25/11/2023 10:40 GMT+7

Bí ẩn mỹ nhân nội cung vua Khải Định - Kỳ 1: Nội cung có mấy mỹ miều

Cuộc sống nội cung xưa nay như những mảnh sử rời tản mác được phóng viên tìm kiếm, "dựng lại" cho liền mạch dưới triều vua Khải Định.

Vợ vua Khải Định là bà Tiệp Dư (thứ 2 từ trái) và bà Tân Điềm (thứ 3) chụp cùng thứ phi Mộng Điệp (phải) của vua Bảo Đại tại Nha Trang năm 1951 - Ảnh tư liệu

Vợ vua Khải Định là bà Tiệp Dư (thứ 2 từ trái) và bà Tân Điềm (thứ 3) chụp cùng thứ phi Mộng Điệp (phải) của vua Bảo Đại tại Nha Trang năm 1951 - Ảnh tư liệu

"Đưa con vô nội", tức tiến con gái vào làm vợ vua, người Huế thường hiểu "thôi xong", là sự tuyệt vọng, mất mát không mong có ngày gặp lại.

Cuộc sống nội cung xưa nay như những mảnh sử rời tản mác được phóng viên tìm kiếm, "dựng lại" cho liền mạch dưới triều vua Khải Định.

Trên con đường gạch xuyên qua bãi cỏ mượt xanh trong Tử Cấm thành Huế, nhiều du khách ngạc nhiên lẫn thú vị khi được giới thiệu từng là nơi ở các bà vợ vua.

Giữa chốn tam cung lục viện này, cuộc sống các bà có khi tót ngời, nhưng đau đớn tuyệt vọng cũng vô cùng tận, mà có lẽ đau đớn nhất ở thời Khải Định - một ông vua bất lực không hề chung chăn gối với phụ nữ...

12 mỹ miều

Sách Đại Nam thực lục thời Khải Định ghi tên và giai thứ của năm bà vợ vua. Bà thứ nhất: Hồ Thị Chỉ, con gái quan đại thần Hồ Đắc Trung, nhập nội cung, được tấn phong nhất giai Ân Phi năm 1917.

Bà thứ hai: Hoàng Thị Cúc (sau là Đoan Huy hoàng thái hậu - Từ Cung), năm 1917 được tấn phong là tam giai Huệ Tần, năm 1918 lên nhị giai Huệ Phi và năm 1923 được tấn phong nhất giai Hậu Phi. Bà thứ ba: Phạm Thị Hoài, năm 1918 là ngũ giai Diễm Tần, năm 1922 được phong tam giai Diễm Tần.

Bà thứ tư: Võ Thị Dung, con gái quan thượng thư Võ Liêm, nhập nội cung năm 1919, được tấn phong tứ giai Du Tần. Bà thứ năm: Nguyễn Đình Thị Bạch Liên, cháu nội quan đại thần Nguyễn Đình Hòe, năm 1922 được tấn phong ngũ giai Điềm Tần.

Sách Khải Định chính yếu ban hành năm 1917, khi vua còn sống, nhắc thêm hai bà nữa là Trần Đăng Thị Thông - được tấn phong thất giai Quý Nhân và bà Ngô Thị Trang làm cửu giai Tài Nhân.

Mộc bản kinh Lăng Nghiêm của chùa Diệu Đế khắc năm 1922 (Lăng Nghiêm tập chú đô thành Diệu Đế tự tàng bản) chưa in, đang được lưu tại Trung tâm lưu trữ Học viện Phật giáo Huế, bổ sung thêm bốn bà nữa. Đó là: Tiệp Dư Trần Thị Khuê, Cung Nhân Nguyễn Thị Vịnh, Lệnh Nhân họ Trương, Tài Nhân họ Mai.

Năm 1968, cụ Vương Hồng Sển ghé Huế, sưu tầm được mấy câu thơ từng lưu truyền trong cung kể tên và "đặc tính" của 10 bà vợ vua. Khi đối chiếu với chính sử triều Nguyễn lẫn mộc bản kinh Lăng Nghiêm chùa Diệu Đế, chúng tôi nhận ra bài này bổ sung thêm một bà Tài Nhân nữa tên Biểu hoặc Táo.

Đúng với trí nhớ cựu hoàng Bảo Đại, nội cung thời Khải Định có 12 bà. Trong hồi ký "Con rồng An Nam", cựu hoàng Bảo Đại kể năm 1922, khi vua cha rời cung lên đường đi Pháp dự đấu xảo Marseille và đưa ông "du học làm vua", 12 bà vợ chia làm hai dãy phủ phục ở Tử Cấm thành tiễn đưa.

Cựu hoàng viết: "Đến điện Kiến Trung tôi khấu đầu trước vua cha và không ai nói một lời, hai cha con ra hành lang bên hữu đưa về điện Càn Thành, ở đó có cuộc tiễn đưa nhỏ. Dọc theo các bức tường màu hồng, 12 bà cung phi của hoàng đế đã phủ phục đợi chờ, theo thứ bậc của họ. Không ai dám ngẩng đầu nhìn lên.

Trong các bà này có mẫu thân tôi là thứ phi, đang âm thầm nhỏ lệ. Cha con tôi thản nhiên bước đi như kẻ vô tình...".

Cung vua như một cái chùa

Rất nhiều chuyện kể và sách viết về vua Khải Định bất lực và cuộc sống "nhiều màu sắc". Nhưng vua nạp đủ cửu giai để lấp cho đầy tam cung lục viện trong Tử Cấm thành. 

Việc nạp nội cung không chỉ từ chủ ý nhà vua hay của người mẹ chính Thánh Cung và mẹ đẻ Tiên Cung, mà còn do các quan đại thần dâng con gái mình vào cung nhằm mưu cầu danh lợi, củng cố quyền lực.

Nhiều vị quan "đi đường lưỡng cung": nhờ hai bà Hoàng thái hậu tác động. Vua chẳng dại từ chối để mất lòng mẹ mình và các đại thần, cho nên tùy vào cấp của các quan mà đồng ý rồi tấn phong giai thứ cho các nàng tùy theo cấp bậc cha họ trong triều. 

Các quan dâng con gái vô cung nhiều đến mức vua Khải Định từng nói: "Nội cung trẫm như cái chùa, ai muốn vô tu thì cứ vô!".

Lương bổng các bà cũng rất thấp, chẳng đáng là bao. Nhận xét của tứ giai Du Tần Võ Thị Dung với bạn bè được cụ Vương Hồng Sển trực tiếp nghe và ghi lại rằng: "Lấy chồng vua, được ban một cái áo xuyến, còn thua một cô gái nhà nghèo trong Nam có chồng là con điền chủ". 

Mỗi ngày, các bà trong nội cung được phân công chầu hầu ở điện Kiến Trung, nơi ở chính của nhà vua. Cấp tam cung có thể chầu thỉnh an: thường có mặt vấn an sức khỏe trước khi vua ngơi. 

Cấp lục viện thường được chầu thiện: có mặt kịp thời khi ngự thiện phòng dâng bữa để sắp xếp các món ăn và đứng hầu khi đức vua dùng bữa. Đó cũng là lúc có thể nhìn ngắm kỹ dung nhan người "đàn ông duy nhất".

Bà Nguyễn Phước Túy Hà từng hỏi người bà là cựu tứ giai Du Tần Võ Thị Dung (còn gọi Tân Du): "Bà ơi trong cung có vui không?"

- "Vui chớ, suốt ngày mấy chị em chơi với nhau, khi thì nhảy dây, khi thì chơi lò cò, chơi xóc đũa, đủ thứ trò, khi mô vui cười ầm ĩ quá, sáng hôm sau vô thỉnh an ngài ấy (chỉ vua Khải Định) thì nghe hỏi "Hôm qua mấy bà chơi chi mà vui rứa!". 

Sau bức tường thành, những người thiếu nữ đẹp sống quây quần với nhau, tự tìm thấy niềm vui bằng tài năng của mình. Người vẽ đẹp thì vẽ tranh, người đờn hay thì ngày ngày gảy đờn, người thì thêu thùa may vá... Những tài năng sắc nước hương trời ấy chẳng có cơ hội để tỏa hương bay xa".

Vua Khải Định vốn không thích và không gần gũi phụ nữ dù có đến 12 bà vợ - Ảnh tư liệu

Vua Khải Định vốn không thích và không gần gũi phụ nữ dù có đến 12 bà vợ - Ảnh tư liệu

Gọi nàng vô điện để... xâu cườm

"Ngài ngự không thích hái hoa" - đó là cách trả lời khéo của bà Tân Điềm Nguyễn Đình Thị Bạch Liên về chuyện chăn gối của chồng mình - với nhiều báo chí lúc sinh thời. Bà Nguyễn Hữu Bích Tiên, cháu gọi Hoàng thái hậu Thánh Cung bằng cô ruột, từng vào ra hoàng cung nên biết nhiều chuyện nội cung thời Khải Định. 

Sinh thời, bà kể với nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn rằng: vào đầu năm 1922, tam cung lục viện trong Tử Cấm thành bỗng nhốn nháo với sự kiện nhà vua le lói "nhu cầu gối chăn". Một đêm, vua cho vời Quý Nhân Ngô Thị Trang vào điện Kiến Trung (nơi vua ở). Sáng mai bà Quý Trang về viện, mấy bà nội cung cứ tụm năm tụm ba hỏi "chuyện chăn gối" tối qua. Quý Trang chỉ tủm tỉm chứ không nói gì. 

Đêm thứ hai vua cũng tiếp tục cho mời Quý Trang vào điện qua đêm. Sáng sớm trở về, Quý Trang mặt mày phờ phạc, mấy bà nội cung đã chờ trước viện hỏi chuyện. Họ càng tò mò đoán già đoán non khi Quý Trang cũng chỉ tủm tỉm cười, có chút kênh kiệu, lên mặt...

Đến đêm thứ ba, Quý Trang cũng được mời vào điện tương tự. Không biết suốt đêm các bà nội cung khác có ngủ được hay không. Sáng sớm về điện, Quý Trang trông vẻ vô cùng mệt mỏi, mặt mày phờ phạc, hốc hác.

Mấy bà chưa kịp hỏi thì Quý Trang đã vỡ òa. Thì ra, ba đêm được mời vào điện không phải để hầu long thể mà là để... xâu cườm cho chiếc hoàng bào đến mờ cả mắt, còng cả lưng, rã rời cả chân tay. 

Phục trang của đức kim thượng lúc ấy nhiều chỗ bị bong phần xâu cườm. Biết Quý Trang khéo tay, vua cho mời vào điện xâu lại cho hoàn chỉnh trước khi lên đường sang Pháp dự đấu xảo Marseille...

"Nội cung có mấy mỹ miều

Diệm đằm, Ân nín, Tiếp liều, Huệ hung

Du, Điềm có tính giả lung

Quý Trang, Cung Vịnh như khùng, như điên

Tài Biểu có tính tự nhiên

Tài Táo láo khoét huyên thiên dễ cười".

Vương Hồng Sển - sách Bên lề sách cũ

(tạm diễn giải: Diễm Tần Phạm Thị Hoài đằm đẹ, Ân Phi Hồ Thị Chỉ không thèm nói năng, Huệ Phi Hoàng Thị Cúc hung hăng, Du Tần Võ Thị Dung và Điềm Tần Nguyễn Đình Thị Bạch Liên ba phải, Quý Nhân Ngô Thị Trang, Cung Nhân Nguyễn Thị Vịnh và hai Tài Nhân tên Biểu và Táo).

----------------

Thời chưa làm vua, ông hoàng Bửu Đảo đam mê cờ bạc nên nợ nần chồng chất, lấy của nhà vợ nướng vào những canh bạc liên tù tì. Người vợ đầu hết chịu nổi đã phải "ly dị" lập chùa đi tu...

Kỳ tới: Vợ đầu ly dị, lập chùa đi tu

Chiêm ngưỡng ấn, kiếm và bảo vật của vua Khải ĐịnhChiêm ngưỡng ấn, kiếm và bảo vật của vua Khải Định

Ấn vàng, kiếm và hàng loạt bảo vật dưới triều vua Khải Định từng tượng trưng cho quyền lực của triều Nguyễn nay được đưa ra trưng bày, giới thiệu đến công chúng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên