04/07/2018 15:22 GMT+7

Bệnh nhân phải trèo giường người khác vào giường mình

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Câu chuyện bệnh nhân ở Thanh Hóa phải leo qua giường bên cạnh mới vào được giường bệnh của mình đã được nêu ra tại Hội nghị tổ chức sáng 4-7.

Bệnh nhân phải trèo giường người khác vào giường mình - Ảnh 1.

PGS.TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 4-7, Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai thông tư 15 (thay thế thông tư 37) cho các tỉnh khu vực phía Nam.

Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng vụ kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, thông tư 37 chỉ nêu giá dịch vụ chứ chưa hướng dẫn nhiều về thanh toán. 

Do đó, việc ra đời thông tư 15 nhằm thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT ở các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, đồng thời hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT trong một số trường hợp cụ thể.

Trên 65 lượt khám không được thanh toán

Theo Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thông tư 15 quy định mức giá mới của trên 1.900 dịch vụ y tế. 

Đây là lần đầu tiên kể từ 2012 đơn vị giảm giá 88 dịch vụ y tế ở tất cả các tuyến mức từ 10 -15% tùy tuyến. Đặc biệt có nhiều loại dịch vụ với số lượng sử dụng lớn gồm tiền khám bệnh, tiền giường bệnh, giá dịch vụ chụp X quang, MRI…

"Việc điều chỉnh giá lần này góp phần tăng khả năng cân đối quỹ BHYT, giảm việc chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết và làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT" - PGS.TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Để đảm bảo chất lượng khám bệnh, thông tư lần này quy định lần không cho phép tính bình quân số lượt khám bệnh theo bàn khám hoặc bác sĩ. Cụ thể, yêu cầu phải dựa vào số lượt khám ở bàn khám cụ thể, không được vượt quá 65 lượt khám/ngày.

"Nếu các bàn khám có từ 66 lượt khám trở lên, cơ quan bảo hiểm chỉ thanh toán 50% mức giá khám, còn tiếp diễn trong thời gian 1 quý, cơ quan bảo hiểm xã hội không thanh toán số lượt khám vượt quy định nói trên", ông Liên khẳng định.

Đánh giá về vấn đề này, ông Lê Văn Phúc - phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT- BHXH Việt Nam cho biết qua khảo sát hiện tượng khám qua quýt cho người bệnh xảy ra khá phổ biến ở nhiều bệnh viện.

Bệnh nhân phải trèo giường người khác vào giường mình - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng vụ kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Một bác sĩ khám một ngày từ 80 - 100 người bệnh thì rõ ràng việc hỏi, khám lâm sàng với người bệnh không được kỹ lưỡng. Từ việc khám không kỹ lưỡng dẫn tới chỉ định lâm sàng không được chuẩn xác" - ông Phúc khẳng định.

Tuy nhiên, việc khống chế này theo một số lãnh đạo bệnh viện khó khả thi bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quá tải, đội ngũ bác sĩ thiếu hụt cũng là một số nguyên nhân.

 "Trèo lên giường mới qua được"

Đối với quy định định mức thanh toán, ông Lê Văn Phúc khẳng định các cơ sở y tế phải xác định số lượng bàn khám tại khoa khám bệnh, các khoa lâm sàng và xác định số giường, loại giường sử dụng.

Trong đó, xác định số giường thanh toán phải căn cứ vào tình hình nhân lực, cơ sở vật chất giá trị sử dụng và trang thiết bị của cơ sở y tế. Do đó, không thể tính theo kiểu "cơ học" kê bao nhiêu cũng được xác định sẽ không đảm bảo.

Bệnh nhân phải trèo giường người khác vào giường mình - Ảnh 3.

Ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng ban thực hiện chính sách BHYT- BHXH Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Câu chuyện này càng sinh động khi ông Phúc dẫn chứng câu chuyện liên quan đến giường bệnh ở một bệnh viện ở Thanh Hóa. Các giường bệnh được kê san sát vào nhau không còn lối đi, trong khi quy chuẩn thiết kế mỗi giường bệnh có diện tích 5m2

Còn tại một bệnh viện ở Nghệ An, ông kể từng thấy hai giường bệnh kê sát vào nhau, trong đó có một giường kê sát vào cửa sổ không còn lối ra cho người bệnh.

"Tôi hỏi bệnh nhân nằm trên giường sát cửa sổ ra bằng cách nào thì người nằm giường kế bên nói phải leo qua giường của mình mới ra được" - ông Phúc nói và lưu ý các cơ sở y tế chỉ khi thực sự quá tải mới kê thêm giường cho người bệnh nằm.

Ngoài ra, ông Phúc nêu một thực tế ở nhiều bệnh viện ở Hà Nội tình trạng thu thêm vật tư y tế (kể cả vật tư kết cấu trong giá dịch vụ) rất nhiều, ngoài các khoản được BHYT chi trả.  

Ông lấy ví dụ điển hình về trường hợp vợ một cán bộ làm ở BHXH Việt Nam vào mổ tại bệnh viện có uy tín ở Hà Nội. Mặc dù có bảo hiểm y tế chi trả nhưng vợ cán bộ này vẫn phải chi trả 40 triệu đồng cho phẫu thuật đứt dây chằng chéo.

"Thực sự các khoản này không biết từ đâu ra. Do đó, tôi kiến nghị Bộ Y tế nên kiểm tra và có các chế tài đủ mạnh xử lý các đơn vị thu thêm, thu lố chi phí của người bệnh"., ông Phúc nói.

Chi BHXH tăng nhưng giảm cấp ngân sách

PGS.TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, kể từ khi thực hiện thông tư 37/2015 đến nay có 159 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên.

Mặc dù số chi BHXH tăng lên nhưng ở chiều ngược lại giảm được ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ của 45 tỉnh/thành phố cho thấy, số chi ngân sách cấp cho các bệnh viện các năm 2016 và 2017 giảm khoảng 4.850 tỷ đồng, năm 2018 giảm 7.150 tỷ đồng. Riêng các bệnh viện thuộc Bộ Y tế năm 2017 giảm 486 tỷ đồng và năm 2018 giảm 571 tỷ đồng.

Các tỉnh, thành phố có số giảm nhiều như TP. HCM giảm khoảng 1.200 tỷ đồng, Thái Nguyên khoảng 170 tỷ đồng, Nghệ An khoảng 330 tỷ đồng, Hà Tĩnh 185 tỷ đồng, Bình Định 110 tỷ đồng.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên