15/07/2019 15:12 GMT+7

Bí ẩn của 'minh chủ' ốc gạo cuốn dừa nạo

NGỮ YÊN
NGỮ YÊN

TTO - Đem ốc xào với lá cách xong, làm món cuốn này chắn chắn sẽ tạo được "minh chủ" trong "võ lâm" món ốc gạo. Chỉ cần chén nước mắm mặn ngon dầm ớt vắt chút chanh, là đã có một bữa ốc ngon hơn nhiều so với ốc Sài Gòn.

Bí ẩn của minh chủ ốc gạo cuốn dừa nạo - Ảnh 1.

Ốc gạo mua ở ven đường từ Cần Thơ đi Phong Điền - Ảnh: THU NGUYỄN

Một buổi tối, mất cả tiếng đồng hồ chờ đợi, hai người bạn, một đồng nghiệp địa phương, một đồng nghiệp Sài Gòn mới mang về hai bịch ốc.

Một thứ là ốc gạo kèm đồ bổi. Một thứ là chang chang, loài nhuyễn thế hai mảnh giống chem chép nhưng dở hơn chem chép xa, như rắn hổ hành so với hổ mang.

Ốc gạo mỗi miền mỗi khác. Dùng chữ gạo đặt tên cho một thứ cốc có trước, rồi đặt tên cho ốc; hay là đặt tên ốc trước, rồi theo đó đặt tên cho cốc sau, thực khó mà biết.

Ngoài xứ Quảng, con ốc có tên là gạo nhỏ xíu, cỡ bằng cái nút áo sơ mi, có nhiều màu, còn gọi là ốc ruốc.

Ốc ăn xong không phải cất công "kẻ ăn ốc người đổ vỏ", vì vỏ ốc còn có thể dùng xâu lại làm vòng trang sức.

Mùa ốc gạo ở đây đến và đi nhanh, khoảng từ tháng 1 đến tháng 4. Mùa ốc là mùa ngư dân miệt mài vớt ốc đãi để có một mùa thu hoạch bộn xu.

Ốc gạo vùng Nha Trang con tròn, chỉ nhỏ bằng mút đũa, màu vàng lẫn chút sắc đen. Ngoại tôi lúc sinh tiền thường đi đãi ốc này ở cửa sông Cái Nha Trang vào những ngày triều thấp.

Hai loại ốc gạo miền Trung một thời rất hạp với người dân nghèo vùng biển nắng, vì họ ít việc. Có thể mấy bà ngồi "thiền định" bên rổ ốc suốt từ nửa buổi sáng đến chiều xế.

"Thiền định" này còn phải kèm với "tám" mà ngày xưa gọi là "ngồi lê đôi mách" - mách cùng nghĩa với "tám" chuyện kẻ khác. Dẫn đến hệ quả là tâm thanh tịnh khi rổ ốc đã vơi.

Ốc gạo miền Tây khác hẳn những kẻ đồng danh miệt ngoài. Khác xa lắc. Con ốc không hề nhỏ như hột gạo. Đến độ, người dân miệt Tân Phong còn dùng ngoa ngữ để biểu đạt niềm tự hào về độ lớn của con ốc xứ này.

Có thể nói ốc ở đấy to vô địch qua câu ca dao: "Ốc Cồn Tre hai người đè một người lể."

Câu ca dao vẫn tồn tại, nhưng một số người không hiểu hết nghĩa của nó. Ốc còn có màu xanh lam ngọc dễ nhìn.

Ốc Cồn Tre lớn vì sống ở vùng đất cát bồi. Cát độ nén thấp, nên khi vùi thân xuống cát, chúng có thể phát triển tốt trong một môi trường nước phiêu sinh phong phú.

Thịt con ốc nhờ vậy mà múp rụp. Tân Phong có nhiều cồn, là nguồn ốc gạo vô địch miền Tây, thu hút đông du khách đến tắm cồn và tự mò ốc gạo để ăn vào dịp mồng 5 tháng 5 âm.

Bí ẩn của minh chủ ốc gạo cuốn dừa nạo - Ảnh 2.

Một phiên bản mới về món ốc gạo: cuốn lá cách với dừa nạo - Ảnh: THU NGUYỄN

Con ốc gạo tối hôm chờ dài cổ ấy không lớn bằng ốc gạo Tân Phong, nhưng ông bạn đã chế tác ra một phiên bản ăn khá lạ miệng.

Ốc gạo mua ở một sạp quê gần thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Sạp ốc quê ấy của một người nghèo tha hương, được chủ đất cho mở đậu trên đất vườn của họ.

Ốc gạo lúc này đã vào đầu tháng 6 âm lịch, cuối kỳ cho phép khai thác, nhưng nhờ sa mưa do ảnh hưởng cơn bão số 2, ốc vẫn còn lai rai.

Và tuy con nhỏ, giá đã nhích lên 15.000 đồng/kg, so với chang chang chỉ 10.000. Nhưng có một nỗi éo le, ốc rẻ, mà theo chị Thảo chủ quán ở Nông Trại Sạch Cần Thơ, 79A Võ Văn Kiệt, nơi có bán món bánh khọt chiên ngập dầu với nhưn ốc gạo, cho biết: công lể đến 100.000 đồng/kg.

Phiên bản món ốc gạo tối hôm đó khá là cầu kỳ. Hai ông bạn đi tận vùng quê Phong Điền, để hái mớ lá cách, nhờ nạo một ít dừa cứng cạy. Ta chỉ việc trải lá cách ra, lót một ít dừa nạo, lể năm bảy con ốc, sắp đều trên mặt lá, rải lên một ít dừa nạo nữa. Và cuốn.

Chỉ cần chén nước mắm mặn ngon dầm ớt vắt chút chanh, là đã có một bữa ốc ngon hơn nhiều so với ốc Sài Gòn, một nơi tiêu thụ ốc rất nhiều mà nguồn lại cạn kiệt.

Nhưng ăn lá cách sống là một sự phí phạm. Thứ lá này chỉ lột được hết mùi hương đặc thù của nó bằng nhiệt. Đem ốc xào với lá cách xong, làm món cuốn này chắn chắn sẽ tạo được "minh chủ" trong "võ lâm" món ốc gạo.

Như đã nói ở trên, Cần Thơ còn có món bánh khọt nhân ốc gạo. Có cái ngon nhất định. Bánh khọt tôi không hảo bằng bánh căn miền Trung. Bánh căn là một thứ bánh bột nướng. Nướng tới lửa, miếng bánh dòn, thơm. Gặp nước chấm xịn, như nước cá ngừ kho hai ba lửa, một người có thể ăn tới hàng chục cặp. Bánh khọt được làm chín bằng cách chiên.

Ở Nông Trại Sạch Cần Thơ (Cantho Farm) lại chiên ngập dầu. Xứ này, bánh xèo nhân ốc gạo không lạ lùng gì, nhưng bánh khọt lại là chuyện khác.

Mỗi cái bánh khọt ở đây chỉ có ba con ốc gạo, vì công lể giá cao hơn sáu lần giá ốc. Những cái lưỡi phiêu lưu ẩm thực muốn ăn món bánh khọt ốc gạo hương xa này, nên đặt trước.

Mời bạn đọc tham dự Diễn đàn Món ngon của tôi

Bài viết tối đa khoảng 1.000 chữ, kèm hình ảnh (clip nếu có), và gửi về email monngoncuatoi@tuoitre.com.vn. Các bài viết được đăng sẽ được trả nhuận bút!

Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của Công ty Nutifood.


Bún mắm cua đồng Gia Lai: Bún mắm cua đồng Gia Lai: 'sướng mình khổ người ta'

TTO - Món bún mắm cua đồng có mùi đặc trưng mà nếu ai không quen khó mà chịu được. Lần đầu được tiếp xúc tôi cũng ‘bịt mũi" vì cái mùi nặng quá. Người ăn được thì bảo là mùi thơm ngon, còn người không chịu được mùi thì bảo nó là "thúi quắc".

NGỮ YÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên