Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn kể về những lần chứng kiến bà Ân Phi làm bánh lọc bán dạo nuôi thân.
Ở trong chùa, đi lễ nhà thờ
Khoảng đầu thập niên 1960, tình trạng tâm trí tương đối ổn định, gia đình đưa bà Ân Phi từ miền Nam về lại cố đô Huế.
Khi ấy, căn nhà 145 Phan Đình Phùng đã được bà Từ Cung mua lại để ở, cho nên Ân Phi được người em gái là sư bà Diệu Không đưa về ở dãy tịnh xá của giáo hội, nay là chùa Kiều Đàm, Huế.
Sư bà Diệu Trì, trụ trì chùa Phổ Hiền (Huế), kể hồi đó bà Ân Phi thường đọc Kinh thánh, lần tràng hạt hoặc có nói lảm nhảm.
"Tới giờ bà thường đi lễ ở nhà thờ Phủ Cam hoặc Dòng Chúa Cứu Thế. Có thời gian bà nuôi đàn vịt, sợ người ta bắt, mỗi lần đi chợ hoặc đi đâu đó là bà bắt vịt vô giỏ đem đi. Khi về bà mới xổ ra, vịt chạy lông nhông. Bà thường đi chợ mua thịt cá về nấu ăn", sư bà Diệu Trì kể.
Sau thời gian ngắn, sư bà Diệu Không cho dọn dẹp phòng ở dãy sau của ni xá trong chùa Hồng Ân (Huế) đưa người chị gái lên ở. Sư bà Diệu Ý - trụ trì chùa Diệu Hạnh (Huế) - lúc đó mới vào tu, chưa xuống tóc nên sư bà Diệu Không sai đi theo hỗ trợ chị gái mình.
"Lúc đó năm 1965-1967, bà thường bách bộ đi lễ nhà thờ, khi thì nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, khi thì đan viện Thiên An, khi thì nhà thờ Phủ Cam, khi thì qua sông tới nhà thờ Kim Long.
Hễ đi mô là cô đi theo nấy. Bà vô nhà thờ làm lễ thì cô ở ngoài ngồi chờ. Về phòng riêng của bà trong chùa (Hồng Ân), bà nấu thịt cá, đọc kinh Công giáo và lần chuỗi hạt" - sư bà Diệu Ý nhớ lại.
Sư bà Diệu Ý sau đó làm thị giả của sư bà Diệu Không, cho nên biết rõ không ít chuyện riêng tư. Tôi hỏi: "Dạ thưa, sư bà Diệu Không có phiền vì người chị gái theo Công giáo hay không?".
"Chuyện theo Công giáo của bà Ân Phi, sư bà Diệu Không có nói rằng: "Thôi thì mỗi người mỗi cái nghiệp như rứa!". Bà muốn ở chùa thì cứ việc ở, bà muốn đi mô thì sư bà cho đi, rứa đó thôi!" - sư bà Diệu Ý cho biết.
Khoảng năm 1970, ở chùa, bà Ân Phi cảm thấy chuyện ăn uống, kinh kệ khác biệt, khó lòng nên đòi đổi chỗ ở. Hồi đó, Cung An Định được giao cho hoàng gia, mà đại diện là bà Từ Cung quản lý (chính quyền họ Ngô quốc hữu hóa giai đoạn 1955-1963 - NV).
Bà Từ Cung lấy căn phòng rộng bên phải của tầng trệt lầu Khải Tường để bà Ân Phi dọn về ở. Đây cũng là nơi bà phi khởi sự làm bánh bán dạo trong cảnh lôi thôi lếch thếch suốt mười mấy năm...
Nhầm thời
Cuộc sống bà Ân Phi giai đoạn này chẳng phải thiếu thốn.
Gia đình, nhất là người em - sư bà Diệu Không thường chu cấp tiền cho bà sống, kể cả việc thuê một người tên Xuân giúp việc hằng ngày. Không hiểu cơn cớ gì mà bà làm bánh đi bán.
Nhiều nhân chứng còn nhớ Ân Phi bắt đầu làm bánh lọc trần, nhân tôm thịt, nho nhỏ, xinh xinh.
Chiều chiều bà nách thau bánh về phía chợ An Cựu và quanh bến xe để bán. Thời gian đầu nghe đâu bánh bà người ta ăn một lần là khiếp, không mua lần thứ hai.
Theo họa sĩ Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai, dù bánh bà làm kiểu cách, nhưng là bánh lọc trần, bột khô mà bà đem đi hấp nên cứng đơ, không ăn được. Vì vậy mà bánh bà bán ế, hết vốn hoài.
Thời gian sau bà có "cải tiến", bánh làm ngon hơn. Nhất là giai đoạn sau 1975, bánh bà làm rất ngon. Hồi đó, hai người anh ruột bà là luật sư Hồ Đắc Điềm và bác sĩ Hồ Đắc Di từ Hà Nội thỉnh thoảng ghé Huế.
Họ ghé nhà vợ chồng người cháu Nguyễn Thị Kim Thoa và ông Nguyễn Cương trên đường Bà Triệu hoặc ở nhà khách gần ga Huế. Bà Thoa cho biết bà Ân Phi thường đem bánh đến mời hai anh ăn, thường được khen và được cho tiền cầm về.
Dù làm bánh lọc ngon, nhưng cũng có đoạn những người xung quanh thấy bà bán ế, thường xuyên hết vốn. Lý do hết vốn được kể do Ân Phi bán bánh... nhầm thời.
Cái thời đói kém sau thống nhất, người ăn thường thèm những cái bánh to nhiều bột, sắp tràn đĩa lấp cho đầy cái bụng rỗng.
Trong khi loại bánh của vị cựu đệ nhất phu nhân cao quý thường được nhào nặn nắn nót, nhỏ xinh, đẹp đẽ, tinh tế như kiểu trong cung... Vì vậy, bánh bà bán ít người ăn.
Thỉnh thoảng ế quá, bà cũng nách rổ bánh ghé nhà bà Từ Cung. Bánh cũng được mua cho những người hầu cận ăn xế.
Xong, bà Từ Cung cũng cho thêm tiền, gói thêm cái áo lành tử tế. Sư bà Diệu Không và những người quen thỉnh thoảng cũng cho tiền, song chỉ ít bữa là Ân Phi lại hết vốn...
"Có bữa ghé đức Từ, bà (Ân Phi) vô, thấy áo quần xơ xác lắm. Tui quở với mấy người làm sao không cho bà ít đồ để ăn vận cho đàng hoàng. Một người kể rằng nhiều lần đức Từ cho bà tiền bạc lẫn quần áo.
Tất nhiên nếu cho bà những đồ gấm vóc thì bà không dám mặc đi bán bánh. Nhưng không hiểu sao bữa sau cũng thấy bà lại mặc bộ quần áo cũ sờn, rách rưới như rứa", nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn kể.
Bánh dở, bánh ngon
Khoảng đầu thập niên 1980 là giai đoạn bán bánh khá "huy hoàng" của bà. Bánh lọc gói lá chuối của bà được nhiều người khen vừa gói khéo, tinh tế, ngon miệng. Lúc ấy bà làm mỗi ngày chỉ vài chục cái, nách về phía chợ An Cựu bán một lúc thì hết.
Xong, bà ghé mua bó củi nho nhỏ, bỏ trên rổ nách về. Tuy vậy, những người từng chứng kiến bà làm bánh thì việc mua bánh bà là không bao giờ, vì trông rất bẩn.
"Bánh bà làm đẹp lắm, làm ít, cỡ mấy chục cái thôi, nách xuống chợ An Cựu có khi tiếng đồng hồ là hết. Nhưng nói xin lỗi với anh, ở đây không ai dám ăn hết vì thấy bà làm bánh quá bẩn!", bà Nguyễn Thị Diệp từng ở gần phòng bà Ân Phi kể còn thoáng rùng mình.
Chồng bà Diệp là ông Hồ Văn Huyến nói thêm: "Khi bà nói chuyện hay văng nước miếng nên ai cũng thấy ngại".
Thỉnh thoảng bà nách thau bánh qua cầu Gia Hội, ghé nhà bà cựu ngũ giai Tân Điềm Nguyễn Đình Thị Bạch Liên mời ăn.
Chị Nguyễn Phước Huyền Trang, cháu bà Tân Điềm, kể: "Bà Ân nói phun nước miếng dữ lắm, có ai dám ăn mô. Hồi đó, bà hay ghé chợ Đông Ba mua trái cây như ổi, đu đủ chín rục gần như thối để ăn".
Hơn một năm cuối đời, vợ chồng ông Lê Hòa sống cùng bà Ân Phi, ông cho biết bà sống chủ yếu vẫn dựa vào thau bánh lọc đi bán, cho dù thỉnh thoảng cha xứ và một số người thân trong gia đình đến cho thêm tiền.
Ông Hòa nói: "Họ mua bánh về có ăn hay không thì tui không rõ. Có nhiều khả năng họ thấy thương bà mà họ mua bánh thôi. Bánh bà làm cũng đẹp đẽ lắm, có điều hắn không sạch sẽ".
**********************
Suốt mấy mươi năm khi phu quân Khải Định "cưỡi rồng về làm khách trời", bà Ân Phi thường xuyên đối thoại, trách cứ nhà vua đã chết đến tận cùng, cả ngày lẫn đêm.
>> Kỳ tới: Mấy mươi năm "đối thoại" với phu quân đã chết
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận