Bệnh từ miệng mà vào. Nguy cơ bệnh tật, dịch bệnh xảy ra trước mắt có là lúc để người có thói quen ăn món độc lạ ngừng lại, biết sợ?
Ai cũng biết ăn chín, uống sôi sẽ góp phần đảm bảo sức khỏe. Việc ăn mật cá sống, nuốt thằn lằn sống chữa bệnh... tưởng chỉ là cách chữa bệnh phản khoa học ngày xưa. Ngày nay, chúng ta vẫn nghe đâu đó người dân chữa bệnh theo cách này và không ít trường hợp phải nhập viện.
Nguy cơ từ "bài thuốc dân gian"
Sử dụng mật cá trắm là điển hình vì được cho là "thần dược" chữa khỏi bách bệnh. Cứ đau bụng, đau lưng, hen suyễn, ho, ốm yếu, suy nhược..., một số nơi người dân ăn hay nuốt mật cá trắm với rượu... Hằng năm, các bệnh viện ghi nhận trường hợp cấp cứu do ngộ độc.
Viện Y học biển Việt Nam từng tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân 59 tuổi sau khi ông nuốt mật cá trắm sống với rượu và bị đau bụng, nôn mửa... phải vào viện cấp cứu. Các kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy tình trạng suy tạng nặng do ngộ độc...
Cũng như không có bằng chứng, cơ sở khoa học của việc sử dụng vảy tê tê, sừng tê giác hay uống rượu ngâm động vật hoang dã tốt cho sức khỏe. Nhưng có những người vẫn dùng bằng niềm tin.
Thế nên động vật quý hiếm, cần được bảo tồn cũng khó sống với nạn săn bắt. Trong mùa sinh sản, chim bìm bịp con cũng bị bắt ngâm rượu. Hổ mang, hổ mang chúa cũng bị săn lùng, tận diệt. Cá ngựa, sao biển, các loài sinh vật biển khác cùng chung số phận...
Vì lợi nhuận, quên pháp luật?
Sáng 7-2-2020, các tình nguyện viên của nhóm bảo vệ rùa biển tại Việt Nam phát hiện một nữ tiểu thương ở chợ Hà Tiên (Kiên Giang) xẻ thịt rùa biển để bán cùng với các loại cá. Con rùa xanh này có trọng lượng khoảng 30kg, vây dài hơn 20cm.
Họ đăng hình ảnh rùa xanh bị xẻ thịt lên Facebook, kêu gọi cộng đồng mạng chung tay bảo vệ động vật hoang dã và yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc. Người phụ nữ này bị buộc ký cam kết không tái phạm.
Sáng 10-2-2020, người dân thị xã Tân Châu (An Giang) được tận mắt chứng kiến con cá hô nặng đến 111kg, dài khoảng 1,3m được cho là thương lái đã mua từ nước bạn. Nhiều người đã chụp ảnh, quay clip đăng lên mạng xã hội.
Theo báo chí, cả người đánh bắt, thu mua và vận chuyển đi tiêu thụ đối với cá hô quý hiếm ngoài tự nhiên đều bị xử phạt hành chính với số tiền cao nhất lên đến... 1 tỉ đồng bởi cá này thuộc nhóm I trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm...
Đây là hai vụ mới nhất về buôn bán động vật hoang dã quý hiếm được ghi nhận. Không biết những người tham gia vụ việc đã từng biết đến nghị định, luật cấm hay chưa. Tuy nhiên, không loại trừ vì lợi nhuận người ta sẵn sàng "quên"!
Một số động vật quý hiếm khác vẫn đang được buôn bán, giết thịt phục vụ nhu cầu thưởng thức món độc lạ, thời thượng. Không ít người ăn được vật lạ liền khoe mẽ với nhau trên mạng chứ không cân nhắc chuyện ăn uống và sức khỏe và ứng xử đúng pháp luật.
Mấy ai thắc mắc con vật lạ nếu ăn có nguy cơ gì không? (có chăng chỉ tin rằng ăn vào sẽ bổ như lời đồn). Bắt, giết thịt sinh vật quý hiếm như thế có hợp pháp không?... Sở thích "thưởng thức" kiểu này gây hại cho cân bằng sinh thái.
Nguy cơ bệnh dịch
Chưa bàn sâu đến các yếu tố pháp lý liên quan, việc buôn bán, tàng trữ, nuôi nhốt động vật hoang dã nói chung cho thấy thêm nguy cơ về bệnh tật, nguy cơ lớn về sức khỏe do các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Nghiên cứu khoa học cho thấy hầu hết động vật hoang dã đều mang nhiều loại virus khác nhau, lây nhiễm không chỉ qua việc ăn thịt mà còn có thể nhiễm qua quá trình săn bắt, vận chuyển, giết mổ... cũng để phục vụ "cái miệng" con người.
Bệnh từ miệng mà vào. Nguy cơ bệnh tật, dịch bệnh xảy ra trước mắt có là lúc để người có thói quen ăn món độc lạ ngừng lại, biết sợ?
Y học đã ghi nhận vào năm 2002, virus gây bệnh SARS bắt nguồn từ những người ăn thịt cầy hương hay dơi. Săn bắt, giết và ăn thịt động vật hoang dã (nhất là ăn khi chưa nấu chín) cũng là cách tiềm ẩn cho bệnh tật.
Cho nên ngược lại, cách tránh được bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng hiệu quả cũng phụ thuộc vào hành động đúng đắn của mỗi người với động vật hoang dã.
Những vụ nhiễm độc từ nội tạng động vật hay sách đỏ động vật quý hiếm vẫn chưa có tiếng nói đủ mạnh khi thói quen khoái dùng món độc lạ, đồ sống, đồ hiếm vẫn còn đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận