13/01/2018 07:59 GMT+7

Chiếc áo của đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại - từ Pháp trở về

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Vài năm trở lại đây, có một vấn đề văn hóa hết sức thú vị: nhiều cổ vật quý giá của nước ta một thời bị thất thoát ra nước ngoài nay có khuynh hướng lần lượt hồi hương.

Chiếc áo của đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại - từ Pháp trở về - Ảnh 1.

Catalogue của nhà đấu giá giới thiệu chiếc áo của Đoan Huy hoàng thái hậu - Ảnh: CTV

Sự trở về của chiếc áo là rất đáng mừng, bởi đó là hiện vật quý hiếm liên quan đến lịch sử văn hóa Việt Nam. Phải tiếp tục duy trì, gìn giữ sự tồn tại lâu dài của hiện vật. Cơ quan chuyên môn của Nhà nước nên tư vấn phương thức bảo quản (cho chủ nhân chiếc áo) như là một tài sản văn hóa chung của quốc gia

Ông Trần Đình Sơn

Trong một ngôi nhà trên phố Hàng Cót, Hà Nội, anh Nguyễn Thuận - chủ nhân mới của chiếc áo cổ vật, lần mở từng nếp gấp của áo mà bàn tay run run. 

Trước mắt những người chứng kiến là một màu vàng lộng lẫy với những mảng thêu rực rỡ, tỉ mẩn, sang trọng. Đây là chiếc áo của Đoan Huy hoàng thái hậu (còn gọi là đức Từ Cung, vợ vua Khải Định, mẹ của vua Bảo Đại) vừa được đưa về từ Pháp. 

Anh Thuận vừa thắng trong cuộc đấu giá ở Pháp. Sau hàng chục năm lưu lạc đất khách, chiếc áo hồi hương trong một ngày đầu tháng 11-2017.

Chiếc áo của đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại - từ Pháp trở về - Ảnh 3.

Chiếc áo quý đang gặp khó khăn về mặt kỹ thuật bảo quản, trước thời tiết VN không thuận lợi đối với đồ vải lâu năm - Ảnh: THÁI LỘC

Không có cơ hội thứ hai

Giữa tháng 10, Thuận được một anh bạn sưu tầm cổ vật giới thiệu một nhà đấu giá ở Pháp đang chuẩn bị đấu giá rất nhiều hiện vật quý giá của Việt Nam. 

Tìm xem trên mạng, nhiều hiện vật trong sưu tập chủ đề "Nghệ thuật của Đông Dương 1860-1945" (Indochine mythes et réalités 1860-1945) Thuận thấy rất hấp dẫn. 

Trong số hàng trăm tranh ảnh của họa sĩ ba nước Đông Dương, có rất nhiều tác phẩm đặc biệt quý giá của các danh họa Việt Nam như: Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Bùi Xuân Phái, Phạm Hậu, Nguyễn Trí Minh... 

Nhiều món hàng mỹ nghệ VN hồi đầu thế kỷ 20 bằng gỗ, sơn mài, gốm sứ rất có giá trị. Đặc biệt trong số đó, có mấy món liên quan đến vị vua cuối cùng của triều Nguyễn: bộ kim khánh bằng vàng và chiếc áo của hoàng thái hậu Đoan Huy, vợ và mẹ của hai vị vua triều Nguyễn.

Ban đầu, Thuận đặc biệt chú ý đến bộ kim khánh bằng vàng chạm cặp rồng khắc bốn chữ "Đại hạng kim khánh" (kim khánh loại lớn nhất) và "Đại chính trị gia" (nhà chính trị lớn) đựng trong một chiếc hộp bạc khắc bốn chữ "Bảo Đại niên tạo". 

Chiếc kim khánh được nhà đấu giá giới thiệu do vua Bảo Đại tặng vị Toàn quyền Đông Dương. Chưa lấy được visa đi Pháp, Thuận đành nhờ em gái tham gia đấu giá, còn anh ở Việt Nam nối điện thoại để "điều hành".

Sáng 23-10, phiên đấu giá bắt đầu. Đến phiên bộ kim khánh, giá khởi điểm được kêu 5.000 euro, chỉ vài giây sau lên hơn 10.000 euro rồi 18.000 euro, tôi chưa kịp nâng giá thì đã nghe "chốt" người thắng đấu giá. Tôi thua đau, do đây là lần đầu tiên tham gia đấu giá nên căng thẳng, không kịp trở tay!

Anh Nguyễn Thuận

Sau thất bại với kim khánh, Thuận quyết tâm đấu cho bằng được chiếc áo quý của Đoan Huy hoàng thái hậu. 

Lúc ấy Thuận nhận được sự tư vấn lẫn động viên của anh Vũ Trường Giang, một nhà sưu tập ở Hà Nội về sự quý hiếm và độc đáo, giá trị cũng như tầm quan trọng của chiếc áo này. 

Cũng may, lượt đấu chiếc áo diễn ra cách bộ kim khánh khá lâu, phải qua khoảng 230 hiện vật khác nên anh có đủ thời gian để... định thần, chuẩn bị tâm lý.

Sau giờ nghỉ trưa, đến chiếc áo ở lượt thứ 318, phòng đấu giá trở nên náo nhiệt với rất nhiều người tham gia, bao gồm cả những người lão luyện trong nghề đồ cổ của Việt Nam. Lúc đó Nguyễn Thuận vừa lo lắng, vừa đầy cảm xúc khi thấy chiếc áo được nhiều người quan tâm đến vậy.

Vì đã bị vuột mất chiếc kim khánh trước đó nên tôi ý thức rằng giá áo sẽ rất đắt, nhưng đây là cơ hội không có lần thứ hai của mình, cho nên phải bằng mọi cách thắng cho bằng được. Do nghĩ thế nên tôi quyết đoán mạnh tay hơn về giá cả. Nhờ vậy, sau hơn một phút cân não, tôi được em gái báo tin mình đã trở thành chủ nhân mới của chiếc áo quý.

Anh Nguyễn Thuận

Chiếc áo của đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại - từ Pháp trở về - Ảnh 6.

Nguyễn Thuận, chủ nhân mới của chiếc áo - Ảnh: THÁI LỘC

Lo lắng chuyện bảo quản

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, tác giả sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn, cho rằng chiếc áo thuộc hàng hiện vật quý hiếm, có giá trị nhất định đối với văn hóa lịch sử VN. Theo ông, chiếc áo có màu vàng chính sắc chỉ dành cho vua và hoàng thái hậu (hoặc thái hoàng thái hậu...).

Thời Nguyễn, ngoài triều Gia Long và Bảo Đại, các vua còn lại đều không tấn phong hoàng hậu cho "vợ chính của vua" khi còn sống. 

Do vậy, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nhận định đây chính là chiếc áo thuộc hàng thượng hạng trong nữ phục cung đình triều Nguyễn. 

Mặt khác, nước ta trải qua nhiều biến cố lịch sử, thiên tai lẫn hỏa hoạn, người xưa lại thường có thói quen đốt và chôn áo theo người chết; chiếc áo lại làm bằng lụa tơ tằm rất khó bảo quản trong điều kiện thời tiết của VN, trong khi tuổi đời áo đã ngót nghét 100 năm. 

Chính vì vậy mà cho đến thời điểm này, tại VN ghi nhận chỉ còn ba chiếc: một chiếc tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, một chiếc ở Bảo tàng Lịch sử VN tại TP.HCM và chiếc thứ ba do một nhà sưu tập tại TP.HCM nắm giữ.

Chiếc áo của đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại - từ Pháp trở về - Ảnh 7.

Chiếc áo nằm trong cuộc đấu giá tại Pháp hôm 23-10 - Ảnh: CTV

Chiếc áo quý vừa hồi hương của anh Nguyễn Thuận chính là chiếc áo thứ tư, dù được mua với giá khá đắt (chủ nhân không công bố) nhưng áo không tránh khỏi hỏng hóc một số chi tiết như khuy nút bị đứt rời, một số chỗ cũ sờn và chỉ thêu bong tróc, có mảng "viên phụng" đứt đường khâu, đôi chỗ nền vải và phần lớp lót có dấu hiệu bị mục.

Nhiều người lo lắng cho chiếc áo của hoàng thái hậu Đoan Huy khi nhìn thấy nó được trở về với đất mẹ Việt Nam, vì nếu bảo quản không khéo áo sẽ rất nhanh xuống cấp trong thời tiết có độ ẩm cao của VN. 

Đó cũng là lý do mà trong những ngày qua, Nguyễn Thuận đã liên hệ nhiều nơi, tham khảo cách sửa chữa và kinh nghiệm lẫn phương pháp bảo quản chiếc áo này.

Biểu tượng cao quý

ao hoang thai hau 5 3(read-only)

Hình ảnh “viên phụng” - biểu tượng của phái nữ cao quý trong hoàng cung xưa trên áo - Ảnh: THÁI LỘC

Chiếc áo của hoàng thái hậu Đoan Huy bằng đoạn vàng chính sắc, thêu "viên phụng" (chim phượng hoàng - biểu tượng của phái nữ cao quý trong hoàng cung được thêu trong một hình tròn) và nhiều đồ án hoa lá.

Phần cổ là một dải hoa lá sang trọng, tuyệt đẹp; phần cuối vạt áo trước và sau đều thêu hoa văn sóng nước (thủy ba)...

Hai chữ "vạn" và "thọ" mang tính chúc tụng điều tốt đẹp thêu trên áo chứng tỏ chủ nhân là một bậc tôn quý trong hoàng cung.

Chiếc áo của đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại - từ Pháp trở về - Ảnh 10.

Những mảng thêu viên phụng tuyệt đẹp - Ảnh: THÁI LỘC

Chiếc áo của đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại - từ Pháp trở về - Ảnh 11.

Nhiều chỗ trên áo đang xuống cấp, hỏng hóc - Ảnh: THÁI LỘC

Chiếc áo của đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại - từ Pháp trở về - Ảnh 12.

Nguyễn Thuận, chủ nhân mới của chiếc áo - Ảnh: THÁI LỘC

Chiếc áo của đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại - từ Pháp trở về - Ảnh 13.

Nguyễn Thuận (giữa), chủ nhân mới của áo quý - Ảnh: THÁI LỘC

Chiếc áo của đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại - từ Pháp trở về - Ảnh 14.

Cổ áo thêu dải hoa lá, hai bên có chữ “vạn” và “thọ” biểu thị sự chúc tụng điều tốt đẹp - Ảnh: THÁI LỘC

Chiếc áo của đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại - từ Pháp trở về - Ảnh 15.

Vạt áo thêu hình thủy ba (sóng nước) - Ảnh: THÁI LỘC

Chiếc áo của đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại - từ Pháp trở về - Ảnh 16.

Những sợi chỉ và nút bằng kim loại màu vàng bị bong rời ra - Ảnh: THÁI LỘC

Chiếc áo của đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại - từ Pháp trở về - Ảnh 17.

Những sợi chỉ và nút bằng kim loại màu vàng bị bong rời ra - Ảnh: THÁI LỘC

______________________

Kỳ tới: Đi thỉnh áo vua

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên