Tô canh sim lo Trà Vinh
Tôi lớn lên ở vùng quê nghèo Trà Cú, một huyện vùng sâu đông đồng bào Khmer của tỉnh Trà Vinh. Những năm tháng tuổi thơ nghèo khó của tôi trôi êm đềm bên những phum sóc yên bình của người Khmer hiền lành chân chất.
Mẹ tôi là người Kinh nhưng bà lại nói rất sõi tiếng Khmer và biết nấu nhiều món ăn truyền thống của người Khmer trong đó canh sim lo là món ăn đằm sâu trong kí ức tuổi thơ tôi.
Cứ sau mấy tháng mài đũng quần trên giảng đường Đại học Cần Thơ tôi lại quay trở về quê trong niềm hăm hở được ăn món canh sim lo nóng hổi do mẹ tôi tự tay lựa từng cọng rau tàn mới hái ngoài vườn để nấu cho thằng con trai ở xa mới về.
Những lúc như thế trong trí tôi lại ngân nga câu ca dao của một thời tuổi dại mà tôi đã từng nghe:
Xa em nhớ vị sim lo
Xa em nhớ khứa cá kho quê nghèo!
Canh sim lo của người Khmer là sự phối hợp giữa cái béo của cá, thịt hòa cùng vị ngọt mát của rau tập tàng. Đặc biệt là vị mặn mòi đặc trưng của mắm bò hóc, một loại thực phẩm đặc trưng trong ẩm thực của người Khmer Nam bộ.
Mắm bò hóc được chế biến với nguyên liệu chính là cá (chủ yếu là cá đồng và sẽ ngon hơn khi ủ mắm bằng cá lóc).
Sau khi làm sạch, cá được ngâm nước muối một đêm rồi bỏ hết đầu, ruột, sau đó rửa kỹ lại bằng nước muối. Cuối cùng là xếp cá vào hũ (hoặc lu, khạp tùy theo số lượng cá nhiều hay ít), cùng với muối, cơm nguội.
Mỗi gia đình thường ủ với một tỉ lệ khác nhau, khoảng ba tháng sau là có thể dùng được.
Mắm bò hóc tạo nên một nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Khmer nói chung và người Khmer Trà Vinh nói riêng trong nêm nếm và chế biến món ăn.
Và khi nói đến những món ngon được chế biến bằng nguyên liệu này không thể không nhắc đến món canh sim lo.
Canh sim lo là một món ăn xuất hiện rất phổ biến trong bữa ăn của các gia đình Khmer ở Trà Vinh quê tôi, bởi lẽ nguyên liệu để nấu món ăn dân dã này rất dễ tìm lại không quá cầu kì phức tạp trong khi chế biến.
Gia vị chính trong bất cứ một nồi canh sim lo nào cũng có đó là mắm bò hóc, xả và ớt được băm nhuyễn.
Món canh này có thể được chế biến từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Để rồi từ nguyên liệu ấy mà người ta phân thành nhiều loại sim lo với những tên gọi khác nhau.
Nếu nguyên liệu chính là măng thì gọi là sim lo măng. Với món sim lo này, mẹ tôi thường ra vườn hái măng từ bụi tre sau nhà, sau đó bào mỏng nấu chung với một số loại rau vườn khác (còn gọi là rau tập tàng) như: bồ ngót, rau dền, lá bình bát dây, đọt nhãn lồng...
Không những thế mẹ tôi còn cất công lấy gạo rang xay nhuyễn làm thính bỏ vào để gia tăng mùi thơm cho tô canh sim lo nóng hổi.
Hoặc để thay đổi khẩu vị có khi mẹ tôi dùng bầu, bí hoặc mướp để nấu sim lo. Lúc ấy canh sim lo được gọi là sim lo bầu, sim lo bí, sim lo mướp.
Sim lo bầu có nguyên liệu chủ yếu là bầu không thêm nguyên liệu khác. Tuy nhiên với canh sim lo bí và canh sim lo mướp thì cần phối hợp thêm với rau tập tàng.
Nhưng với tôi, ngon và đặc sắc nhất phải kể đến nồi canh sim lo thập cẩm (hay còn gọi là sim lo lò cô) "tủ" của mẹ.
Sim lo thập cẩm được nấu từ nhiều loại rau quả, tạo nên mùi vị lạ và hấp dẫn, với các loại rau vườn nhà như: bồ ngót, bình bát dây, nhãn lồng... và các loại quả non như chuối, mít,...
Với những bữa cơm như thế bụng anh em tôi đều căng phồng.
Ăn canh sim lo thú vị nhất là vào những ngày mưa. Những lúc ấy gia đình tôi xúm xít bên nồi canh sim lo tỏa hương thơm ngát, chan canh sim lo vào cơm ăn với cá kho khô rồi cho thêm một chút muối ớt vào thì không còn gì bằng.
Dù rằng cuộc sống của gia đình tôi hôm nay đã không còn vất vả như ngày trước nhưng những món ăn bình dị chân chất của ngày xưa nhất là món canh sim lo vẫn thường xuyên xuất hiện trong bữa cơm gia đình của tôi. Một món ăn thể hiện đậm đà tình thương yêu của mẹ đối với anh em tôi.
Mời bạn đọc tham dự Diễn đàn Món ngon của tôi
Bài viết tối đa khoảng 1.000 chữ, kèm hình ảnh (clip nếu có), và gửi về email monngoncuatoi@tuoitre.com.vn. Các bài viết được đăng sẽ được trả nhuận bút!
Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của Công ty Nutifood.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận