi gài mìn, tôi cứ tưởng là không còn gì nữa. Bây giờ anh em đã vào tận đó kiểm tra còn được vài chục cái tháp như thế này thì quý quá".
"Tìm cách khác để kiếm lúa gạo"
Khi xem xong các tài liệu, hình ảnh về Mỹ Sơn, ông Phạm Đức Nam chỉ đạo: "Không có lúa gạo thì ta kiếm bằng cách khác chứ để mất Mỹ Sơn thì không bao giờ tìm lại được".
Cuối cùng hai phe tranh cãi đã chọn một phương án khác để chữa cháy cho đồng ruộng. Đó là sửa chữa lại hồ Thạch Bàn. Vì thế, lãnh đạo tỉnh đã quyết định cho dừng việc chặn dòng làm hồ thủy lợi ở Mỹ Sơn.
Kỳ tới: Bí mật ở thành Điện Hải
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận