Và điều đáng sợ nhất đó là vào khoảng gần cuối năm 1970, ông bị bắt.
Không ai biết được ông chủ thầu khoán giàu có Mai Hồng Quế (thứ ba, từ trái sang) là một Việt cộng. Ảnh chụp tại Sài Gòn 1959 - Ảnh tư liệu |
Tự lo hậu sự
Bà Thiệp không nhớ chồng mình bị bắt ngày nào bởi khi đó bà còn đang phải lo nuôi và chăm con, còn chồng thì cứ sống nay đây mai đó để tránh sự truy lùng của cảnh sát.
Trong lúc đó, ông Lai vẫn tiếp tục tìm cách móc nối lại các cơ sở cách mạng, bởi sau tết Mậu Thân năm 1968 lực lượng biệt động Sài Gòn bị lộ và tiêu hao nhiều, nên phải tìm cách ém mình để chờ thời cơ. Tuy nhiên, khi chưa kịp ra chiến khu thì ông Lai bị bắt.
Kể lại việc này, bà Thiệp nói: “Họ giam ông nhà tôi gần bốn tháng trong tù với nhiều đòn tra tấn dã man. Người ta nói nếu cứ ở trong trại giam thì thế nào cũng chết nên tôi đã bán hết của cải để cứu ổng ra”.
Bà đã vét đến đồng xu cuối cùng để hối lộ cứu chồng ra khỏi nhà tù. Ông Trần Văn Lai khi đó người bị phù thũng, thậm chí không bước đi được. Khi trở về căn nhà ở Nguyễn Kiệm vào cuối tháng 12-1970 ông Lai chỉ còn có thể nằm một chỗ.
Sau này bà Thiệp hỏi mới biết khi ở trong tù, họ không chỉ tra tấn ông bằng đòn roi mà còn bằng những cách tàn độc hơn đó là bắt uống nước vôi, nước xà phòng: “Khi tôi đưa được ổng về nhà, cũng không biết làm sao để chữa được bệnh cho ổng”.
Ðể đảm bảo an toàn cho cơ sở cách mạng và vợ con, ông dặn vợ đi mua túi dùng đựng xác lính Mỹ chết trận. Ông dặn vợ nếu ông chết thì đừng chôn, cũng không được làm đám tang, cứ bỏ xác ông vào túi rồi bỏ xuống hầm nhà mà bà Thiệp đang ở rồi lấy cát đổ lên.
Tại nhà này, bà Thiệp cũng đã đào được một căn hầm ngay sát chân cầu thang dùng để ém cán bộ. Dặn dò vợ xong, ông bắt vợ học thuộc bốn câu thơ có địa chỉ và họ hàng quê hương ông ở xã Vũ Ðông, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình: Ðông Tiên con hỡi Ngọ Mùi/Lớn lên con nhớ đáp lời núi sông/Nội con ở xã Vũ Ðông/Kiến Xương là huyện tỉnh ta Thái Bình/Nhớ về nơi chốn ông cha/Họ Trần tên Bảo chính là chú con và bắt bà phải học thuộc lòng.
“Lúc đó ổng sợ lỡ ổng chết, sau này thống nhất đất nước tôi còn biết đưa các con về gặp gia đình nội để các con biết quê quán ông cha” - bà Thiệp nói.
Ông Năm Lai đã chuẩn bị cho sự ra đi của mình, nhưng trời run rủi thế nào để bà Thiệp gặp được một ông thầy bán thuốc nam. Ông thầy này cắt thuốc đưa bà về cho chồng uống, uống tới đâu chân tay ông xẹp đi tới đó, rồi dần dần ông đi lại, khỏe lại. Sau khi phục hồi sức khỏe, ông rút ra khỏi Sài Gòn, trở về quê vợ ở Quảng Ngãi tiếp tục hoạt động.
Một mình bà Thiệp tiếp tục phải xoay xở với đàn con, vừa lo kiếm tiền vừa lo dạy dỗ con cái. “Nhà còn được một chút tiền nhưng cũng chẳng bao nhiêu. Tôi phải làm nhiều nghề buôn bán khác nhau để kiếm tiền nuôi đám trẻ”.
Công việc mà bà Thiệp làm trong nhiều năm trước giải phóng đó là buôn bán đồ quân tiếp vụ của Mỹ. Bà Thiệp cũng cho biết hồi ấy luật cấm ngặt lắm, ai mua bán mà bị bắt thì bị đi tù. Nhưng vì không bán thì không có tiền nuôi con nên bà vẫn mua đi bán lại mấy thứ này.
Ông Trần Văn Lai (trái) và đồng đội Trương Văn Rồi sau ngày đất nước thống nhất - Ảnh tư liệu |
Nơi lui tới của những đồng đội cũ
Rồi hòa bình lập lại, ông bà được trở về căn nhà đã bị chính quyền Sài Gòn tịch thu và vợ chồng con cái được về lại ngôi nhà cũ ở sát chợ Tân Ðịnh. Những ngôi nhà khác ông đã mua đều được chia cho người khác.
Khi ấy ông bảo vợ: Ðất nước thống nhất, ai cũng hưởng như ai, ai cũng làm như ai. Khi nào mình già thì cũng được Nhà nước bảo vệ, nuôi dưỡng.
Ông Năm Lai tin vào điều đó, và ông không một chút tiếc nuối khối tài sản mà ông đã tạo dựng trong nhiều năm được hiến tặng cho chính quyền cách mạng. Còn bà Thiệp: “Chờ hoài mới hết chiến tranh, lúc đó tôi chỉ ước hết chiến tranh nhanh nhanh để mình được ngủ ngon một giấc, dù có vất vả bao nhiêu cũng cam lòng”. Ðó là mong ước và khát khao của bà Thiệp sau nhiều năm đằng đẵng sống trong không khí lo âu.
Những năm đầu giải phóng cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Vợ chồng ông Trần Văn Lai thậm chí còn phải nuôi heo trong ngôi nhà nhỏ của họ để cải thiện cuộc sống. Ðến năm 1980, ông nghỉ hưu ở nhà giữ xe cho người ta đi chợ.
Và để nuôi đủ cả sáu đứa con, ông thầu khoán giàu có một thời Trần Văn Lai phải mở tiệm bán nước rau má, bà Thiệp bán trứng vịt lộn. Hai vợ chồng tằn tiện lo cho cuộc sống của đàn con.
Nhưng ông không quên những đồng đội cũ của mình, mà họ, hầu hết có cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ (70 tuổi, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi), người làm giao liên cho ông Trần Văn Lai, kể khi ông Lai còn sống, mỗi khi có khó khăn gì bà đều tìm đến chú Năm để được giúp đỡ.
“Tôi nhớ chú thím chẳng dư dả gì nhưng tôi cũng khó khăn, cực khổ vì một mình nuôi ba đứa con nhỏ, làm giao liên trong suốt những năm tháng chiến tranh nhưng không được hưởng chế độ gì. Vậy nên mỗi lần tôi vào thành phố thăm chú thím Năm, chú đều lấy đồ trong nhà đưa tôi mang về nuôi sắp nhỏ” - bà Huệ nói.
Rất xúc động, bà Huệ kể có bữa bà đến Tân Ðịnh vào thăm vợ chồng ông Năm Lai và than “con khổ quá chú ơi”. Ông Năm đang xay rau má bán cho người ta, nghe vậy liền mở hộc tủ đựng tiền vét hết đưa cho bà Huệ và bảo: mang về đong gạo cho sắp nhỏ.
Còn bà Năm chạy vào sạp bán hàng của mình lấy thêm chai nước mắm, gói bột ngọt để đưa cho người giao liên của lực lượng biệt động Sài Gòn năm xưa.
Nhà ông cũng là nơi lui tới của nhiều đồng đội cũ, còn nhiều người khác hi sinh thầm lặng sau trận đánh năm xưa. Vì sự bí mật và an toàn cho biệt động Sài Gòn, khi mở các lớp huấn luyện đầu tiên, người mở lớp nghiệp vụ là ông Trần Minh Sơn đã yêu cầu cả người học và thầy dạy đều phải đeo mặt nạ để không ai có thể biết mặt ai.
Nhưng chính sự thận trọng này của tổ chức đã khiến cho sự đóng góp của nhiều người khác không được xác nhận nếu đường dây của họ bị đứt, bị bắt hoặc hi sinh.
Ông nói: “Ðây cũng là điều băn khoăn của đội biệt động Sài Gòn, để đến bây giờ rất nhiều anh em hi sinh mà tôi chỉ biết bí danh, không biết tên thật là gì, ở đâu để báo cho gia đình. Trong đó có nhiều anh em đã xuất phát từ cái hầm chứa vũ khí của anh Năm Lai...”.
_________
Kỳ tới: Những đứa con sinh ngày 7-5
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận