26/04/2024 14:48 GMT+7

Bị cắt bảo hiểm y tế tự nguyện khi mua bảo hiểm bắt buộc có được trả lại tiền?

Khi có bảo hiểm y tế bắt buộc, người mua bỗng dưng bị cắt bảo hiểm y tế tự nguyện đã mua trước đó mà không hề được thông báo. Quy định về việc này ra sao?

Bệnh nhân khám chữa bệnh chờ đóng tiền tại Bệnh viện quận Phú Nhuận - Ảnh: TỰ TRUNG

Bệnh nhân khám chữa bệnh chờ đóng tiền tại Bệnh viện quận Phú Nhuận - Ảnh: TỰ TRUNG

Năm 2023, tôi đăng ký tạm trú ở quận Phú Nhuận, TP.HCM. Sau khi có tạm trú, tháng 7-2023 tôi mua bảo hiểm y tế tự nguyện tại một phòng khám đa khoa trên đường Phan Đăng Lưu, phường 7, quận Phú Nhuận với giá 972.000 đồng, và được nhân viên ở đây cho biết bảo hiểm y tế này sẽ có hiệu lực sau 30 ngày.

Bị cắt bảo hiểm y tế tự nguyện mà không  thông báo

Một tháng sau tôi về quê đi làm và được công ty mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở quê. Tháng 2-2024, tôi đến khám tổng quát ở phòng khám đa khoa nói trên thì được thông báo không thể sử dụng thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện tôi đã mua, vì tôi đã có thẻ bảo hiểm y tế bắt buộc.

Nhân viên phòng khám giải thích thẻ mới của tôi phải khám ở tỉnh, không liên thông với phòng khám của họ. Bảo hiểm y tế tự nguyện mà tôi mua qua phòng khám này đã bị cắt tại thời điểm công ty mua bảo hiểm bắt buộc cho tôi rồi.

Hỏi ra tôi mới biết bạn bè còn có nhiều tình huống "éo le" hơn mình. Như một người bà con là người dân tộc thiểu số được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, suốt quá trình học đại học cô ấy chỉ cần trình thẻ bảo hiểm y tế là không cần phải đóng tiền.

Thế nhưng khi ra trường đi làm, cô phải đóng bảo hiểm tại nơi mình làm việc nên thẻ bảo hiểm y tế miễn phí kia cũng không còn hiệu lực.

Tương tự, một anh bạn có vợ làm công an được hưởng bảo hiểm y tế theo đơn vị của vợ. Thế nhưng khi đi làm, được công ty đóng bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế của anh bên đơn vị của vợ công tác cũng không còn hiệu lực, khiến anh cứ ấm ức mãi.

Vấn đề đặt ra ở đây là: Thứ nhất, vì sao không thể áp dụng song song hai hình thức bảo hiểm y tế bắt buộc và bảo hiểm y tế tự nguyện để người dân có cơ hội lựa chọn cơ sở y tế khám chữa bệnh theo nguyện vọng của người dân? 

Thứ hai, tại sao khi người mua bảo hiểm y tế tự nguyện bị cắt lại không có ai gọi báo và hỏi xem họ có đồng ý cắt hay không? 

Thứ ba, số tiền đã đóng của người mua đã đi đâu, về đâu? Muốn nhận lại số tiền này thì liên hệ với đơn vị nào, thủ tục ra sao?

Thiết nghĩ bảo hiểm y tế nên có sự linh hoạt, tạo điều kiện cho người dân được chọn lựa nơi chăm sóc sức khỏe cho mình, bỏ quy định khám đúng tuyến ban đầu đi. 

Và điều cần làm nữa, việc trao đổi giữa bên cung cấp dịch vụ và bên mua dịch vụ cần thông suốt hơn, tránh việc người mua bảo hiểm y tế tự nguyện bị cắt mà không hề được thông báo. Như trường hợp của tôi phải tốn tiền vô TP.HCM để khám bệnh, cuối cùng phải chọn khám dịch vụ hoặc phải quay về quê để khám, rất phiền phức.

Được hoàn trả tiền không?

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, cho biết theo quy định tại khoản 2, điều 16 Luật Bảo hiểm y tế, mỗi người chỉ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế. 

Khoản 4 điều 7 nghị định 146/NĐ-CP (quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế quy định: Trường hợp các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau thì đóng bảo hiểm y tế theo thứ tự như sau: Do người lao động và người sử dụng lao động đóng; do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng; do ngân sách nhà nước đóng; do người sử dụng lao động đóng. 

Như vậy, người dân đang có nhiều thẻ bảo hiểm y tế thuộc nhiều đối tượng khác nhau phải cắt giảm thẻ và chỉ còn thẻ bảo hiểm y tế duy nhất.

Trường hợp trên, nếu đã tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, nhưng sau đó đi làm và được tham gia bảo hiểm y tế do người lao động và người sử dụng lao động đóng, thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giảm thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Để được hoàn trả tiền tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình còn thừa, người tham gia bảo hiểm liên hệ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ thu (đại lý thu - PV) để làm hồ sơ xin hoàn trả tiền thừa theo quy định.

Ngoài ra, nếu thuộc trường hợp tham gia nhiều loại thẻ bảo hiểm y tế khác nhau, để được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế cao nhất (ưu tiên 1), người tham gia cần nộp giấy tờ chứng minh mình thuộc đối tượng được hưởng quyền lợi cao nhất cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc cho đơn vị, nơi đang tham gia bảo hiểm y tế để được cập nhật quyền lợi theo quy định.

Vụ bệnh nhân bị từ chối khám bệnh BHYT lần 2: Bệnh viện Phú Nhuận nói gì?Vụ bệnh nhân bị từ chối khám bệnh BHYT lần 2: Bệnh viện Phú Nhuận nói gì?

Do phòng tiếp nhận là nhân sự mới nên hướng dẫn sai. Bệnh viện quận Phú Nhuận đã chấn chỉnh ngay từ phòng tiếp nhận bệnh nhân, tránh xảy ra việc hiểu lầm và gây bức xức cho người dân đến khám bệnh.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên