03/05/2018 08:58 GMT+7

Béo phì trẻ em: Phòng ngừa và điều trị

Nguồn: Trung Tâm Dinh Dưỡng TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Trung Tâm Dinh Dưỡng TP. Hồ Chí Minh

Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ trong cơ thể quá mức cần thiết gây tổn hại cho sức khoẻ của con người.

Béo phì trẻ em: Phòng ngừa và điều trị - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: sciencenews.org

Theo tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 22 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh béo phì, trong đó hơn 17 triệu trẻ sống tại các nước đang phát triển.

Trẻ nặng bao nhiêu là béo phì?

Béo phì được chẩn đoán dựa trên chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index: BMI) chỉ số này được tính bằng công thức cân nặng tính bằng kg chia cho chiều cao bình phương tính bằng mét. Vì cơ thể trẻ thay đổi theo các giai đoạn phát triển của từng lứa tuổi nên chỉ số này cũng thay đổi theo tuổi. Trẻ được xem là dư cân khi trẻ nặng hơn 85% trẻ có cùng tuổi và chiều cao. Trẻ được xem là béo phì khi trẻ nặng hơn 95% trẻ có cùng tuổi và chiều cao. Để tính được điều này bác sĩ sẽ dùng bảng BMI theo tuổi.

Tại sao trẻ lại bị béo phì?

10% trẻ béo phì có nguyên nhân thứ phát sau một bệnh khác như nội tiết, di truyền, thần kinh, do thuốc. Còn lại 90% trẻ béo phì được cho là nguyên phát.

90% trẻ bị béo phì là do yếu tố môi trường (cả môi trường trong gia đình và môi trường xã hội).

Yếu tố môi trường xã hội: Chúng ta đang sống trong một môi trường với nhiều yếu tố gây béo phì mà chúng ta đôi khi không nhận ra: Lề đường chật hẹp không thuận tiện cho việc đi bộ; thức ăn đóng gói sẵn rẻ, đa dạng và giàu năng lượng; giao thông không an toàn do đó không thuận tiện cho trẻ tự đi học bằng xe đạp hay đi bộ mà phải có bố mẹ chở đến trường; công nghệ quảng cáo của các thực phẩm giàu năng lượng (nước ngọt, bánh ngọt, kẹo, chocolat) đánh vào đối tượng trẻ em; trẻ em ngày nay bỏ nhiều thời gian ngồi học nhiều hơn các thế hệ trước (kể cả học thêm tin học và ngoại ngữ),…

Yếu tố môi trường gia đình: Cha mẹ trẻ bận nhiều công việc nên không tập thể dục và ăn uống về đêm nhiều nêu gương xấu cho con; khả năng trang bị ti vi, vi tính và trò chơi điện tử cho con cái trong tầm tay của nhiều gia đình; tiện nghi trong nhà và phương tiện giao thông giúp tiết kiệm sức lao động như máy giặt, máy rửa chén, máy bơm nước, máy hút bụi, xe gắn máy…

Yếu tố môi trường có ở 3 mức độ: Gia đình, cộng đồng và quốc gia. Những yếu tố thuộc cộng đồng và quốc gia thì cần phải có giải pháp can thiệp liên quan đến nhiều ban ngành chứ không riêng ngành y tế. Trong khi đó các yếu tố mức độ gia đình có thể can thiệp được.

Béo phì nguy hiểm như thế nào?

Về mặt sức khoẻ: Béo phì ở trẻ em thường đưa đến các bệnh lý sau ở trẻ: Sạm da vùng nếp gấp, tăng lipid máu (cả cholesterol và triglyceride), tiểu đường, gan nhiễm mỡ, dậy thì sớm, bệnh lý túi mật, cao huyết áp.

Ngoài ra béo phì trẻ em cũng có thể dẫn đến các bệnh lý sau (tuy ít gặp hơn các bệnh kể trên): Khó thở khi ngủ, giả u não (gây nhức đầu), hội chứng giảm thông khí và biến chứng ở khớp (đau khớp hông, khớp gối, giới hạn vận động).

Về mặt cảm xúc: Trẻ có khuynh hướng mắc chứng tự ti, không hài lòng với hình dáng cơ thể, trầm cảm.

Về mặt xã hội: Trẻ sẽ bị kỳ thị, ấn tượng xấu, chọc ghẹo, bắt nạt.

Những trẻ nào dễ bị béo phì?

- Trẻ có cha hay mẹ béo phì.

- Trẻ là con trong gia đình khá giả, trình độ học vấn của cha mẹ cao, thu nhập của cha mẹ cao.

- Trẻ là con một, hay chỉ sống với một cha hoặc mẹ.

- Trẻ xem ti vi, chơi game, giải trí với vi tính nhiều.

- Trẻ không có thói quen tập thể dục.

- Trẻ có thói quen ăn sau 20 giờ, ăn ngọt, ăn vặt, ăn hàng quán nhiều.

- Trẻ không có thói quen ăn nhiều rau và trái cây.

Một trẻ nhỏ hơn 10 tuổi mà có cha hoặc mẹ béo phì thì có gấp đôi nguy cơ béo phì khi trở thành người lớn so với trẻ không có cha mẹ béo phì.

Trẻ dưới 3 tuổi (béo phì hay không béo phì) có nguy cơ thấp trở thành béo phì người lớn khi không có cha hoặc mẹ béo phì. Tuy nhiên nếu trẻ không béo phì có cha hoặc mẹ béo phì thì tăng gấp 3 nguy cơ trở thành béo phì người lớn và tăng gấp 4 nguy cơ béo phì người lớn nếu bản thân trẻ béo phì.

Khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên thì ít ảnh hưởng bởi cân nặng của bố và mẹ.

Một trẻ vị thành niên béo phì thì có 50% khả năng sẽ trở thành béo phì người lớn. Và con số này tăng lên 70 - 80% nếu có cha hoặc mẹ béo phì.

Làm sao để phòng ngừa béo phì ở trẻ em?

Ở những trẻ tăng cân nhanh, có xu hướng thừa cân béo phì, cha mẹ cần chú ý:

1. Chế độ vận động:

- Tránh cho trẻ ngồi lâu một chỗ, đọc truyện, chơi game kéo dài. Không chơi game hay xem ti vi quá 2 giờ một ngày.

- Khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi vận động và phụ làm việc nhà thích hợp.

- Khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ tham gia một môn thể thao (đối với trẻ lớn).

2. Chế độ ăn:

- Cho trẻ ăn đúng giờ, không bỏ bữa nhất là bữa ăn sáng, hạn chế ăn sau 20 giờ.

- Hạn chế mỡ, phủ tạng động vật, da động vật.

- Hạn chế thức ăn ngọt (cho trẻ ăn thức ăn ngọt 1-2 lần /tuần).

- Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau và trái cây trong ngày.

- Không dự trữ thức ăn ngọt (bánh ngọt, kẹo, kem, chè, chocolat) trong nhà.

- Không dùng thức ăn làm phương tiện thưởng hay phạt trẻ.

3. Theo dõi:

Theo dõi cân nặng định kỳ và nhờ bác sĩ tư vấn khi thấy con bạn tăng cân quá giới hạn cho phép 0,5kg /tháng đối với trẻ > 2 tuổi và 1kg/tháng đối với trẻ trong giai đoạn dậy thì.

4. Làm gương cho trẻ:

Cha mẹ hay thành viên khác trong gia đình phải cùng thực hiện hành vi ăn uống và vận động thể lực lành mạnh để làm gương cho trẻ.

Điều trị béo phì trẻ em như thế nào?

1. Những nguyên tắc chính của việc điều trị béo phì trẻ em:

Điều trị béo phì trẻ em là quá trình theo dõi lâu dài (giảm cân nếu cần trong vòng 6 tháng rồi sau đó theo dõi duy trì cân nặng) chứ không thể giải quyết qua một hay hai lần khám bệnh được.

Một trong những mục tiêu chính của việc điều trị giảm cân ở trẻ con là giáo dục kiến thức và hành vi tốt cho trẻ về phương diện ăn uống và vận động.

Giảm cân nặng thực sự sẽ được cân nhắc ở những trẻ lớn, có biến chứng, béo phì nặng.

Béo phì dưới 2 tuổi không cần giảm cân mà chỉ theo dõi (vì trẻ bị béo phì dưới 2 tuổi ít có nguy cơ béo phì khi lớn lên).

Vai trò của gia đình trong việc điều trị béo phì của trẻ là cực kỳ quan trọng.

2. Các yếu tố của một chương trình điều trị béo phì trẻ em:

a. Chế độ vận động:

Trẻ dưới 6 tuổi chưa đòi hỏi phải tập thể dục thể thao nhưng khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ tham gia trò chơi vận động (đạp xe, nhảy dây, cò cò, năm mười…), phụ việc nhà vừa sức. Trẻ trên 6 tuổi thì ngoài những việc trên, còn tạo điều kiện cho trẻ tham gia thể dục hay thể thao vừa sức.

b. Chế độ thuốc:

Hiện nay ở trẻ em không khuyến khích sử dụng thuốc điều trị béo phì.

c. Chế độ ăn:

Nhân viên tiết chế sẽ đánh giá khẩu phần và ra thực đơn cho trẻ tùy từng trường hợp cụ thể.

d. Điều chỉnh hành vi:

- Tự kiểm soát: Cho trẻ ghi nhật ký ăn uống và vận động trong một tuần.

- Cung cấp kiến thức về dinh dưỡng: Chế độ ăn lành mạnh (xin xem phần phòng ngừa béo phì ở trên), phụ huynh phải biết đọc nhãn thực phẩm để chọn lựa thực phẩm thích hợp cho gia đình, phụ huynh phải biết lợi ích của chất xơ như phòng chống táo bón, phòng chống ung thư, giúp giảm mỡ trong máu).

- Kiểm soát kích thích: Hạn chế dự trữ thức ăn ngọt béo trong nhà, chỉ ăn tại bàn ăn và không ăn nơi khác trong nhà, cha mẹ không ép trẻ ăn, không yêu cầu trẻ phải ăn hết toàn bộ suất ăn.

- Điều chỉnh các thói quen ăn uống: Cắn miếng nhỏ, nhai chậm, đặt đũa xuống giữa các lần nhai và chừa một ít thức ăn trong chén.

Nguồn: Trung Tâm Dinh Dưỡng TP. Hồ Chí Minh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên