02/06/2023 09:05 GMT+7

Bệnh tay chân miệng, đừng nghĩ do nắng nóng

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng, đặc biệt là ca bệnh nặng. Đáng lưu ý Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vừa ghi nhận một trường hợp tử vong nghi ngờ do mắc bệnh tay chân miệng độ 4 sau bốn ngày bệnh.

Một bé mắc tay chân miệng nguy kịch, phải thở máy tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố vào ngày 1-6 - Ảnh: X.MAI

Một bé mắc tay chân miệng nguy kịch, phải thở máy tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố vào ngày 1-6 - Ảnh: X.MAI

Đáng cảnh báo, nhiều phụ huynh nhầm lẫn các biểu hiện của bệnh tay chân miệng là do nắng nóng, khiến trẻ nhập viện trễ, chuyển nặng, nguy kịch.

Nhanh chuyển nặng, tử vong

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 ngày 1-6, vào sáng 31-5 đơn vị có tiếp nhận bé N.H.D. (nam, 5 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) trong tình trạng hôn mê sâu, co gồng, chi mát, mạch nhanh nhẹ, sốt rất cao 41,2 độ C.

Khai thác bệnh sử, bé D. đã bệnh bốn ngày với triệu chứng lở môi, ăn uống kém, ói. Đến tối ngày bệnh thứ tư, bé sốt 39 độ C kèm run toàn thân 10 phút, gọi không biết, vã mồ hôi, được gia đình đưa đến nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, chẩn đoán tay chân miệng độ 3.

Bé D. được đặt nội khí quản, bóp bóng, sử dụng thuốc vận mạch, thuốc an thần và chuyển Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé D. mắc bệnh tay chân miệng độ 4 và được xử trí tích cực chống sốc, hỗ trợ hô hấp - tuần hoàn, lọc máu theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tuy nhiên do tình trạng bệnh nhân rất nặng nên đã tử vong vào chiều cùng ngày. Về nguyên nhân tử vong, các bác sĩ nghĩ nhiều do bệnh tay chân miệng. Hiện bệnh viện đang chờ kết quả xét nghiệm PCR xác định.

Ghi nhận tại khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 sáng 31-5, nhiều trẻ mắc tay chân miệng nhập viện điều trị, trong đó có hai ca bệnh nặng được các bác sĩ theo dõi và điều trị sát sao.

Dù được gia đình đưa đi điều trị tại bệnh viện địa phương bốn ngày vì mắc tay chân miệng nhưng tình trạng sức khỏe bé T. (17 tháng tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) chuyển biến sang mức độ nặng 2B. Bệnh viện địa phương đã chuyển bé T. đến Bệnh viện Nhi đồng 1 vào trưa 30-5 tiếp tục điều trị.

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk thông báo trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một bệnh nhi 1 tuổi đã tử vong vì bệnh tay chân miệng độ 4. Tại bệnh viện địa phương, các bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm cơ tim cấp.

Ca bệnh nặng sẽ còn tăng

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) chiều 1-6 cũng đang điều trị hai ca mắc tay chân miệng nặng. Trong đó có một bệnh nhi rất nặng phải thở máy, nguy kịch và một bệnh nhi độ 2B. Về số trẻ mắc tay chân miệng đến khám ngoại trú là 5-10 ca/ngày - đại diện bệnh viện thông tin.

Theo Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 5 tháng đầu năm, bệnh viện đã tiếp nhận 1.349 lượt điều trị ngoại trú, 158 bệnh nhân điều trị nội trú vì mắc bệnh tay chân miệng. 

So với cùng kỳ năm ngoái, hiện số lượng bệnh tay chân miệng bình thường nhưng số bệnh nhân nặng lại tăng (đã có 5 trường hợp nặng; trong đó 2 ca ở TP.HCM và 3 ca ở các tỉnh, 1 ca ở tỉnh tử vong).

Bác sĩ CKII Dư Tuấn Quy, trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết ngày 31-5, khoa điều trị 15 bệnh nhi, trong đó có 3 ca mắc bệnh độ nặng (2 ca độ 3 và 1 ca độ 2B). Vài ngày trước, khoa đã cho xuất viện 1 ca mắc tay chân miệng độ 3 và 2 ca độ 2B.

"Thời điểm này vào năm ngoái thì bệnh viện chưa ghi nhận ca bệnh nặng. Tuy nhiên năm nay lại ghi nhận nhiều hơn. Đặc biệt hai ngày gần đây khoa tiếp nhận hai ca độ 3 cùng ở tỉnh Bình Dương

Phụ huynh hai bé chia sẻ cả hai học chung lớp, rồi cùng đưa con đến bệnh viện điều trị. Đây là điều phụ huynh và cộng đồng cần quan tâm nhiều hơn để phát hiện sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ", bác sĩ Quy nói.

Bác sĩ Quy cho biết thêm, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm. Đỉnh dịch của bệnh thường rơi vào tháng 4 đến 6 và tháng 8 đến 12 hằng năm. Dự báo bệnh có khả năng tăng cao khi thời tiết đang nắng nóng như hiện nay, khi người dân dần quên đi thói quen rửa tay, khử khuẩn, đeo khẩu trang so với trước đây.

Cách nhận diện bệnh tay chân miệng

Bác sĩ Dư Tuấn Quy cho hay, hiện bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc đặc trị. Bệnh do các loại vi rút thuộc họ vi rút đường tiêu hóa gây ra.

Sốt, nổi hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông... là những biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở trẻ mà phụ huynh dễ nhận biết.

Tuy nhiên với thời tiết nắng nóng hiện nay, nhiều trẻ có biểu hiện bệnh với ít nốt ban nhỏ nên phụ huynh lầm tưởng là rôm sảy, bị nhiệt hay hăm tã... vì nắng nóng. Đến khi trẻ chuyển nặng với biểu hiện sốt cao không hạ, giật mình liên tục, thậm chí thở bất thường thì mới đưa con đến bệnh viện.

Bên cạnh đó, phụ huynh còn nhầm lẫn biểu hiện chảy nước miếng kèm theo sốt ở trẻ nhỏ là do mọc răng. Tuy nhiên nếu trẻ chảy nước miếng nhưng sốt cao không hạ lại là một trong những biểu hiện của tay chân miệng. Thực tế các bác sĩ đã ghi nhận nhiều trẻ xuất hiện các vết loét bên trong miệng, kèm sốt do mắc tay chân miệng khiến nước miếng liên tục chảy ra.

Theo bác sĩ Quy, một trong những cách phát hiện sớm trẻ mắc tay chân miệng là trong lớp học của con có ghi nhận trẻ mắc tay chân miệng hay không. Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, trên người có vài nốt chấm phát ban thì phải đến cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán bệnh và đưa ra hướng điều trị thích hợp.

Nếu trẻ mắc tay chân miệng ở mức độ nhẹ thì nên cách ly, điều trị tại nhà. Phụ huynh cần chú ý đến những dấu hiệu chuyển nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

Nhằm hạn chế lây lan vi rút gây bệnh tay chân miệng khi chăm sóc, điều trị bệnh cho trẻ tại nhà, ông Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - khuyến cáo phụ huynh cần cách ly trẻ, không cho trẻ đến các nơi tập trung đông người trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

Mang khẩu trang, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà bông, đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, tiếp xúc phân, nước bọt, khăn trải giường của trẻ, đồng thời rửa sạch đồ chơi của trẻ, vật dụng, tay nắm cửa, thanh vịn, lan can, sàn nhà bằng nước xà bông…

Một trường hợp trẻ mắc tay chân miệng được bác sĩ chăm sóc - Ảnh: Xuân Mai

Một trường hợp trẻ mắc tay chân miệng được bác sĩ chăm sóc - Ảnh: Xuân Mai

Tưởng bé bị tiêu chảy nào ngờ bệnh tay chân miệng nặng

Ngày 30-5, bé Đ.H.T., 52 tháng tuổi, nhà ở huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, bị tiêu chảy hai lần, phân nhiều nước, bé bỏ ăn nên mẹ đưa đến bác sĩ khám. Bác sĩ khám thấy bé bị sốt nhẹ, không có dấu hiệu mất nước, có vài vết loét nhỏ trong miệng.

Bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh tay chân miệng và khuyên mẹ đưa vào bệnh viện tỉnh. Vài ngày sau khi vào viện, bé lên cơn co giật và tím tái. Bé được cấp cứu tích cực trong tình trạng bệnh tay chân miệng độ 4, bệnh rất nặng. Đây là một trường hợp bệnh tay chân miệng biến chứng viêm não do vi rút tay chân miệng, thường gặp là vi rút Enterovirus 71 (EV71).

Về chuyên môn, khi vi rút EV71 xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng mũi, đầu tiên nó sẽ nhân lên trong khoang hầu họng, đặc biệt là trong amidan. Amidan là một phần của hệ thống bạch huyết và đóng vai trò bảo vệ miễn dịch bằng cách bẫy và loại bỏ mầm bệnh.

Sau đó, vi rút lây lan đến ruột non gây nên triệu chứng tiêu chảy. Một số rất ít bệnh nhân có khả năng bị các biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, viêm não hoặc liệt mềm cấp tính.

Mùa hè thường là mùa bệnh tay chân miệng bùng phát, bà con mình cần thực hiện 7 biện pháp phòng ngừa như sau:

1. Vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, thay tã và trước khi chuẩn bị hoặc ăn thức ăn.

2. Tránh tiếp xúc gần với những người bị nhiễm bệnh.

3. Làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên bị chạm vào: chẳng hạn như đồ chơi, tay nắm cửa và mặt bàn. Điều này giúp tiêu diệt vi rút và ngăn chặn sự lây lan của nó.

4. Hướng dẫn bé biết che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi: dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay để che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

5. Cho bé nghỉ học khi bị bệnh: nếu bé bị sốt, đau họng hoặc lở miệng, bà con không cho bé đi học hoặc không đưa đi nhà trẻ, mà nên ở nhà cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.

6. Tránh dùng chung vật dụng cá nhân: không dùng chung đồ dùng, ly chén hoặc các vật dụng cá nhân khác với những người mắc bệnh tay chân miệng.

7. Duy trì môi trường sạch sẽ.

Bs Nguyễn Thành Úc

TP.HCM: Một trẻ 5 tuổi tử vong, nghi mắc tay chân miệngTP.HCM: Một trẻ 5 tuổi tử vong, nghi mắc tay chân miệng

Ban giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết một cháu bé 5 tuổi đã tử vong vào đêm qua, nghi ngờ do bệnh tay chân miệng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên