14/11/2017 18:58 GMT+7

Bệnh viện và gia đình người tử vong khi chạy thận đưa nhau ra tòa

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Hôm nay 14-11, luật sư đại diện cho Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thông báo với 8 gia đình có người thân tử vong khi đang chạy thận tại bệnh viện này hồi tháng 5 là không tiếp tục trao đổi về thỏa thuận tài chính với các nạn nhân.

Theo luật sư đại diện, hai bên sẽ cùng nhau ra tòa. Việc đền bù sẽ thực hiện theo phán quyết của tòa án.

Nạn nhân bức xúc

Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, con bà Nguyễn Thị Minh, một trong 8 người tử vong hồi cuối tháng 5, cho biết trong nửa năm qua, 8 gia đình và bệnh viện đã có 6 cuộc làm việc nhưng chủ trương của phía bệnh viện luôn thay đổi. 

"Lần làm việc thứ 3 thì bệnh viện nói cần chứng từ chi phí đám tang, nếu không có hóa đơn đỏ thì có thể thay thế bằng biên nhận, hóa đơn bán lẻ… Nhưng lần gặp thứ 5 khi chúng tôi đã nộp đủ các chứng từ này thì phía bệnh viện lại nói chứng từ không hợp lệ" - chị Tuyết bức xúc.

Cũng theo chị Tuyết, các gia đình nạn nhân cũng đã mời luật sư và luôn mong muốn được "thỏa thuận dân sự" với phía bệnh viện, sáng 14-11 họ đã gọi bệnh viện để có một cuộc thỏa thuận cuối cùng nhưng bệnh viện từ chối. 

"8 người đều tử vong cùng một lý do nhưng bệnh viện lại muốn đền bù theo mức khác nhau, gia đình tôi được đề nghị đền bù 169 triệu, nạn nhân có con 14 tuổi được đề nghị đền nhiều nhất là 242 triệu, nhưng một người khác mất khi mới 46 tuổi lại được đề nghị đền có 136 triệu. Các gia đình nạn nhân yêu cầu được đền bù mức tương tự nhau là 250 triệu đồng/người" - chị Tuyết cho biết.

Đại diện một gia đình nạn nhân khác lại phẫn nộ cho biết bệnh viện đề nghị được tạm ứng khoản đền bù. "Chúng tôi là nạn nhân, không phải người làm thuê của bệnh viện nên không nhận tạm ứng" - vị này cho biết. 

Theo đó, bệnh viện có một khoản tiền và đề nghị được "tạm ứng" mỗi gia đình 50 triệu đồng trước, nhưng các gia đình nạn nhân không chấp thuận. Những rắc rối này khiến việc đền bù không thực hiện được và bệnh viện quyết định đưa vụ việc ra tòa.

Đền bù dựa trên điều kiện nạn nhân

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều tối 14-11, ông Nguyễn Duy Tôn, luật sư đại diện cho phía bệnh viện, cho biết việc bệnh viện đưa ra các mức đền bù khác nhau dựa trên tuổi thọ bình quân của các gia đình nạn nhân, tuổi đời nạn nhân và số năm chạy thận, tức là căn cứ vào điều kiện từng người. 

Ông Tôn cũng thừa nhận việc cán bộ tài vụ bệnh viện sử dụng từ "tạm ứng" và yêu cầu hóa đơn đỏ là có cứng nhắc, nhưng đó là bệnh viện viện lo ngại thiếu chứng từ khi thanh quyết toán.

"Nhưng do hai bên không làm việc được với nhau nên bệnh viện quyết định đưa vụ việc ra tòa án để tòa xem xét" - ông Tôn nói. 

Hiện tại, các gia đình nạn nhân đều rất lo lắng, họ có người thân qua đời, giờ lại lúng túng chuẩn bị bước vào cuộc chiến pháp lý. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cho đến nay mới có rất ít vụ tai biến y khoa được đưa ra phân xử ở tòa án.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên