Một người thân quen ngại ngần lắm mới mở lời nhờ tôi tìm người mua lại giúp chị một thiết bị điện tử vì chị không dùng, để lâu có thể mất giá thêm. Đây là phần thưởng chị nhận được sau một cuộc thi.
Thay vì công bố giải thưởng là số tiền mặt lớn cho người đoạt giải, ban tổ chức tách đôi ra thành hiện kim và hiện vật. Chiếc máy lúc ấy được công bố có giá trị lên tới hơn 10 triệu đồng (thực tế tìm hiểu trên thị trường lại không tới giá đó).
Trong một cuộc trao giải về viết lách gần đây, theo thông tin đăng tải, giải ba cuộc thi có trị giá 10 triệu đồng/người, giải khuyến khích được trao thưởng trị giá... 11 triệu đồng/người (bao gồm tiền mặt và quà tặng). Và thực tế người đoạt khuyến khích chỉ nhận được 3 triệu đồng tiền mặt và phần quà gồm... thuốc nhuộm tóc và một vé nghỉ dưỡng một đêm tại một đảo du lịch, được tính chung vào là 8 triệu trong giải thưởng 11 triệu đồng.
Việc này gây hụt hẫng với rất nhiều người gián tiếp tiếp nhận thông tin (chứ không chỉ riêng người nhận thưởng). Khi tặng thuốc nhuộm tóc cho những người sống bằng nghề viết lách, người nhạy cảm có thể nghĩ là bỡn cợt, thiếu tinh tế... Cũng không mấy ai đi du lịch một mình, muốn dùng được vé du lịch lại phải mua thêm vé để đi cùng bạn bè, người thân (?!).
Sự việc này khiến tôi liên tưởng đến những việc trao thưởng "hỡi ơi", "khó đỡ" khác. Khi có thông tin các đội tuyển thể thao hay cá nhân vận động viên đạt thành tích cao trong các giải thể thao, có những nơi liền tranh thủ tuyên bố trao thưởng "khủng". Công chúng chú ý, vận động viên phấn khởi. Thông tin được đăng tải trên báo, đài.
Tuy nhiên, sau đó không phải nơi nào cũng có cách làm sòng phẳng, đàng hoàng với người nhận.
Thay vì được trao thưởng toàn bộ số tiền như công bố, người nhận sau đó mới hay có thể được nhận những sản phẩm của công ty làm ra hay các gói cung cấp các ưu đãi làm đẹp, sử dụng dịch vụ kèm theo những ràng buộc không dễ để nhận... Có một điểm chung của mỗi sự việc, đó là hầu hết người nhận thưởng thường ngại ngùng chia sẻ, chọn cách "im lặng là vàng".
Để tổ chức một cuộc thi, ban tổ chức hẳn đều phải rất đau đầu về kinh phí. Có nơi tìm đến nguồn xã hội hóa, kèm theo hình thức quảng cáo, tài trợ… Nhưng thiết nghĩ cần hết sức thận trọng, kỹ lưỡng khi dùng quà tặng như một phần thưởng trao giải cuộc thi. Bởi nếu không khéo léo có thể gây ra hiểu lầm, những tranh cãi không đáng có.
Tôi nghĩ tham gia cuộc thi có giải thưởng ai cũng vui. Tuy nhiên nhận tiền sẽ linh hoạt hơn trong việc sử dụng. Còn hiện vật khác, quà tặng kèm theo không phải bao giờ cũng thiết thực với người nhận. Tặng quà bằng hiện vật (nếu có) nên là quà tặng kèm theo giải thưởng. Đừng quy đổi tiền thưởng thành hiện vật, nhiều khi gây khó xử cho người nhận và điều tiếng không hay cho bên trao thưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận